Người Bình Ðịnh với Quân tử mai
Với người yêu mai, chơi mai là cái thú không chỉ vỏn vẹn có 3 ngày Tết mà là cả một quá trình thời gian tính bằng năm tháng. Ngày nay cái tên mai xuân Bình Ðịnh đã trở nên quen thuộc với người yêu nghệ thuật hoa kiểng cả nước, bởi nét đặc biệt mang dấu ấn phong cách Bình Ðịnh.
1.
Chơi mai thú vị từ khi ươm hạt, đếm những lá nách đầu tiên đến khi cành đã đủ dày để bắt đầu uốn thế. Một năm, hai năm, rồi có khi cả chục năm mới có được cây mai ưng ý. Mai Bình Định dù được đem đến đâu, để lẫn trong trăm ngàn cây mai xứ khác cũng đều có thể dễ dàng nhận ra bởi sự khác biệt của nó. Đó là bởi phần gốc cây luôn được chăm chút kỹ, được coi là phần chủ đạo. Gốc tức là đế phải luôn thật lớn, nổi gồ ghề, vững chãi, kết hợp thật tự nhiên với phần thân, chi để cho ra các hình dáng đặc trưng - Quân tử mai.
Tuy nhiên ngoài sự cứng cáp của một quân tử, còn thấp thoáng sự mềm mại, uyển chuyển trong một cây mai thế; các cụ già Bình Định khi nói đến mai thường nhắc câu “vô nữ bất thành mai”. Điều đó có nghĩa là cây mai đẹp phải là cây có gốc thân vững chãi, có dáng điệu ẻo lả, mềm mại, tự nhiên. Người đời thường bị quyến rũ bởi sự tương phản của mai: Tuy có thân và cành gầy guộc, có hoa mỏng manh, và mang hương thơm dịu dàng, thanh khiết, nhưng ở bên trong mai là cả một sự kiêu dũng. Chính sự kiêu dũng này đã giúp mai vượt qua được mưa gió sương hàn của mùa đông để đơm hoa kết nụ khi xuân về. Các nhà nho xem mai là tấm gương cho loài người về sự hòa hợp giữa chữ Nhẫn và chữ Dũng.
Cây mai chơi theo phong cách Bình Định dù rất phong phú về dáng thế nhưng đặc điểm chung vẫn là dựa theo hình thế tự nhiên để tạo tác thành những dáng thế gợi ý, gợi tình. Các dáng thế mai ưa chuộng của người Bình Định thường là trên thân chủ uốn lượn tự nhiên có nhiều nhánh thể hiện các chủ đề như: Tam cương ngũ thường, Tam tài Thiên-Địa-Nhân, Tam tòng tứ đức, Tam đa Phúc-Lộc-Thọ, Nhất trụ kình thiên, Phụ tử, Mẫu tử, Phu thê… Những chủ đề tư tưởng ấy cũng là nhận thức và mong ước hướng tới những giá trị đạo đức và thẩm mỹ tốt đẹp của người chơi hoa kiểng.
Xưa nay, mai vẫn là loài hoa tượng trưng cho cốt cách thanh cao của người quân tử nên được nhiều người yêu mến tôn thờ. Dưới triều Nguyễn, thời vua Tự Đức, Chu Thần Cao Bá Quát có những câu thơ cao trọng nhất, đẹp nhất để xưng tụng hoa mai “Nhất sinh đê thủ bái hoa mai”. Còn Đào Tấn - vị thượng quan triều Nguyễn, vị hậu tổ của nghệ thuật hát bội Bình Định thì tôn thờ hoa mai đến muốn hóa thân suốt đời vào tình yêu ấy. Ông lấy hiệu là Mộng Mai, Mai Tăng, rồi ước nguyện khi lìa đời được gởi hồn nơi đồi mai, giữa rừng mai.
2.
