Kết cục của lòng tham
Phiên tòa phúc thẩm xử hình sự chỉ có hai vợ chồng già. Ông đi theo với tư cách là chồng của bị cáo kiêm “phiên dịch” cho vợ. Cách đây hơn 1 năm, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Quản (66 tuổi, ở thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) bị tai biến, sức khỏe hồi phục nhưng để lại di chứng bị nặng tai. Vì vậy mà HĐXX hỏi gì bị cáo Quản đều nghe không rõ, phải chờ chồng phiên dịch. Đến khi trả lời, bị cáo nói rất to, hơn mức cần thiết.
Còn nhớ tháng 10.2012, khi vụ việc bị vỡ lở, tôi đã về thôn Giang Nam để tìm hiểu. Hơn 30 phụ nữ, chủ yếu là các hộ nghèo trong thôn đã kể lại sự việc mình đã bị lừa như thế nào. Vợ chồng chị Quảng Thị Tuyết, một hộ nghèo ở đội 3, thôn Giang Nam, ấm ức kể: “Ngày 22.11.2010, tôi nhờ một người chị họ đứng ra bảo lãnh với bà Quản để được vay 20 triệu đồng theo diện hộ nghèo. Khi tôi nhận tiền thì bà Quản nói tiền vay mà không biết làm ăn coi chừng không trả được nợ và đề nghị để bà giữ giùm, hàng tháng đưa cho ít trăm ngàn tiền lời. Tháng 5.2011, nhận 8 triệu đồng tiền vay từ Chương trình nước sạch, tôi đưa cho bà Quản 6 triệu đồng. Hàng tháng, bà Quản đưa cho vợ chồng tôi khoảng 400 - 500 ngàn đồng tiền lãi, nhưng sau khoảng 1 năm thì ngưng luôn”. Lại có nạn nhân là người bán vé số gom góp tiền hàng ngày về đưa cho bà Quản nhờ trả nợ ngân hàng, khi biết tin bà Quản đã ôm luôn tiền đó, chị ta khóc nức nở: “Giờ biết lấy tiền đâu mà trả nợ đây?”.
Theo cáo trạng, do làm ăn thua lỗ nên từ tháng 9.2008 đến tháng 10.2012, bà Quản đã lợi dụng danh nghĩa tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn hộ nghèo của Chi hội Phụ nữ thôn Giang Nam để lừa đảo, chiếm đoạt trên 317 triệu đồng của 31 hội viên để trả nợ cá nhân, trong đó: lừa lấy 91,3 triệu đồng là tiền mà 19 hội viên đã nộp để trả nợ gốc cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuy Phước; đặt điều kiện và thỏa thuận với 16 hội viên khác đứng tên cho mình “vay ké” trên 204 triệu đồng và chiếm đoạt luôn; chiếm đoạt gần 21 triệu đồng của 3 hội viên khác đưa nhờ trả nợ gốc cho ngân hàng.
Kể từ khi sự việc xảy ra, bà Quản chưa hề trả lại cho các bị hại một đồng nào để khắc phục hậu quả. Chính vì vậy, HĐXX phúc thẩm giữ y án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Quản 9 năm tù cho cả 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thấy bị cáo ngơ ngác, không hiểu gì sau khi nghe tòa tuyên án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu chồng của bị cáo nói lại cho vợ hiểu.
Rời khỏi phòng xử án, ông chồng dẫn vợ ra ngồi ở băng ghế nơi hành lang, nói lại cho vợ nghe. “Cái gì, tôi bị 9 năm tù hả. Ông có viết giấy xin giảm án không?”, giọng của bị cáo thật to.
Ông chồng nói với tôi: “12 năm bả làm tổ trưởng tổ vay vốn, giờ như thế này đây. Cũng vì ham lãi suất cao mà cho vay nóng bên ngoài, giấu chồng giấu con làm bậy. “Chú là chồng, biết vợ làm sai sao không ngăn cản?, tôi hỏi. Ông chồng vội trả lời: “Cản sao được mà cản, bả dữ lắm, đâu có chịu nghe lời ai”.
NGUYỄN SƠN