Nắng xuân
* Truyện ngắn của Mai Linh Giang
Tiếng gà gáy gióng giả đột ngột sau nhà sàn kéo bật Duy ra khỏi giấc ngủ mê mệt, đầy ám ảnh với con đường đặc quánh bùn lầy và những cú xóc ê người. Kim đồng hồ dạ quang chỉ 4 giờ. Còn sớm quá với một gã trai thành phố như Duy. Thanh - bạn Duy còn ngáy ngon lành… Không ngủ thêm được, lại ngại làm bạn thức giấc, Duy nhẹ nhàng trở mình, tựa lưng vào tường. Trong thinh lặng của đêm sâu, anh phóng một cái nhìn dài về phía rừng cây trước mặt, lặng nghe tiếng côn trùng rả rích. Tự lúc nào đó Duy đã lắng lòng, soi lại đời mình…
* * *
Vài tuần trước, khi thời gian vừa mới bước sang ngày 31.12 được mấy giây, điện thoại di động của Duy đã liên tục đổ chuông. Những cuộc gọi nối nhau từ những người bạn. Duy im lặng. Một lúc sau, chuông báo có tin nhắn lại nối nhau không dứt. Tin này nối với tin kia. Ðổ về như thác lũ. “Không tổ chức dạ tiệc sao Duy?” “Sao đến giờ mà chưa nghe gì hết vậy”, “Giao thừa gặp nhau ở đâu vậy mày?”, “Bộ tổ chức mà loại em ra hả anh Duy”...
Năm nào cũng vậy, từ trước đêm cuối năm cả tuần, Duy đã gởi tin nhắn đặc biệt tới “bọn bằng hữu giang hồ” như cả đám hay tếu táo với nhau. Duy quảng giao. Tin nhắn ấy sau nhiều năm, được cả đám gọi là “Anh hùng thiếp”. “Anh hùng thiếp” đặc biệt tới mức nam thanh nữ tú ở thành phố này khoe với nhau như một thứ chứng nhận đẳng cấp dân chơi, chứng nhận quan hệ mạnh… Người nào lần đầu nhận được “Anh hùng thiếp” cũng tức tốc sắm sửa thật bảnh để có thể hãnh diện bước vào nơi Duy tổ chức dạ tiệc. Những kẻ từng nhận được “Anh hùng thiếp” đều tự biết làm thế mình không bị chìm lỉm.
Dạ tiệc “Anh hùng thiếp” có điểm đặc biệt là không tổ chức ở đâu hai lần liên tiếp - dù sang đến mấy; đêm nào tổ chức dạ tiệc này thì từ trước đó một ngày, nơi tổ chức đã từ chối nhận khách; khách dự tiệc ai thích gì gọi nấy, ngoài những trò vui, cuối tiệc còn có mục bình chọn người đẹp thường niên với giải thưởng luôn luôn khiến ai nghe chuyện cũng giật mình hỏi ngược lại rằng có thật như thế không.
Duy tổ chức. Tất nhiên toàn bộ chi phí do Duy thanh toán. Và khi Duy đã tổ chức, đúng hơn là thuê một công ty tổ chức sự kiện thiết kế, điều hành, quản lý trọn gói, đã mấy năm nay, tuyệt không một trục trặc nào. Mẹ Duy coi việc Duy tổ chức dạ tiệc tết Tây là trò vui của Duy. Bà còn bảo, như thế là lành, ngộ nhỡ nó bài bạc, hút hít, nghiện ngập thì còn thê thảm hơn. Thế nên Duy cứ thế vui chơi và ngày càng la cà vui chơi.
Thế mà đùng một cái, Duy không tổ chức dạ tiệc “Anh hùng thiếp”.