Trong gia tài võ cổ truyền Việt Nam có bài “Lão Mai quyền” nổi tiếng mà hầu như võ sinh của các lò võ cổ truyền nào cũng thuộc nằm lòng sau khi nhập môn. Bài quyền này dựa vào thế uốn lượn và cốt cách cây mai mà phân bộ và áp dụng rất hiệu quả, tiềm tàng sinh lực phồn phát, mạnh mẽ: “...Mai già một cội một cành; hai chân nhẹ lướt bộ hành tiến lên; lui về một bước tọa liền; luân thân tung cước trụ hình nghiêng ngang...”.
Cũng từ hình ảnh hoa mai, các bậc tiền bối trong làng võ còn áp dụng để tinh luyện, đó là “Mai hoa thung pháp”. Theo võ sư Đinh Tuấn (Bình Định), “Mai hoa thung pháp” được luyện thành thục sẽ giúp cho người luyện có một bộ pháp linh hoạt, tấn pháp vững chắc, chuẩn xác. Những cuộc tỉ thí võ công trình độ cao trên các cọc gỗ đóng theo hình mai hoa rất nổi tiếng trong lịch sử võ lâm Trung Hoa và sau này đã phát triển tại một số võ đường ở Việt Nam. Các quyền sư thường đóng trên mặt đất nhiều cọc gỗ rất cao theo hình hoa mai (5 cọc trên 5 cánh hoa, đôi khi có thêm 1 cọc ở giữa tượng trưng cho nhụy hoa), đi quyền hoặc song đấu với một người khác trong tư thế hai chân di chuyển tấn pháp trên các cây cọc. Người nào ngã xuống đất, tức không còn đứng trên cọc, bị xem là thua cuộc.
3.
Ngày nay, khi tấc đất thành tấc vàng, nhiều vùng nông thôn xưa đã biến thành phố thị, người chơi mai vẫn tiếc nhớ một không gian ấm áp ngày xuân, với nhành mai rưng rưng nụ biếc trước hiên nhà. Nhưng thật khó để tìm ra khoảng trời diệu vợi đó, trong tình thế nhà cửa phố xá luôn phải chen chúc nhau nơi đô thị. Nhiều người quay sang chơi mai chậu. Có thể nói phong trào chơi mai chậu không những là giải pháp tình thế tuyệt vời cho những ai hoài cổ, trung thành với triết lý MAI, mà còn là cách để phổ biến một thú vui dân dã mang tính nghệ thuật cao từ đời xưa truyền lại.
Từ vài năm nay, ở khu vực Sân bay Quy Nhơn cũ xuất hiện một con phố mai. Đó là phố Nguyễn Thượng Hiền. Gọi là phố lạ vì đây là con phố dù nằm sát bên chợ Quân Trấn Quy Nhơn, nhưng quanh năm yên tĩnh và sạch sẽ. Trước cửa mỗi số nhà đều có trồng một cây mai vàng. Từ một cây mai đầu tiên của một hộ nơi góc phố cách đây 7-8 năm, giờ đây phố Nguyễn Thượng Hiền đã có hàng chục cây mai chờ trổ bông mỗi khi xuân về. Hàng năm vào dịp tháng Chạp, bà con trong phố Nguyễn Thượng Hiền lại hội ý nhau tổ chức nhặt lá mai để ra bông trúng tết, rồi chọn một ngày chủ nhật cuối cùng trước Tết để cả phố cùng liên hoan tất niên.
Từ khi có phong trào trồng mai trước nhà, phố Nguyễn Thượng Hiền trở thành một đường phố đẹp, các chủ nhân của phố giờ đây lại muốn gọi tên mình là phố Mai. Ai cũng tự hào là người dân của xứ sở mai vàng, yêu quý hoa mai và thầm mong đến một ngày nơi đây sẽ có những tuyến phố trồng toàn hoa mai, và biết đâu lúc ấy mỗi khi nhắc tới Quy Nhơn - Bình Định người ta lại gọi đó là thành phố Mai Vàng.
NGỌC DIÊN