Hoài Nhơn trong bước chuyển mình
Câu chuyện Hoài Nhơn sắp lên thị xã không chỉ làm nức lòng người bản xứ, mà đến cả người “ngoại xứ ” như tôi cũng háo hức muốn dõi theo bước chuyển mình của Hoài Nhơn trong lộ trình từ huyện lên thị.
Có thể nói, Hoài Nhơn là vùng đất ở thế “đầu đội núi, chân đạp biển”. Ở nơi “gối đầu”, Hoài Nhơn hùng vĩ với núi La Vuông thuộc xã Hoài Sơn, vừa đẹp như tranh, vừa đầy ắp tiềm năng kinh tế rừng; từ La Vuông kéo dọc theo các xã phía Tây, còn nhiều vùng đất khác cũng đầy hứa hẹn cho phát triển lâm nghiệp; phía “chân” là những làng chài kéo dài từ xã Tam Quan Bắc xuống đến Hoài Hương, Hoài Hải. Như ông bà xưa nói: “rừng vàng, biển bạc”, trong những năm qua Hoài Nhơn khai thác triệt để lợi thế trời cho này.
Giàu nương theo rừng
Tiềm năng kinh tế rừng được Hoài Nhơn khai thác theo hướng rừng trồng. Hiện ở vùng đất cực Bắc của tỉnh Bình Định này có khoảng 18.900 ha rừng; trong đó có đến 12.000 ha rừng trồng, mỗi năm khai thác từ 50.000 - 60.000 m3 gỗ nguyên liệu. Để người trồng rừng yên tâm đầu tư thâm canh, Hoài Nhơn rốt ráo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên toàn địa bàn.
Mấy năm nay giá gỗ rừng trồng luôn ổn định, hiện đang đứng ở mức gần 1,3 triệu/tấn, những cánh rừng đang “đẻ vàng” cho nông dân. Gần đây, người trồng rừng ở Hoài Nhơn đã nhìn xa hơn, họ đang tiến dần tới chỗ nuôi rừng thật già để bán cây to cho những cơ sở chế biến gỗ nhằm đạt mức thu nhập cao hơn, chứ không chỉ nghĩ tới việc bán gỗ dăm nguyên liệu giấy nữa. Những cánh rừng phòng hộ thì được đầu tư trồng cây lâu năm để tạo nguồn sinh thủy.
Kinh tế rừng phát triển, nghề chăn nuôi bò cũng nương theo đó mà khá lên. Đơn cử như ở xã Hoài Sơn, những hộ trồng rừng kết hợp chăn nuôi bò đang ăn nên làm ra, thu nhập một hộ mỗi năm vài ba trăm triệu đồng là chuyện rất dễ tìm điển hình. Theo ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, để đẩy mạnh chăn nuôi, huyện đã quy hoạch 162,5 ha đất ở những địa phương nằm dọc đường phía Tây tỉnh nhằm phát triển đề án chăn nuôi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng trang trại chăn nuôi bò thịt công nghệ cao với quy mô 300 con bò/mỗi trang trại.
Vươn lên theo biển
Những làng chài ở Hoài Nhơn giờ cũng đang rực rỡ nét hưng thịnh, nhờ nhiều năm qua nghề đánh bắt hải sản dần đi theo hướng bền vững. Tàu công suất lớn ngày càng nhiều hơn. Phương tiện được đầu tư nhiều loại ngư cụ để có thể linh hoạt đánh bắt kết hợp chứ không còn làm “độc nghề” như ngày xưa. Tận dụng tối đa thời gian trên biển, theo luồng hải sản, mỗi chuyến biển ngư dân thu “lộc biển” nhiều hơn. Thời gian gần đây, nhiều ngư dân còn tham gia mô hình câu cá ngừ đại dương theo kiểu Nhật để xuất khẩu. Ở các làng chài bây giờ, ngư dân ở nhà lầu, đi ô tô không còn là chuyện hiếm. Ra khơi thì thế, còn trong bờ, nghề nuôi tôm cũng được xem là “mũi nhọn” trong cơ cấu nông-lâm-ngư nghiệp ở Hoài Nhơn, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân các xã Hoài Hải, Hoài Mỹ.
Bạn đồng nghiệp của tôi ở thị trấn Bồng Sơn, anh Diệp Bảo Sương, tự hào nói về quê mình: “Bây giờ, về Hoài Nhơn, muốn gặp những nông-ngư dân tỉ phú, cứ lên rừng hoặc xuống biển chứ không nhất thiết phải tìm trong phố”.
Dáng vóc và nội lực thị xã
“Thuyền lên, nước lên”, người dân ăn nên làm ra đã làm đòn bẩy cho các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển. Đơn cử, rừng trồng đã kéo theo ngành chế biến dăm gỗ và ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu; đánh bắt hải sản phát triển kéo theo ngành chế biến thủy sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Các ngành tiểu thủ công nghiệp cũng “ăn theo” sự phát triển chung. Ví như các làng nghề bánh tráng nước dừa, dệt thảm xơ dừa, chiếu cói... ở Hoài Nhơn cũng đang khởi sắc.
Đặc biệt, tại Hoài Nhơn hiện có đến 7 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 43 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 700 tỉ đồng. Theo đó, có khoảng 12.000 lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định. Nhìn Nhà máy may Vinatex thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang khẩn trương thi công để kịp hoàn thành, đi vào hoạt động đầu tháng 3 này, thanh niên nông thôn ở Hoài Nhơn ai cũng có cơ hội chọn được việc làm ổn định. “Trong ngành công nghiệp, các nhà máy may mang tính quyết định. Hiện nghề may đang giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động trên địa bàn, phần lớn là con em nông dân”, ông Phạm Trương nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, trong những năm qua, ngoài khai thác tốt các tiềm năng và phát huy được lợi thế, huyện Hoài Nhơn còn huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị và phát triển KT-XH địa phương. Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều dự án, công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng quy mô lớn, hình thành các khu, cụm CN-TTCN tập trung; hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật - xã hội được xây dựng cơ bản đồng bộ, hiện đại, phù hợp theo lộ trình và định hướng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh.
VŨ ĐÌNH THUNG