Mắm ruốc quê chồng
Ngày về làm dâu xứ Nẫu, chị cứ ca cẩm hoài về sự “lắm chuyện” của các loại mắm làm từ hải sản: nước mắm, mắm cơm, mắm cái, mắm ruốc, mắm ruột, mắm tép, mắm mực, mắm thu… Ấy vậy mà bây giờ, mỗi lần về Nam, chị lại háo hức mang từng hũ mắm ruốc được mẹ chồng chưng cất tỉ mỉ về biếu cho anh sui chị sui, hồ hởi khoe - không phải nơi nào cũng có được con ruốc đỏ màu, tươi roi rói, thơm lựng như thế đâu.
Nhớ lần đầu tiên về nhà anh ở Nhơn Lý, một xã đảo thuộc thành phố Quy Nhơn, chị đã suýt mắt tròn mắt dẹt trước gian nhà kho chứa thùng to, thùng nhỏ mắm muối. Anh cười trấn an chị, tự hào bảo: “Gia tài của má anh đó”. Nhà anh làm nghề biển, chỉ có mỗi anh được vào Sài Gòn học, rồi “phỉnh dụ” chị về phố biển an cư lạc nghiệp, nên chị vô cùng ngỡ ngàng trước sự chất phác, thật thà nhưng phóng khoáng, hồn hậu của cả nhà. Bữa cơm giản dị với dăm ba món đặc trưng quê biển: cá chiên, canh cá nấu mẳn, rau sống, cà chua sống chấm mắm ruốc cay hít hà, thế mà chị cứ xuýt xoa khen ngon mãi.
Những ngày giáp Tết, chị theo mẹ chồng ra bãi đón thuyền ruốc của ba trở về. Ruốc vừa mới đánh lên có màu hồng tươi rói. Mẹ bảo: Ruốc ngon hay dở phụ thuộc vào con nước trong hay đục. Đáy biển của vùng nước Nhơn Lý này là đáy cát, nước trong nên ruốc rất sạch, to hơn so với ruốc ở các vùng biển khác, bởi thế mà mắm ruốc ở đây bao giờ cũng đậm, nồng và ngọt hơn. Chị thích thú theo sát mẹ từng công đoạn làm mắm ruốc. Mẹ chọn ruốc thật tươi, muối sơ rồi bỏ vào rổ ủ kín, đặt bên dưới chiếc thau để hứng nước rỏ xuống. Gần trưa nắng giòn, mẹ đem ruốc ra phơi. Mẹ nói: “Ruốc ngon nhờ nắng, nhưng chỉ phơi 2 phần nắng thôi, phơi nhiều ruốc sẽ xảm. Nếu không may gặp trời mưa, phải lấy ruốc đem hong gió, nếu không ruốc sẽ khai. Sau đó, đem ruốc quết rồi đợi ngày nắng đem ra phơi”.
Không bỏ ruốc vào máy xay cho tiện, ba vốc từng nắm ruốc bỏ vào cối đá để quết bằng chày. “Ruốc quết bằng cối đá ngon hơn vì có độ nén. Đem xay ruốc thì nhanh nát nhưng nhiệt độ trong máy xay sẽ làm ruốc bị chín. Vừa quết vừa bỏ muối hột theo tỷ lệ 4 ký ruốc 1 ký muối, đoạn giã nhuyễn. Sau khi hoàn thành thì nêm nếm lại cho vừa miệng” - ba vừa mạnh tay, dứt khoát từng nhịp chày, vừa ân cần chia sẻ. Chị thấy mồ hôi vã ra trên lưng áo, trên quai nón khét nắng của người đàn ông xứ biển. Thì ra, cái ngon, cái nồng, cái đậm vị của món ruốc lúc ban trưa chị ăn cơm không chỉ là do tự thân con ruốc, mà còn vì cái tỉ mẩn, nâng niu của những người làm ruốc như mẹ, như ba.
Phải tận mắt chứng kiến, tận tay ngồi làm và tận tai nghe mẹ, ba anh thủ thỉ, chị mới thấm thía hết vì sao giữa mùa mưa của Sài thành, anh thường kể cho chị nghe về món mắm ruốc kho thịt, xoài xanh chấm mắm ruốc, bánh đa cuốn thịt luộc chấm nước ruốc… Bởi đó là những hương vị đậm “mùi của má, của ba” đã đi cùng anh qua một đoạn đường tuổi thơ rất lành.
Sau này, đã từng được đi nhiều nơi, ăn nhiều loại mắm lạ ở những vùng đất khác, nhưng chị chỉ ấn tượng và đặc biệt thích món mắm ruốc của vùng nước trong - Nhơn Lý quê chồng. Mỗi lần đi công tác xa chừng nửa tháng, nhận được tin nhắn tỉ tê rất đỗi ngọt ngào của anh: “Vợ ơi, chồng thèm cơm với thịt kho mắm ruốc quá chừng…”, chị lại mỉm cười…
KHÁNH HUÂN