Rạng danh đất võ
Tại Ðại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014, các VÐV đội tuyển võ cổ truyền Bình Ðịnh đã thi đấu rất thành công, giành vị trí Nhất toàn đoàn nội dung đối kháng và Nhì toàn đoàn nội dung hội thi, với tổng cộng 4 HCV, 4 HCB, 4 HCÐ. Chúng tôi xin giới thiệu 4 gương mặt vàng của thể thao Bình Ðịnh trong năm qua.
Kỳ cựu Mai Thanh Tuấn
Mai Thanh Tuấn được xem là một trong những VĐV kỳ cựu nhất của đội tuyển võ cổ truyền Bình Định hiện nay. Chàng trai sinh năm 1989 này đã có… 15 năm “ăn cơm tuyển”, khi chính thức gia nhập “ngôi nhà chung võ cổ truyền” từ năm lên 10. Sau khi thử sức trong thời gian ngắn ở nội dung taolu (wushu) ở một lớp năng khiếu hè, Mai Thanh Tuấn được võ sư Trần Duy Linh hướng đến với võ cổ truyền, và cậu bé người Nhơn Phú (Quy Nhơn) tỏ ra có năng khiếu đặc biệt bằng việc tiếp thu, biểu diễn thành thạo nhiều bài quyền và các loại binh khí khác nhau. Với sự tự tin nhờ dày dạn kinh nghiệm thi đấu, Mai Thanh Tuấn thường được chọn đi biểu diễn, giao lưu ở các sự kiện lớn trong và ngoài nước.
Trong 15 năm thi đấu trong màu áo đội tuyển võ cổ truyền Bình Định, Mai Thanh Tuấn đã giành được rất nhiều huy chương. Có chiều cao, thần sắc phù hợp với việc biểu diễn các binh khí dài, nên Tuấn được các HLV cho tập chuyên sâu các bài roi để thi đấu. Ở các giải vô địch toàn quốc, Mai Thanh Tuấn gần như được “mặc định” một HCV khi đăng ký thi đấu, bởi khó ai có những đường roi uyển chuyển, rất có hồn như anh. Nhưng phải đến năm 2014, Thanh Tuấn mới giành được tấm HCV Đại hội TDTT toàn quốc đầu tiên. Trước đó, ở Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006, Tuấn chỉ đoạt HCB, còn ở kỳ Đại hội 4 năm sau đó, do bị sốt xuất huyết ngay trước ngày lên đường thi đấu, anh đã bỏ lỡ cơ hội góp công cho thể thao Bình Định. Với kinh nghiệm của mình, chắc chắn Mai Thanh Tuấn sẽ còn đóng góp nhiều cho võ cổ truyền Bình Định trong những năm sắp tới, cả trong vai trò VĐV và là một người dẫn dắt cho các thế hệ trẻ trong tương lai.
Từ Thị Bé Hiền - Bé hạt tiêu
Những ai đã tiếp xúc với Từ Thị Bé Hiền đều có thể cảm nhận về hình thể cũng như tính cách của võ sĩ này rất giống với tên gọi. Ngoài đời, cô gái ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn) hiền lành và rất kiệm lời. Cũng vì khá nhút nhát, nên trong lần đầu tiên vào đội tuyển võ cổ truyền Bình Định, cô rất… sợ mỗi khi phải tiếp xúc võ sư Bùi Trung Hiếu - người luôn nghiêm nghị và hơi… ngầu. Tuy vậy, trên sàn đấu, cô luôn là đối thủ đáng gờm của bất kỳ võ sĩ nào. Với “bí quyết giữ dáng” đặc biệt là tích cực trong tập luyện, cô gái sinh năm 1989 chỉ thi đấu duy nhất hạng cân 45kg trong suốt gần 10 năm qua.
Từng theo học võ sư Đỗ Phước Tuấn, rồi sau đó vào đội tuyển võ cổ truyền Bình Định năm 2006, Từ Thị Bé Hiền nhanh chóng tỏ ra thích nghi với nội dung đối kháng, khi giành được tấm HCV ngay trong lần đầu tiên tham dự Giải vô địch toàn quốc năm 2008. Ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI - năm 2010, Từ Thị Bé Hiền chỉ giành được HCĐ. Vì vậy, cô rất quyết tâm trong những năm sau đó và được đền đáp xứng đáng bằng việc giành được HCV hạng cân 45kg ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014, sau khi vượt qua nhiều đối thủ mạnh như: Nguyễn Thị Ái Vân (Đà Nẵng), Dương Thị Thanh Tuyết (TP Hồ Chí Minh), Phan Thị Phước (Quân đội)…
Theo võ sư Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, Bé Hiền có lối đánh khôn khéo, bộ pháp linh hoạt, khả năng ra đòn nhanh. Tuy thấp, nhưng nhờ biết cách giữ cự ly hợp lý nên cô thường tránh được những cú ra đòn của các đối thủ có chiều cao tốt hơn. Bên cạnh nhiều thành tích đạt được với võ cổ truyền, Bé Hiền còn được thử sức ở những môn võ khác. Và cô cũng cho thấy tố chất của người con đất Võ, bằng việc giành được thêm những tấm huy chương quý giá ở các giải wushu và kick-boxing toàn quốc. Với sự đa năng của mình, Bé Hiền được hứa hẹn sẽ còn giành được nhiều thành công trong sự nghiệp võ thuật của mình.
