Từ sự đồng cảm…
Họ là công dân Nhật Bản, Hàn Quốc từng làm việc tại Bình Ðịnh và đồng cảm với những khó khăn của người dân. Muốn giúp cho những mảnh đời kém may mắn trở nên tươi sáng hơn - Giáo sư Michio Umegaki (Trường Ðại học Keio, Nhật Bản) và doanh nhân Lee Woo Seok (người Hàn Quốc, đang cư trú tại TP Hồ Chí Minh) đã triển khai nhiều chương trình nhân đạo đặc biệt.
Người cha của trẻ da cam
Đến trường luôn là giấc mơ đẹp của mọi đứa trẻ, nhưng lắm lúc lại quá xa xôi với những em sinh ra trong thiệt thòi. Dự án phát triển kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội và ý thức tự chủ của trẻ khuyết tật nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam do Giáo sư Michio Umegaki (Trường Đại học Keio, Nhật Bản) phối hợp với Hội CTĐ tỉnh, Hội CTĐ Phù Cát và Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh thực hiện (từ tháng 9.2012 - 9.2015, với mức hỗ trợ 200 USD/tháng) đã thắp sáng giấc mơ đến trường của trẻ da cam. Người ta gọi đó là “Lớp học ước mơ”. Và vị giáo sư người Nhật - người đã trích lương hưu của mình để tài trợ cho lớp - trở thành người cha đáng kính của hơn 20 trẻ được hưởng lợi từ Dự án.
Tháng 3.2014, nhân chuyến về thăm lớp của Giáo sư Michio Umegaki, chúng tôi được chứng kiến tình cảm đặc biệt của các em dành cho ông. Khi ông xuất hiện, mọi đứa trẻ đều chung niềm hân hoan. Trẻ câm điếc thì chạy ào đến nắm tay, ôm chầm lấy. Trẻ khuyết tật vận động thì ngồi một chỗ vỗ tay, cất tiếng chào ngọng nghịu với đôi mắt long lanh. Tiết học hôm ấy, một số em còn đòi giáo sư ngồi bên cạnh để luyện chữ, tập vẽ. Có em trước giờ chẳng mấy khi giơ tay đọc chữ, hát trước lớp, vậy mà hôm đó đã mạnh dạn xung phong như muốn được nhận lời khen của giáo sư. Cảm động nhất là hình ảnh cô bé bị thiểu năng mang bức vẽ với dòng chữ nguệch ngoạc “con tặng thầy” trao cho ông kèm theo nụ cười tít mắt và giơ cao ngón tay cái như ngầm nhắn nhủ thầy là số một.
Vị giáo sư người Nhật tuổi đã ngoài 70 bỏ nhỏ với chúng tôi rằng, những thay đổi trong giao tiếp, sự trưởng thành của trẻ làm ông thật sự mãn nguyện. Bên cạnh đó, những cống hiến của các giáo viên tình nguyện tham gia Dự án và sự nỗ lực của gia đình trong việc duy trì đưa trẻ đến trường cũng làm ông thật sự cảm kích.
Thật ra, Giáo sư Michio Umegaki đã có mặt ở Bình Định suốt từ năm 2004 - 2008 để khảo sát, phục vụ cho nghiên cứu liên quan đến các trường hợp bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Nỗi đau của các gia đình có trẻ khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam ở xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) đã ám ảnh ông. “Tôi biết một số dự án quy mô được thiết kế để giúp trẻ em khuyết tật. Nhưng chúng rất tốn kém và cần một tổ chức để quản lý chúng. Kết quả là, chỉ có một số dự án thành hiện thực và một ít trẻ em khuyết tật được hỗ trợ. Vì vậy, tôi bắt đầu dự án nhỏ với hy vọng mô hình này có thể được nhân rộng hơn nữa bằng chính nguồn lực địa phương của các bạn”, Giáo sư Michio Umegaki chia sẻ.
“Ông Hàn Quốc” của dân nghèo
Từ tháng 7.2013, doanh nhân người Hàn Quốc Lee Woo Seok (66 tuổi, đang cư trú tại quận 7, TP Hồ Chí Minh) trở thành gương mặt quen thuộc của bà con nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ông đã dành gần 1 tỉ đồng để tặng các phần quà giúp ngặt, hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho hộ nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo...
Những đóng góp trong hoạt động nhân đạo của ông đã được UBND tỉnh ghi nhận và trao tặng Bằng khen vào tháng 11.2014. Nhưng quan trọng hơn cả là sự lưu dấu của ông trong lòng người nghèo. Cái tên thân thương - “ông Hàn Quốc” được người dân nhắc nhớ cũng vì lẽ ấy.
Anh Bùi Văn Dư (39 tuổi, ở thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát), một trong số các hộ được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà tâm sự: “Nhà tôi trước vốn cũ kỹ, dột nát, tôi lại đau ốm suốt, làm không đủ nuôi thân nên chẳng đủ sức cất mới. Nhờ “ông Hàn Quốc” hỗ trợ, cộng thêm nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, tôi mới cất được ngôi nhà mới vững chãi”.
Trước sự cảm kích, mến mộ mà người dân dành tặng cho mình, ông Lee Woo Seok nói: “Đó chắc hẳn là nhân duyên! Tôi quan niệm rằng một người khỏe giúp một người đau yếu là chuyện bình thường, là điều cần phải làm”.
Ông Lee Woo Seok “bật mí” thêm, bên cạnh các phần quà, suất hỗ trợ người nghèo, hoạt động từ thiện tại Bình Định năm 2015 còn có sự đồng hành của sinh viên Trường Đại học Hanyang (Hàn Quốc). Đây là ý tưởng của bạn ông, đồng thời, cũng là lãnh đạo của Trường Đại học Hanyang sau chuyến từ thiện cùng ông tại Bình Định vào tháng 11.2014. Họ cho rằng qua những chuyến công tác xã hội tại vùng đất thân thương này chính là dịp giúp các sinh viên có thêm nhiều trải nghiệm về cuộc sống và có cơ hội giúp đỡ người khác.
NGUYỄN MUỘI