Giao thừa của những người quét rác
Khi mọi người tất bật chuẩn bị đón Tết thì những công nhân vệ sinh môi trường đô thị vẫn cặm cụi với công việc làm sạch phố phường. Năm nào họ cũng đón giao thừa ngay bãi tập kết rác, giữa gió lạnh và tiếng ì ì của xe ép rác. Họ cười và chân tình cầu chúc những điều tốt đẹp sẽ đến cho nhau trong năm mới. Quanh họ, thành phố đã sạch sẽ tinh tươm.
Giáp Tết, lượng rác thải tăng gấp hai ba lần so với ngày thường. Cũng vì thế mà thời gian của người lao công vào những ngày này cũng tất tả hơn; không khí lao động cũng khẩn trương hơn, thường tăng lên 3 ca/ngày.
Hơn 30 năm công tác trong nghề, cũng là thành viên trong gia đình giữ kỷ lục 6 người tham gia công tác trong ngành vệ sinh môi trường, chị Nguyễn Thị Bích Liên (50 tuổi), hiện là Đội trưởng đội 2, thuộc Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn, nhớ như in những cái Tết không giống ai của mình. Năm 18 tuổi, chị Liên gia nhập đội thu dọn rác. Thời gian đầu, chị cũng chạnh lòng và mang nhiều nỗi mặc cảm. Lúc ấy, phương tiện hỗ trợ công việc thô sơ, còn thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn. Mỗi ngày, một công nhân đảm nhận tuyến phố dài 7-8km, vừa quét rác vừa thu gom rác, kiêm luôn kéo xe về bãi tập kết. Cứ tưởng rồi sẽ phải bỏ việc. Nhưng rồi cứ ráng thêm… ráng thêm ít nữa, rồi sẽ tính. Nhưng riết rồi thành nghề, yêu nghề lúc nào không hay.
Thường gần Tết công việc bận bịu, không có thời gian chợ búa sắm sửa, nên chị nào cũng tranh thủ mua vài món đồ rồi gọi điện cho chồng hoặc con mang về; còn mình lại tiếp tục công việc. Chị Liên kể, chị cùng nhiều lao công khác cặm cụi, gấp gáp cho đến khi chuyến xe cuối cùng ra đến bãi tập kết thường cũng là lúc đồng hồ báo giao thừa. Trời đêm giá lạnh mà lưng áo ai cũng đẫm mồ hôi. Nhưng ngẩng đầu lên thấy pháo hoa sáng bừng phía trung tâm thành phố, ai cũng nở môi cười, tay bắt tay chúc mừng với mong ước năm mới may mắn và sung túc hơn.
Còn chị Bùi Thị Hằng, người có 15 năm khoác áo công nhân của Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn, tâm tình: Cái nghề đến như một cái duyên, vui có, buồn có, nhưng đọng lại nhiều vẫn là tình người gắn bó, sẻ chia. Ngày nào cũng gặp nhau, cùng làm việc, tâm sự vui buồn nên chị em trong đội thân thiết như người trong một nhà vậy. Ai đau ốm hay gặp khó thì được giúp đỡ để sống tốt hơn. Như ngôi nhà chị đang ở chỉ chừng 10m2, nhưng được Công ty hỗ trợ, đồng nghiệp chung tay giúp nên cũng đã được tu sửa, xây thêm gác lửng để tiện sinh hoạt. “Vật chất thì không sánh bằng ai, nhưng chính tinh thần yêu thương, san sẻ cho nhau giúp chúng tôi luôn nhiệt tâm và gắn bó với nghề lâu bền như vậy” - chị Hằng cho biết.
Hỏi rằng năm nào cũng như năm nào liệu có kỷ niệm nào đáng nhớ không, chị Hằng cười cười rồi kể: Giao thừa năm 2005, khi đang cùng các công nhân trong đội hoàn tất phần việc cuối cùng của năm, bất ngờ một thanh niên phóng xe quá nhanh, tự gây tai nạn, người và xe đổ ào ra giữa đường. Mình với nhóm chị em gần đó vội thả chổi, chạy dồn tới lo xoa dầu giữ ấm, sơ cứu rồi tất tả gọi xe đưa người bị nạn đến bệnh viện. Khi thở phào nhẹ nhõm quay về chỗ làm thì thấy anh bạn đồng nghiệp mặt mũi nhăn nhó, lê bước kêu cứu. Hỏi ra mới biết anh bị chính thanh niên lúc nãy tông phải. Sau khi tông lại bỏ chạy nên mới té ngã. Đồng nghiệp bị thương ở chỗ cách xa, lại vắng nên không được tiếp cứu kịp thời. Nghe anh kể, mọi người ai cũng rưng rưng. Lại xúm nhau đưa đồng nghiệp tới bệnh viện...
Chị Đoàn Thị Thương, khu vực 7, phường Quang Trung (nhân viên ở đội 3), chia sẻ: Làm công việc vệ sinh nặng nhọc và độc hại nên không phải ai cũng muốn làm. Nhiều năm rồi tôi không được cùng gia đình thắp nhang cúng ông bà vào thời khắc giao thừa. Nhưng những đêm giao thừa ngay ở nơi tập kết rác, là kỷ niệm không thể quên trong đời công nhân môi trường.
Mùa xuân, được đi trên những con đường thoáng sạch, cạnh những công viên, bồn hoa khoe sắc, lòng người như phấn khích, muốn ghé môi cười với những người quen và người chưa quen. Hãy dành tặng bông hồng và nụ cười thân thương cho những ai vượt mọi nhọc nhằn, cần mẫn làm sạch đẹp phố phường. Chính danh họ là công nhân vệ sinh môi trường, nhưng trong trí nhớ của mình, người dân vẫn thân mến gọi là “người quét rác”. Xin hãy nhớ cho rằng, họ chỉ nghỉ ngày mùng Một Tết mà thôi, sang mùng Hai, họ - những người quét rác đã lại cần mẫn trên đường.
PHÚC LỘC