Nguyễn Thị Hằng Nga - người hạ bệ được một “tượng đài”
Nguyễn Thị Hằng Nga được xem là “hoa khôi” của đội tuyển đối kháng võ cổ truyền Bình Định, khi sở hữu gương mặt khả ái. Đến với võ thuật từ năm 13 tuổi, khi thọ giáo võ sư cùng quê Phước Lộc (Tuy Phước) là Phi Long Vinh. Nhận thấy cô học trò giàu tiềm năng, năm 2008, võ sư Phi Long Vinh gửi Hằng Nga vào tập ở đội tuyển tỉnh. Không phụ lòng tin của thầy, liên tiếp ở các giải trẻ từ năm 2009 đến 2012, cô gái sinh năm 1994 đều đoạt HCV hạng cân 51kg. Hằng Nga còn giành được 2 HCV, 1 HCB ở giải vô địch kick-boxing toàn quốc các năm 2011, 2013 và 2014. Với bộ pháp di chuyển linh hoạt, tinh thần thi đấu tốt, Hằng Nga được xem là một trong những võ sĩ trẻ có sự tiến bộ nhanh chóng về chuyên môn.
Trong lần đầu tiên tham gia Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2013, Hằng Nga thi đấu không thành công. Ở trận chung kết Giải võ cổ truyền tranh đai vô địch Let’s Việt năm 2014 diễn ra ngay tại TP Quy Nhơn, Hằng Nga cũng để thua Nguyễn Thị Tuyết Dung (An Giang) với tỉ số 2-3. Nhưng tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014, cô gái đất Võ đã trả sòng phẳng món nợ với chính võ sĩ miền Tây Nam bộ. Tuyết Dung chính là võ sĩ từng giành HCV thế giới môn muay Thái; nhiều năm liền không có đối thủ ở giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc. Vì vậy, việc đối đầu với võ sĩ này ở hạng cân 51kg nữ luôn là một thách thức lớn. Nhưng chính nhờ trận thua của Hằng Nga tại Giải võ cổ truyền tranh đai vô địch Let’s Việt năm 2014, Ban huấn luyện đội tuyển võ cổ truyền Bình Định đã tìm được cách hóa giải võ sĩ người An Giang. Theo đó, thay vì tung những cú đá thẳng, Hằng Nga được chỉ đạo sử dụng những cú đá đảo sơn (vòng cầu) để ghi điểm. Thắng thuyết phục với tỉ số 5-0, Nguyễn Thị Hằng Nga đã chính thức hạ bệ được một “tượng đài” ở môn võ cổ truyền, tạo đà hưng phấn cho những giải đấu tiếp theo với chính võ sĩ trẻ xinh đẹp mê phim hành động này.
Hồ Tấn Đạt và những dấu mốc rực rỡ
Năm 2014 được xem là dấu mốc rực rỡ trong sự nghiệp của Hồ Tấn Đạt, khi anh giành được HCĐ tại Cúp kick-boxing toàn quốc, HCV Giải vô địch võ cổ truyền miền Trung - Tây Nguyên, đai vô địch Let’s Việt và đặc biệt là HCV Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014 hạng cân 64kg. Tương tự như Nguyễn Thị Hằng Nga, để vào được đến trận chung kết giải võ cổ truyền trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014, Hồ Tấn Đạt đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, trong đó có Huỳnh Văn Dũng (đội tuyển Bình Dương, không có đối thủ ở môn muay Thái và kick-boxing).
Trong trận chung kết, Hồ Tấn Đạt gặp phải một đối thủ cứng cựa khác là Võ Đức Thanh (Đắk Nông). Ở Cúp võ thuật cổ truyền toàn quốc 2014 diễn ra vào tháng 8 tại TP Quy Nhơn, Võ Đức Thanh từng hạ knock-out Hồ Tấn Đạt bằng một cú đá như trời giáng. Với uy danh của mình, võ sĩ người Đắk Nông đã không mất nhiều sức lực để góp mặt ở trận chung kết, bởi các đối thủ khi gặp anh đều xin bỏ cuộc, trong đó có cả Sa Bá Học (Quảng Nam) vốn thi đấu rất tốt ở vòng ngoài. Nhưng với quyết tâm cao và chiến thuật thi đấu hợp lý, Hồ Tấn Đạt đã đòi nợ thành công, giành tấm HCV quý giá.
Trò chuyện với chúng tôi trong những ngày đầu năm 2015, Hồ Tấn Đạt cho biết mình đến với võ cổ truyền rất tình cờ, khi theo tập ở nhà võ sư Thanh Hoàng Thạnh (Phước Thắng, Tuy Phước) trong thời gian ngắn. Sau đó, vì sợ con mình theo nhiều bạn bè trong xóm mà bỏ học, cha của Đạt mới gửi cậu vào đội tuyển tỉnh để vừa được tập võ, vừa học văn hóa. Đến với võ thuật khá muộn, nhưng chàng trai sinh năm 1993 lại sớm gặt hái được những thành công ở nhiều đấu trường khác nhau. Võ sĩ quê Nhơn Hạnh (An Nhơn) đang là một trong những trụ cột của đội tuyển võ cổ truyền Bình Định ở các giải quốc gia.
LÊ CƯỜNG