Độc đáo bài chòi độc diễn
Nói về dân ca bài chòi ở Bình Ðịnh, nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng GS.TS Trần Văn Khê kể: “Tôi nhớ lại trước đây ở tỉnh Nghĩa Bình có một nghệ sĩ bài chòi tên Mai, chỉ với một chiếc khăn vắt vai và cây quạt trên tay, một mình đóng nhiều vai với diễn xuất tuồng Thoại Khanh - Châu Tuấn hết sức tài tình, khiến tôi ngồi xem say mê suốt nửa giờ đồng hồ mà xúc động vô cùng…”.
Hình thức trình diễn của nghệ sĩ mà GS.TS Trần Văn Khê đề cập trên chính là bài chòi độc diễn - một giá trị nghệ thuật độc đáo của Bài chòi Bình Định.
Một sáng tạo nghệ thuật
Tháng 10.2014, PGS.TS Đặng Hoành Loan (Viện Âm nhạc) chủ trì đợt điền dã, ghi tư liệu nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định để phục vụ cho xây dựng bộ hồ sơ quốc gia về nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung cũng cho biết: “Thực tế nghiên cứu về bài chòi dân gian ở nhiều tỉnh, thành miền Trung cho thấy, có rất ít nghệ nhân biết bài chòi độc diễn, những người này cho biết học được từ các nghệ nhân Bình Định. Tại Bình Định, vẫn còn một số nghệ nhân nắm giữ tốt bài chòi độc diễn, nhờ được truyền dạy kỹ lưỡng từ các thế hệ trước và thực hành trong thời gian rất dài. Điều này đã giúp chúng tôi có thêm cứ liệu khẳng định Bình Định là nơi phát tích của nghệ thuật bài chòi độc diễn…”.
Theo các nghệ nhân bài chòi cổ cao niên, bài chòi độc diễn xuất hiện trong các hội đánh bài chòi từ cách đây gần trăm năm. NSƯT Nguyễn Kiểm (nguyên Phó Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định) đã nghiên cứu và cho rằng bài chòi ra đời từ trò chơi dân gian mà trong đó cùng lúc xuất hiện hình thức độc tấu, tiền thân khá gần với nghệ thuật bài chòi độc diễn. Bài chòi độc tấu là trong hội đánh bài chòi chỉ có một người làm hiệu hô lên tên từng thẻ bài cho người chơi cùng theo dõi. Đến khi hiệu hô theo thể thơ lục bát nối tiếp phản ánh những chuyện dân gian, với số lượng trên dưới 50 câu rồi kết thúc về tên 1 thẻ bài, thì hình thức độc tấu đã bước lên mức “truyện kể”. Tuy nhiên, đây mới ở dạng phác họa để làm rõ nội dung câu chuyện kể là chính.
NSƯT Nguyễn Kiểm phân tích: “Từ nền tảng bài chòi độc tấu phát triển thành bài chòi độc diễn dù vẫn là một người nhưng đi vào nghệ thuật diễn xuất. Các nghệ nhân xưa đã sáng tạo bài chòi độc diễn mang tính phức hợp nghệ thuật, để một người có thể diễn được nhiều vai trong câu chuyện khai thác được tâm lý, hành động nhân vật một cách cạn cùng. Điều này là nhờ 3 nhân tố quan trọng hợp thành của nghệ thuật bài chòi dân gian đó là nhịp - điệu và cách viết bài chòi hay còn gọi là thi pháp”.
Cùng với những giai đoạn phát triển của nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định, bài chòi độc diễn (hay còn gọi là bài chòi kể) không chỉ phục vụ cho người chơi hội đánh bài chòi ngày xuân, mà sau đó đã được các nghệ nhân giỏi tiếp tục phổ biến rộng rãi hơn qua những chuyến biểu diễn ở khắp nơi, từ đó đi sâu vào đời sống tinh thần của người dân.
Tôn vinh và phát huy
Năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng nhắc đến bài chòi kể thì nghệ nhân Lê Thị Đào (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) vẫn rất hào hứng: “Tuồng tích bài chòi kể đã ăn sâu trong ruột gan rồi, nên mấy bận gần đây được mời đi biểu diễn bài chòi kể ở các hội thảo tôi không cần tập tành chi ráo mà vẫn hô ngon lành. Tôi vẫn còn nhớ rõ để thể hiện nhiều vai trong các vở Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lang Châu - Lý Ân…”.
Thuộc thế hệ hậu bối so với cụ Đào, nhưng nghệ nhân Nguyễn Minh Thị Liễu (48 tuổi) được mẹ là nghệ nhân Hồng Lợi nổi tiếng truyền dạy nhiều về bài chòi độc diễn. Minh Liễu tâm sự: “Mẹ giao thay thế bà truyền dạy lại cho học trò, nên tôi phải tìm hiểu kỹ nhiều vai diễn. Nhờ vậy, tích lũy được nhiều vốn liếng trong nghề để có thể biểu diễn tốt bài chòi kể. Trong vở Phạm Công - Cúc Hoa, một mình tôi thể hiện liên tục các vai Phạm Công, Cúc Hoa, Nghi Xuân, Tấn Lực, Xã Bèo, Tào thị, ông ngoại, bà ngoại”.
Không chỉ dừng lại ở mô tả, GS.TS Trần Văn Khê đã so sánh bài chòi độc diễn ở Bình Định với nghệ thuật âm nhạc dân gian Pansori của Hàn Quốc. Nghệ thuật Pansori là loại “đại ca kịch với một diễn viên”, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại năm 2003. Theo ông, nếu đầu tư đào tạo được những nghệ sĩ tài ba có thể biểu diễn thuần thục bài chòi độc diễn, thì nghệ thuật độc đáo này có thể thu hút được người thưởng lãm cũng như đưa ra giới thiệu quốc tế.
Đồng quan điểm GS.TS Trần Văn Khê, PGS.TS Đặng Hoành Loan cho rằng: “Bài chòi độc diễn thể hiện sự độc đáo, cá tính của bài chòi dân gian Bình Định. Cần quan tâm nghiên cứu, khai thác bài chòi độc diễn đến tận cùng để đưa lên trình diễn trên sân khấu phục vụ khán giả hôm nay…”.
HOÀI THU