Phù Cát: Nguy cơ ô nhiễm môi trường tại “xóm phế liệu”
Cách đây 3-5 năm, tại xóm Thái, thôn Phong An, xã Cát Trinh (Phù Cát) hình thành khu chuyên mua bán, sơ chế các loại phế liệu của 6 - 7 hộ gia đình. Hiện quy mô hoạt động của các điểm thu mua phế liệu ngày càng mở rộng, cùng với đó, nguy cơ ô nhiễm môi trường (ÔNMT) tại khu vực này ngày càng cao.
Theo quan sát của chúng tôi, mỗi ngày có hàng chục chuyến ô tô tải trọng từ 2,5 tấn trở lên, chất đầy phế liệu “cập bến” xóm Thái. Phế liệu sau khi nhập kho được chất thành đống; sau đó, các chủ kinh doanh tiến hành phân loại, sơ chế, rồi xuất bán chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.
Đối với các loại phế liệu nhựa bên trong có chứa sắt hoặc đồng, các chủ kinh doanh tập trung tại bãi đất trống - khu vực giáp ranh giữa xã Cát Tân với Cát Trinh - đốt lấy sắt, đồng bên trong. Quá trình đốt, khói và mùi hôi nhựa cháy phát tán khắp một vùng rộng lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của hàng chục hộ dân. Bên cạnh đó, những đống tro phế liệu chứa nhiều chất độc hại không được dọn sạch sau khi đốt cũng tiềm ẩn nguy cơ ÔNMT rất lớn. Bởi qua thời gian, tro phế liệu sẽ hoà trộn vào đất, ảnh hưởng chất lượng đất và làm cho nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.
Riêng các loại phế liệu nhựa nguyên chất được cho vào máy xay nhỏ, rồi ngâm, tẩy trắng bằng hóa chất, sau đó đem phơi khô và đưa đi tiêu thụ. Đáng nói, trong quá trình xay và tẩy rửa, các điểm sơ chế phế liệu thải trực tiếp ra môi trường lượng lớn nước thải độc hại. Nước này chảy trực tiếp ra đồng ruộng, tràn vào vườn nhà nhiều hộ gia đình, sau đó ngấm xuống nước, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Chị L., một người dân ở xóm Thái, cho biết: “Ngày nào các điểm thu mua phế liệu cũng xay nhựa, sau đó tẩy rửa, rồi thải trực tiếp nước độc hại ra môi trường, khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng; giếng nước của hàng chục người dân ở đây bị ô nhiễm”.
Còn ông Võ Kim Hùng, xóm trưởng xóm Thái nói: “Tình trạng ÔNMT ở đây ngày càng đáng báo động; các cấp, các ngành không kịp thời xử lý thì rất đáng ngại”. Còn theo ông Trần Văn Công, trưởng thôn Phong An, cho hay: “Qua các đợt tiếp xúc HĐND xã, huyện, đại diện Ban nhân dân thôn nhiều lần kiến nghị ngành chức năng xử lý, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa chuyển biến”.
Liên quan việc này, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Chủ tịch UBND xã Cát Trinh, cho biết: Trước phản ảnh của người dân địa phương về thực trạng ÔNMT, UBND xã cùng các ngành chức năng của huyện kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu các chủ cơ sở có biện pháp khắc phục, nhưng không đạt yêu cầu. Do các cơ sở thu mua, sơ chế phế liệu đều được ngành chức năng cấp phép hoạt động nên việc buộc họ ngưng hoạt động gặp nhiều khó khăn và vượt quá thẩm quyền của xã. Để đảm bảo môi trường, tránh bức xúc của người dân, UBND xã Cát Trinh đề nghị các phòng chuyên môn và UBND huyện Phù Cát sớm có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên.
GIA NGHĨA