“Dán tem” cho đặc sản Bình Ðịnh
Nhiều “đặc sản” Bình Ðịnh đã khẳng định vị thế và “neo” lại lòng người khắp trong Nam ngoài Bắc. Vị thế ấy càng được củng cố khi quyền sở hữu nhãn hiệu được xác lập.
Hiệu ứng
Những ngày cuối năm, chúng tôi về “thủ phủ” của cây mai Bình Định - xã Nhơn An (An Nhơn) - khắp làng trên xóm dưới chộn rộn chuyện mai vàng Nhơn An được “dán tem” và có mặt tại Hội chợ hoa Xuân 2015 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cuối năm 2013, khi tổ chức lễ công bố quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể “Mai vàng Nhơn An” của Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ KH-CN), cây mai vàng của xã Nhơn An đã được cả nước biết đến nên việc tiêu thụ hết sức thuận lợi. Từ tháng 11 Âm lịch đã có nhiều thương lái đổ về mua mai. Ông Lê Văn Phú, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An, cho biết: “Mai Nhơn An được dán tem, giá cả nhỉnh hơn trước khoảng 20%. Đó là tín hiệu để thấy mai vàng Nhơn An được tiêu thụ nhiều hơn, tạo độ tin cậy với người mua”.
Cuối năm 2013, kiệu Phù Mỹ cũng được cấp bảo hộ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận. Từ đó, vùng trồng kiệu phát triển rộng hơn, cây kiệu có thêm nhiều đầu mối tiêu thụ tốt, giá cả dần ổn định. Ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh - huyện Phù Mỹ, phấn khởi chia sẻ: “Mùa kiệu Tết năm ngoái, kiệu đã được đựng trong bao lưới, giỏ tre, có gắn tem nhãn, logo nhãn hiệu chứng nhận “Kiệu Phù Mỹ”. Tuy vẫn chưa thu hút sự chú ý như mong đợi, nhưng đã giúp khẳng định đây là kiệu Phù Mỹ chính gốc”.
Bên cạnh kiệu nguyên liệu, ở Phù Mỹ đã xuất hiện sản phẩm kiệu qua chế biến. Cơ sở chế biến kiệu Ngọc Lan (ở xã Mỹ Quang- Phù Mỹ) chế biến kiệu lên men, kiệu chua ngọt, kiệu mặn. Đã chế biến kiệu 14-15 năm nay nhưng vẫn theo kiểu truyền thống, gần đây thì cơ sở làm theo quy trình được chứng nhận. Chủ cơ sở Nguyễn Thị Lan khẳng định: “Từ năm ngoái đến nay, lượng kiệu củ tiêu thụ đã tăng gấp đôi so với trước, chủ yếu ở Hà Nội, các tỉnh Tây Nguyên, vừa rồi thì mở rộng ra Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế. Sản phẩm được Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phân tích các chỉ tiêu đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Lâu nay chỉ dán nhãn cơ sở sản xuất, nay khách mua hàng đều đòi hỏi sản phẩm phải có tem, logo của nhãn hiệu chứng nhận kiệu Phù Mỹ”.
Có một thực tế là nhãn hiệu kiệu mới được công nhận vào cuối năm 2013, nên người dân vẫn chưa tiếp cận được nhiều. “Tuy nhiên, với việc được “dán tem”, kiệu Phù Mỹ đã khẳng định thương hiệu và người dân từng bước có ý thức hơn trong giữ gìn thương hiệu sản phẩm của mình” - ông Nguyễn Đình Hùng cho biết.
Và cú hích
Đến nay, toàn tỉnh có 2 sản phẩm được xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu chứng nhận, 6 nhãn hiệu tập thể. Năm 2014, nhiều sản phẩm tiếp tục được đăng ký bảo hộ độc quyền. Theo thạc sĩ Trương Quang Phong, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN), đây là cơ sở để các sản phẩm đặc trưng của Bình Định “tiếp thị” với khách hàng hiệu quả nhất, nhanh nhất.
Xã Nhơn An hiện có 70-80% hộ dân trồng mai, mỗi năm ước thu nhập 8-9 tỉ đồng. Trước đây, mỗi hộ trồng mai chỉ có khoảng vài ba trăm chậu, nay nhiều hộ trồng 4.000-5.000 chậu mai để đưa ra thị trường Tết. Trong khi đó, diện tích trồng kiệu tại Phù Mỹ cũng tăng “chóng mặt”, có thời điểm gần 700 ha. Theo ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, huyện đã đưa cây kiệu vào quy hoạch là một trong các cây ngắn ngày chủ lực.
Chị Nguyễn Thị Sơn - ở thôn Trung Hội, xã Mỹ Trinh, sản xuất 6 sào kiệu - bộc bạch: “Bây giờ, nhiều người đã áp dụng quy trình kỹ thuật trồng kiệu; những diện tích lúa thiếu nước, đất cát pha, chân cao, bà con chuyển qua trồng kiệu, hiệu quả kinh tế đem lại khá cao. Hiện nay, giá kiệu nước (gồm cả lá, rễ) khoảng 5.000-7.000 đồng/kg; trong khi kiệu củ thì giá chừng 15.000-20.000 đồng/kg. Dù giá kiệu vẫn còn bấp bênh, nhưng người dân vẫn “sống khỏe” với cây kiệu”.
THU HIỀN