Năm Mùi nói chuyện dê
Từ xa xưa, dê là một trong những loài gia súc mang tính biểu tượng cao và có ảnh hưởng lớn đối với đời sống văn hóa của nhiều quốc gia, dân tộc và nhiều tôn giáo trên thế giới. Ðối với phương Ðông, dê là 1 trong 12 con giáp, đại biểu cho địa chi (Mùi) và nằm trong “tam sinh, lục súc”; đối với văn hóa phương Tây, dê là 1 trong 12 biểu tượng của cung Hoàng Ðạo, với hình tượng chòm sao Nam Dương...
Tại Việt Nam, dê là một trong những loài thú được thuần dưỡng từ rất sớm, có ảnh hưởng đến tâm linh và đời sống văn hóa nghệ thuật của người Việt. Dê là 1 trong 6 con vật nuôi thông dụng nhất trong lục súc (gồm dê, gà, chó, heo, ngựa, trâu) và là tam sinh - 1 trong 3 thứ lễ vật hiến tế (gồm dê, heo, bò)…
Chương đầu tiên của sách Lĩnh Nam chích quái viết về họ Hồng Bàng từng ghi nhận: Từ xa xưa, người Việt trong hôn nhân đã biết giết trâu, dê làm đồ lễ, con dê được nuôi làm gia súc và sử dụng vào việc tế lễ… Đến thời nhà Nguyễn, dê vẫn là con vật quan trọng, chỉ được sử dụng trong việc tế lễ.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, dê trở thành đối tượng của nhiều câu ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ, ca dao độc đáo, như: “Bán bò tậu ruộng mua dê về cày” (ngụ ý phê phán lối làm ăn không biết tính toán); “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng” (nói đến kinh nghiệm chọn nghề làm ăn phù hợp với năng lực, hoàn cảnh); “Treo đầu dê, bán thịt chó” (phê phán kiểu làm ăn gian dối, không đàng hoàng); “Dê khoác áo cọp” (phê phán những người hay mượn oai kẻ khác để dọa nạt người)…
Ngoài ra, hình ảnh của dê cũng đã đi vào ca dao, văn học - nghệ thuật. Ngay từ thời nhà Lê, trong Hồng Đức quốc âm thi tập đã giới thiệu hai bài vịnh Tô Vũ của vua Lê Thánh Tông, trong đó có câu “Biển bắc xuân chầy dê chẳng nghén/Trời nam thu thẳm nhạn không thông”. “Bịt mắt bắt dê” là một trò chơi thú vị; trong dòng tranh dân gian Đông Hồ, bức tranh “Bịt mắt bắt dê” cũng là một trong những tác phẩm đặc sắc…
Ở góc độ kinh tế, dinh dưỡng, y học, dê cũng là loài động vật có nhiều giá trị. Thịt dê có mùi vị thơm ngon, có tác dụng bổ dưỡng, giữ ấm, thúc đẩy lưu thông máu, tăng thân nhiệt, rất tốt cho phụ nữ gầy yếu, ít sữa sau sinh nở… Theo y học cổ truyền, hầu hết các bộ phận của dê đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Chẳng hạn, thịt dê (dương nhục) có công dụng bổ huyết, ích khí, ôn trung, noãn thận, dùng chữa các chứng thiếu máu, suy nhược cơ thể, chán ăn, đau bụng do hư hàn hoặc suy giảm khả năng tình dục; tinh hoàn dê (dương thạch tử) có công dụng bổ thận tráng dương, ích tinh, chữa đau lưng, di tinh, tiểu đường; gan dê (dương can) có công dụng bổ huyết, ích can và làm sáng mắt...
Với kinh nghiệm dân gian, cùng với những giá trị và nhiều công dụng của loài dê, thời gian qua, tại nhiều địa phương trong nước đã phát triển nghề nuôi dê. Tiêu biểu trong số này là Tiền Giang - một trong những địa phương có phong trào nuôi dê quy mô nhất khu vực phía Nam, với số lượng khoảng trên 32.000 con. Hay như phong trào nuôi dê ở xã Trân Châu, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng, chỉ với 35 hộ nhưng nuôi trên 1.200 con dê… Nhờ nuôi dê, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Riêng ở Bình Định, nghề nuôi dê cũng phát triển khá mạnh ở một số địa phương, như: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn… Có thể kể đến gia đình ông Trần Văn Lợi, ở làng Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), bắt đầu nuôi dê từ năm 2003, đến nay ông đã có đàn dê hàng trăm con, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm…
Thôi, Tết Ất Mùi đã gần kề, chỉ xin nói vài chuyện về dê, kẻo thiên hạ lại bảo mình hay “cà kê dê ngỗng”! Nhân dịp năm con dê, xin giới thiệu đến quý độc giả mấy câu thơ: “Tái dê chấm với tương gừng/Ăn vào khí thế phừng phừng như dê/Đêm về vợ cứ tỉ tê/Ngày mai anh nhớ… tái dê tương gừng!”.
VIẾT HIỀN