Tết ăn dưa món
Dù cả năm, ít nhiều nhà nào cũng ăn dưa chua, nhưng cứ hễ gần đến Tết, nhiều phụ nữ lại cất công canh nắng, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, sao cho món dưa của mình thật sự khác biệt. Chuyện làm dưa món ngày Tết vì thế cũng lắm công phu.
Những ngày tháng Chạp, thời tiết cứ đỏng đảnh như cô gái xuân thì. Dù có nhiều bí quyết để làm món dưa chua nhưng công thức bắt buộc đầu tiên ai cũng phải thuộc là nguyên liệu phải được phơi nắng. Nắng phải già thì món dưa mới có độ ngon, giòn hấp dẫn đúng điệu.
Vậy nên, từ giữa tháng Chạp, chị em hễ thấy nắng “ngon” chút là vội vàng chạy vù ra chợ mua đu đủ, cà rốt, củ cải trắng, su hào... về gọt, xắt thành lát mỏng; ai khéo tay thì tỉa hoa, lá, những hình thù ngộ nghĩnh. Sau đó, chị em huy động mâm, khay, nong, nia... trải “hoa”, “lá” ra phơi và cầu mong cho nắng thật to để khỏi phải phơi thêm vào ngày hôm sau. Mà kể cũng lạ cái món dưa chua này, chỉ cần nắng yếu chút xíu là hỏng ngay vì màu cứ thâm sì sì, làm dưa ăn thì dai chứ không giòn rộm. Nên có năm, nắng cứ õng à õng ẹo khiến nhiều chị em “khóc” vì phải bỏ vài mẻ nguyên liệu, bởi dù có hong hoặc sấy qua lửa than vẫn bị đen hoặc ỉu, khó làm nên món dưa ngon và đẹp mắt.
Dưa món ngày Tết có hai loại chính là muối chua ngọt hoặc mặn ngọt, nhưng dù là kiểu nào thì cũng phải có củ kiệu mới ra ngày Tết. Kiệu ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ nổi tiếng khắp cả nước bởi màu trắng xanh, thơm nồng đặc biệt, không lẫn với bất cứ giống kiệu nào được trồng ở nơi khác. Tùy sở thích của mỗi người mà chọn kiệu sẻ - củ nhỏ, thơm đượm, hay kiệu trâu - to hơn nhưng ít thơm, dễ cắt gọt. Mỗi chị em cũng có bí quyết riêng cho mình để kiệu bớt hăng, ăn giòn, thơm, từ việc ngâm nước tro với muối hoặc ngâm nước vo gạo… Kiệu đòi hỏi phơi 2 - 3 nắng, công đoạn làm phức tạp, nhưng hễ ngày tết ăn bánh chưng, bánh tét mà thiếu món dưa kiệu ăn kèm thì coi như không phải Tết.
Với món dưa chua thì kiệu rau (cả lá và củ kiệu) kết hợp cùng cải bẹ xanh là số một. Chẳng hiểu sao, lá kiệu và dưa cải khi muối chung, thêm vài củ hành tím, vài lát ớt đỏ, nghệ hoặc cà rốt cho đẹp mắt thôi mà đã làm cho món dưa dậy mùi thơm phức. Gắp một đũa dưa đưa vào miệng và nhai, lắng nghe tiếng rào rào trong miệng, cảm nhận vị chua chua, ngòn ngọt, cay cay kết hợp với nhau, có cảm giác tất cả ngũ quan của mình đang “gồng” lên, làm việc hết công suất, kẻo lỡ mất cơ hội được thưởng thức một món ăn thuộc hàng “đệ nhất” của Tết.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…, “cặp đôi” thịt mỡ và dưa hành, bánh tét và dưa kiệu, dưa món và các loại thịt thà... ngày Tết đã được ông bà ta “sắp đặt” từ xửa từ xưa. Hơn là một cách kết hợp thực phẩm cho ngon miệng, đỡ ngán, đó còn là cả một khoa học ẩm thực với âm - dương, hàn - nhiệt hài hòa, giúp thức ăn dễ tiêu, cơ thể hấp thụ tốt.
Với món dưa muối, người nội trợ không chỉ muốn mang đến những món ăn ngon cho gia đình mình vào dịp Tết, mà còn là cách để khẳng định sự khéo léo và vai trò nội tướng của mình. Cứ thế thành thông lệ, dù bận rộn tới đâu, cứ đến Tết là chị em lại dành thời gian để làm hũ dưa cải, hành chua, kiệu, đu đủ chua ngọt…, sẵn sàng đãi khách đến thăm xuân, để rồi năm sau người ta quay lại, chỉ để mong thưởng thức lần nữa món dưa chua như năm cũ.
HẢI YẾN