Duy không tổ chức, vậy mà cũng thành một sự kiện khiến đám thanh niên ở cái thành phố ven biển này cứ sôi lên. Lạ một điều là không ai biết lý do. Có người bảo là do mẹ Duy vỡ nợ rồi, vỡ nợ như cái bà đại gia thủy sản gì đó ở miền Nam. Nhưng làm gì có chuyện vỡ nợ, hàng chục ngàn công nhân, hàng chục nhà máy, công ty của gia đình Duy vẫn làm việc bình thường. Có người đồn đoán rằng, do Duy thất tình. Lại có người phản bác ngay, bảo rằng người như Duy nhất định không thể thất tình. Duy không tổ chức dạ tiệc là vì người tình của Duy không thích, vậy thôi. Có người muốn chắc ăn, lò dò tìm cách hỏi ở mẹ Duy. Nhưng chính bà cũng ngơ ngác. Thậm chí đến cả phóng viên mảng giải trí tin tức ngôi sao của trang web Mương 14 cũng đến phỏng vấn, nhưng đành ra về mà không có thêm tin tức gì, sau khi chụp một đống ảnh về căn biệt thự của gia đình Duy. Riêng phòng riêng của Duy thì mẹ Duy nhất định không cho ghi hình dù đám nhà báo đã năn nỉ, ỉ ôi. Không là không, bà mẹ Duy kiên quyết và lưu ý ai chụp bừa thì sẽ … bà cười và làm động tác đưa tay ngang cổ.
Rốt lại thì không ai biết vì sao Duy không tổ chức dạ tiệc. Không ai biết Duy đang ở đâu. Có vẻ mẹ của Duy cũng không biết Duy ở đâu, nhưng chắc là Duy an toàn nên bà không lo lắng, mà chỉ mỉm cười, im lặng, lắc đầu.
Bữa lớp 12A1 gặp mặt kỷ niệm 10 năm ngày ra trường, từng người đứng lên báo cáo với thầy cô những nét chính về cuộc sống, công việc, điều kiện vợ con của mình. Ðến phiên Duy, tự nhiên Duy - một đứa hoạt ngôn, bỗng ngắc ngứ.
Mấy đứa con gái thì xầm xì xầm xì, còn mấy thằng con trai, thấy Duy ngắc ngứ liền bật cười hô hố, thằng này nó đẹp giai, bồ nó nuôi nó cần gì làm thầy ơi. Nó có tới mấy ngàn người làm “rầu”, nó làm chi nữa. Nó tiêu tới ba chục kiếp cũng không hết tiền, nó mần chi cho mệt óc. Thôi cho nó qua đi cô. Cho nó nợ tới kỷ niệm 50 năm ra trường đi thầy…
Lúng búng một hồi, Duy cũng lí nhí được một câu, ngắn ngủn đến là tội nghiệp - Dạ, thưa thầy cô, em phụ việc cho mẹ em. Ðược thể, bọn con trai trêu già, nó phụ mẹ là tiêu tiền giùm mẹ nó đó cô ơi. Bọn con gái ré lên cười. Duy đỏ nhừ mặt ngồi xuống, gỡ gạc giấu ngượng bằng cách đè Thanh ra thụi liền mấy thụi.
Công bằng mà nói, trừ những chuyện tiêu xài xả láng, la cà hết điểm du lịch này đến điểm du lịch khác, Duy không làm gì để có thể làm mẹ nó lo, để người đời có thể dè bỉu rằng nó hư hỏng. Nhưng sau cái bữa gặp mặt ấy, sau khi ngồi trò chuyện với cô giáo chủ nhiệm nguyên ba năm cấp 3, với thầy dạy Toán mà Duy từng bội phục và tôn sùng “là thiên tài”, Duy thay đổi.
Duy ngồi lại bàn nhậu. Duy có thể ăn uống, đập phá đã đời xong rồi cứ thế ra về. Không sao cả. Nhà hàng sẽ tính toán sau. Nhưng hôm nay Duy ngồi lại, dù đám bạn say khướt, đã lần lượt lục tục ra về. Mấy đứa bé chạy bàn thấy lạ quá, cứ ngỡ Duy chờ ai. Nhưng bữa nhậu tàn đã lâu mà vẫn chỉ có mỗi mình Duy trong phòng. Máy lạnh chạy rù rù.
Duy bỗng thấy tiếc những lon bia đã bật nắp chưa kịp uống, những đĩa thức ăn đắt tiền chưa ai đụng đến lấy một đũa… Duy không còn thấy hào hứng, vui vẻ khi được bọn bằng hữu giang hồ chúc tụng, tán dương bằng những lời có cánh. Và, từ thẳm thăm lòng mình, Duy thấy xấu hổ. Sự dằn vặt, lục vấn ấy bắt đầu từ cô bạn học tên Hạnh.
