Tết ở “làng xuất ngoại”
Tết đến, Xuân về là dịp mọi người trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau để chia sẻ niềm vui hạnh phúc; nhưng với nhiều gia đình có người thân đang xuất khẩu lao động (XKLÐ), họ đón Tết mà thiếu vắng một, hai thành viên là điều khó tránh khỏi. Dẫu có chút gợn buồn, nhưng tất cả họ đều chấp nhận đón Tết xa nhau để “quê nhà cất cánh”.
1.
Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây (Hoài Ân), nhẩm tính: “Hiện toàn xã có gần 150 người đi XKLĐ, chủ yếu là ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; trong đó, thôn Phú Hữu 2 chiếm hơn một nửa và nơi này được mệnh danh là “làng xuất ngoại” đấy!”.
Trước kia, người dân Phú Hữu 2 nói riêng, Ân Tường Tây nói chung đều rất chịu thương chịu khó làm ăn, nhưng với vài sào ruộng, dù chăm chỉ đến mấy cũng chỉ tạm đủ ăn. Thế rồi, phong trào XKLĐ đã giúp người dân nơi đây cải thiện kinh tế, vươn lên làm giàu. Giờ đây, về xã Ân Tường Tây, không ít người ngỡ ngàng trước những ngôi nhà cao tầng, những khu biệt thự khang trang thi nhau mọc lên dọc tuyến tỉnh lộ 630; trong số đó phần lớn gia đình có người đi XKLĐ.
Về thôn Phú Hữu 2 những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận được không khí Tết đến gần hơn. Người dân ở “làng xuất ngoại” tất bật lau chùi, trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp vườn tược để chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới; nhất là những gia đình có người đi XKLĐ về ăn Tết tại nhà. Số khác dù bộn bề công việc, nhưng họ luôn vui vẻ, tươi cười và tranh thủ thời gian rảnh rỗi để gọi điện hỏi thăm tình hình của người thân cũng đang chuẩn bị đón Tết nơi xứ người. Còn gì hạnh phúc hơn khi cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét bốc khói nghi ngút để chuyện trò, nghe giọng đặc trưng xứ Nẫu kể về những buồn - vui khi phải đón Tết xa nhà; mail, facebook cũng là những phương tiện đặc biệt hữu ích đối với họ để chuyển tải hình ảnh, tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ nhau trong ngày tết xa nhà.
Bà Nguyễn Thị Nhi, ở thôn Phú Hữu 2 - có con gái đi XKLĐ tại Nhật Bản, hiện đã về nước - nhớ lại: “Lúc con gái còn làm việc ở Nhật, cứ đến giao thừa là mọi người trong nhà lại tập trung bên nhau để gọi điện, kể nhau nghe không khí đón Tết ở hai nơi. Nhờ vậy, dù xa cách về mặt địa lý, nhưng tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc”.
Còn ông Phạm Văn Chung, ở thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây, phấn khởi khoe: “Trước kia, cứ đến cuối năm là tui lại nơm nớp nghĩ đến chuyện trả nợ, chuyện mua sắm Tết. 3 năm nay, khi 2 thằng con trai cùng đi XKLĐ ở Hàn Quốc, năm nào gia đình tui cũng đón Tết tươm tất hơn. Những món quà Tết 2 thằng con gửi về từ Hàn Quốc, dù giá trị vật chất không lớn, nhưng lại là nguồn động viên tinh thần vô giá cho những thành viên trong nhà tui”.
Những người đi XKLĐ chấp nhận đón Tết xa quê để gia đình họ có được những cái Tết sung túc, đủ đầy hơn.
- Trong ảnh: Gia đình ông Phạm Văn Chung ở thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây gói bánh tét, chuẩn bị đón Tết.
2.
Xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cũng là địa phương có phong trào XKLĐ phát triển mạnh trong những năm gần đây. Từ năm 2001 đến nay, toàn xã có khoảng 100 người sang lao động tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Qatar… Phong trào XKLĐ giúp người dân ở những làng chài ven biển thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Những ngày giáp Tết Ất Mùi 2015, không khí tại xã bán đảo Nhơn Hải bắt đầu nhộn nhịp, tiếng cười nói hòa lẫn tiếng nhạc rộn ràng. Trẻ con tung tăng đùa vui khắp xóm để khoe với bạn mình đã được mua mấy bộ quần áo mới, giày dép mới; người già khấp khởi mong đón một cái Tết đầy đủ, sung túc.
Với những gia đình có người thân đang đi XKLĐ, họ vẫn yên lòng đón Tết vui tươi, đầm ấm bởi công nghệ thông tin đã giúp họ kết nối với nhau. Ông Phạm Minh Biển, ở thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải - có con trai đang lao động tại Hàn Quốc - chia sẻ: “Mặc dù con trai không về đón Tết cùng gia đình, nhưng những ngày Tết, chúng thường xuyên gọi điện hỏi thăm, nói chuyện qua webcam, smartphone với nhau nên cũng ấm lòng”.
Riêng những người phải đón Tết nơi xứ người, họ có chung cảm xúc nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người thân; nhưng bù lại, họ cũng có niềm vui vì góp phần giúp gia đình có được những cái tết sung túc, đủ đầy. Anh Đặng Văn Được, ở xã Nhơn Hải - đang làm việc tại Hàn Quốc, tâm sự: “Ở Hàn Quốc cũng có Tết Nguyên đán, nhưng chúng tôi không có được niềm vui như khi ở Việt Nam. Để đỡ nhớ nhà và vơi đi phần nào nỗi buồn, thời khắc giao thừa, anh em lao động người Việt bên này cũng tổ chức tiệc tập thể cùng nhau nấu ăn, uống chén rượu chào năm mới”.
3.
Tết đến, không khí xuân tràn ngập từng ngôi nhà, góc ngõ của người dân “làng xuất ngoại”. Trong những ngôi nhà cao tầng kiên cố với đầy đủ tiện nghi luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng chúc mừng năm mới. Thời khắc giao thừa sẽ không có sự góp mặt đầy đủ của các thành viên trong gia đình, nhưng đó là nét rất riêng ở những nơi này. Bằng chính sức lao động của mình, những người đi XKLĐ đã và đang góp phần làm cho gia đình ngày càng sung túc, sức xuân ở các “làng xuất ngoại” thêm phần rực rỡ.
VĂN LỰC