Hạnh là một học sinh ngược lại với Duy. Nhà cô ở huyện xa, nghèo. Cô vào thành phố trọ học, tiết kiệm từng đồng. Mua sách, Hạnh thường tìm đến quán sách cũ. Hoặc không một chút xấu hổ, tự ti, cô lân la xin từ các anh chị lớp trên. Và cũng ngược với Duy, Hạnh học cực giỏi. Nếu không muốn nói là giỏi nhất trường. Hạnh học giỏi đến mức, khi cô chưa thi vào cấp 3 mà thầy cô trường chuyên đã chờ để xem mặt con bé Hạnh. Ai cũng tin chắc Hạnh sẽ vào trường chuyên. Quả nhiên, không những đỗ, mà Hạnh còn giành vị trí thủ khoa, mà đó là ở môn không phải là sở trường của cô - môn Toán. Tiếc học trò, sau này một số giáo viên Hóa cứ căn vặn mãi - Sao lại chọn môn thi ngược sở trường kỳ lạ vậy? Lần nào Hạnh cũng bẽn lẽn cười - Em muốn thử sức. Hạnh là như thế.
Trong buổi họp lớp hôm đó, gặp ai Duy cũng chào và ôm chầm lấy họ, cả nam lẫn nữ, cả thầy và cô. Riêng Hạnh, cô đã kịp đưa tay để Duy bắt trước khi anh kéo cô vào vòng ôm. Duy cười cười.
Hôm ấy, khi buổi liên hoan kết thúc, Duy giúp thủ quỹ lớp thanh toán hóa đơn. Gọi là giúp vì sau khi dùng hết phần các bạn đã đóng góp, vẫn còn thiếu một mớ. Thiếu là do ở khúc đuôi, đám con trai cao hứng cứ dúi thêm vào túi quà của thầy cô mỗi người một cặp rượu Tây. Thanh nháy mắt ra ý hỏi ý kiến Duy. Duy phẩy tay, tụi mày cứ làm đi, rồi tao tính. Nhằm nhò gì. Vui là được. Tính xong, lúc quay lại, thì thấy Hạnh đang gom những đĩa thức ăn còn đầy ắp trên bàn cho vào túi nilon. Mỗi thứ riêng một túi. Cô lặng lẽ, hết sức tự nhiên với công việc của mình. Duy đốt thuốc hút, nhẩn nha ngắm Hạnh. “Mười năm rồi mà cô này vẫn như ngày nào! Sao mà rị mọ vậy không biết…”. Ðang định trêu Hạnh thì nghe tiếng cô giáo chủ nhiệm gọi, quay mặt lại thì thấy còn có cả thầy dạy Toán nữa. Duy vội chạy lại phía thầy cô.
Mấy hôm sau, một người bạn kể Duy biết, Hạnh lấy số thức ăn đó, rồi mua thêm bánh mì, rủ mấy người bạn học nữa mang đến trại trẻ mồ côi, tổ chức cho các cháu ở đấy liên hoan. Hóa ra, nhiều năm nay, Hạnh âm thầm quyên góp từ bạn bè, người thân để giúp đỡ những người bất hạnh. Có lần, cô dùng tiền lương cả tháng để giúp một cháu bé nghèo bị bệnh tim cần phải mổ. Mỗi dịp tết đến Hạnh lại tất bật lo giúp người nghèo. Nhưng chưa bao giờ cô đả động gì đến Duy. Có lần mình đã gợi ý cô ấy rủ cậu cùng giúp mấy đứa nhỏ, nhưng cô ấy gạt phắt - “Duy không xấu, cũng không tốt. Nhờ thì cậu ấy sẽ giúp. Nhưng cậu ấy không hiểu, không thông cảm với mấy đứa nhỏ đâu. Mấy đứa nhỏ cần cả một tấm lòng chứ không phải vài tờ séc. Vả lại cậu ấy sẽ không có dư thời gian. Ðừng phiền cậu ấy!” - Nghe lời thuật lại, vừa tự ái Duy bỗng vừa thấy mình thật nhỏ nhoi và tầm thường.
Duy chưa một lần đến làng Sim, thậm chí còn chưa biết làng Sim ở đâu, nhưng khi biết Hạnh đến thăm bà con nghèo ở đó, Duy ngỏ ý góp quà, phong bì lì xì và rủ Thanh cùng đi. Mãi đến lúc rời quán cà phê, chỗ họ hẹn gặp nhau, Hạnh mới cười cười: Duy đến được làng Sim thì hay quá. Bạn cứ đi theo lối mình chỉ, rồi mình sẽ đến sau. Vậy nghe. Rồi cô lại cười. Tự dưng Duy lại thấy lòng mình như tỏa nắng.
Chiếc ô tô bán tải do Duy cầm lái bò chậm chạp leo lên con dốc ngược như sống mũi ngựa. Mất gần cả tiếng đồng hồ mới tới được làng Sim. Xuống xe, Duy thấy bước chân chông chênh như người say rượu. Thanh cũng không hơn gì, vừa uốn người cho đỡ mỏi vừa hỏi Duy:
- Ðã liên lạc trước chưa cu em, sao không thấy ai đón vậy. Tối là bỏ bu…
- Khùng à. Làm gì có đón tiếp ở đây. Hẹn rồi. Chờ một lát rồi mình vào làng.
Vừa lúc đó, hai người đàn ông da ngăm đen, nom khá cao tuổi nhưng dáng người nhanh nhẹn, rắn chắc xăm xăm bước tới.
- Chú Duy phải không? Tụi tôi chờ chú từ lâu rồi. Một trong hai người đàn ông lên tiếng.
- Dạ ! Duy cúi chào.
- Tôi là Hào, trưởng làng. Còn đây là bác Thân, người cao niên trong làng đó. Ngày mai cô Hạnh mới lên. Cô Hạnh nhắn tin đón chú trước.
- Dạ, giờ mình về làng ạ ? Duy hỏi.
- Ừ, còn một thôi đường khá dài đấy. Mình đi nhanh kẻo tối - Cả hai người đàn ông cùng đáp.
Trong bữa cơm chiều, Duy nghe kể, hồi sinh viên Hạnh từng đến đây làm công tác tình nguyện trọn một mùa hè. Những ngày ở làng, cùng ra rẫy với bà con, cô được mọi người thương yêu, chăm chút như con em của họ. Ở làng Sim, cô biết bà con ở đây có người còn nghèo hơn gia đình cô nữa. Khi chia tay họ, cô đã khóc và hẹn sẽ quay lại. Hạnh giữ lời hứa. Mỗi năm khi giáp Tết, cô lại về làng Sim thăm bà con. Cô ấy tặng nhiều quà cho bà con, có nhiều cho nhiều, có ít cho ít, bao giờ cũng cho bọn trẻ trước. Những túi quà của cô luôn được mọi người nâng niu, trân trọng. Ông trưởng làng không giấu được sự yêu mến dành cho Hạnh.
Câu chuyện về Hạnh như thổi bùng lên trong Duy những điều anh không thể gọi tên mỗi khi nghĩ về cô bạn khó ưa, khó gần này. Trong một sát-na, anh biết, những ngày tới mình nên làm gì…
Tiếng chim trên cành cao, tiếng gà cục cục gọi con, tiếng chó gâu gâu làm lòng Duy rộn rã, háo hức đợi chờ, lăng xăng chạy qua chạy lại, chỉnh cái này sửa cái kia. Thấy Duy rạng rỡ, Thanh đùa:
- Chưa bao giờ tao thấy mày động thủ nhiều như mấy hôm nay, nghen Duy. Nhân dịp hay ho như thế này, ngỏ lời luôn đi… Ðừng có giấu, cái mặt mày nó tố cáo hết rồi kìa.
- Nói bậy! Duy đe bạn nhưng lòng thầm mong Thanh cứ gán ghép. Biết đâu chừng... Ừ, biết đâu chừng…
Không biết Hạnh đi đến đâu rồi. Con đường đầy những ổ gà, sóng trâu chắc làm Hạnh đau lắm. Duy vừa nghĩ vừa sải chân. Dưới bước chân anh, bóng nắng đầu ngày chớm xuân nhảy múa. Duy không kiềm được lòng, anh chạy thật nhanh về phía đầu làng. Lần này nhất định phải ôm được Hạnh… Duy hú lên một tiếng lồng lộng giữa bát ngát xanh.
M.L.G