Cánh mai may mắn
Thuở nhỏ, mỗi sáng mờ sương trước và trong mấy ngày Tết, tôi vẫn theo cha dạo quanh sân nhà. Cha tôi chậm rãi đi lòng vòng gốc mai lão, nghiêng ngó mong tìm thấy một bông mai sáu cánh. Có năm thì có, có năm không, mà hình như năm không nhiều hơn năm có, hiếm có vậy nên mới quý. Mỗi lần hai cha con phát hiện được hoa mai sáu cánh, tôi luôn là kẻ náo nhiệt đưa tin, chạy khắp nhà trên nhà dưới, gặp ai cũng reo lên: “Năm nay nhà mình ra hoa sáu cánh!”. Đương nhiên khi tạo hóa đã sắp xếp cho cây mai vàng nở hoa năm cánh mỗi độ xuân về, những con số liền kề của số năm sẽ là đặc biệt hoặc bất thường. Cánh thứ sáu được xem như điềm lành, như tín hiệu của một năm may mắn tốt đẹp cho ai là chủ nhân của hoa, nhất là khi hoa nở đúng sáng mồng Một đầu năm mới.
Nhưng “cái cánh thứ sáu may mắn” của hoa mai cũng đã làm một người xa quê ngậm ngùi. Anh bạn ở tận trời Tây của tôi năm nào cũng thèm được về quê ăn Tết. Một trong những lý do là bởi ngày Tết tha hương không có mai vàng. Nhớ quá thì làm mai giấy để chưng cho đỡ nhớ. Anh là người cho tôi một khái niệm thú vị về “một chút vàng mai trong tâm tưởng” của mùa xuân xa quê. Mỗi lần về, anh rủ tôi đi dạo đường hoa Nguyễn Tất Thành để tìm cảm giác lạc giữa rừng mai. Bỗng có lần chúng tôi nghe lời mời mọc với giọng run run bên tai: “Ông bà ơi, mai sáu cánh đây, mua lấy may năm mới…”. Đó là những người bán hoa dạo, dân quê vùng bán sơn địa. Họ thường chọn cành mai đẹp, thậm chí còn nguyên gốc, ở trong vườn hoặc trên rừng, vác lên vai đi hàng mấy chục cây số xuống chợ hoa bán kiếm tiền mua sắm Tết. Mủi lòng trước cảnh đã chiều ba mươi Tết mà họ không bán được, lủi thủi vác những gốc mai nặng trĩu ngược về quê, nơi chúng sẽ biến thành củi, anh bạn tôi đã mua thêm một số mai ngoài dự kiến, thuê xe thồ chở đến nhà bạn bè làm quà. Nhưng làm sao anh có thể gánh hết những số phận không may ấy dù họ đang vác trên vai những “cánh mai thứ sáu may mắn”!
Rồi từ mùa xuân thứ 15 của cuộc đời tôi, tôi không còn hào hứng làm cái việc thông báo điềm lành đầu năm cho người trong nhà nữa. Không phải vì cây mai trước sân không còn nở hoa sáu cánh, hay vì tôi đã khôn lớn chững chạc ra. Chỉ là vì một lần tôi vô tình chạm đến nỗi đau của người tôi yêu mến, dì Út. Năm ấy dì tuổi mười tám, vừa từ dưới quê ngoại lên ở nhà tôi học nghề đan thêu. Dì đang lau chén đĩa chuẩn bị mâm cúng sáng mồng Một. Khi tôi hí hửng đưa tin: “Dì ơi, sáu cánh, sáu may mắn đó dì ơi!”, dì ngước nhìn tôi với ánh mắt dịu dàng nhưng ẩn giấu một nỗi buồn da diết. Rồi dì đã thốt ra một câu nói mà lúc ấy tôi thấy thật tối nghĩa, và gần như là dì nói với chính mình: “Không phải lúc nào sáu cũng tốt, cũng may mắn…”. Mãi sau này tôi mới hiểu vì sao dì Út buột miệng một câu nói buồn như vậy, dì có một bàn tay sáu ngón luôn phải che giấu trước người khác…
Mấy hôm trước Tết, tôi về quê thắp hương cho cha mẹ. Ngôi nhà cũ dưới chân đồi giờ không ai ở, được coi như từ đường của dòng họ, chỉ mở cửa và đông vui con cháu vào những ngày kỵ giỗ. Từ ngoài xa tôi đã chợt sững người, mới vào tháng chạp mà gốc mai lão trước sân hoa đã vàng rợp. Thì ra năm nay chịu ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, có nắng ấm giữa mùa đông nên mai vàng nở sớm. Không vội vào nhà, tôi quẩn quanh bên gốc mai, chẳng phải để tìm “cánh thứ sáu may mắn” như ngày xưa tôi đã từng tìm cùng với cha, mà tôi đang cảm nhận về một khoảng trống rất lớn trong tôi lúc đó. Mai vàng nở rộ trước mặt mà lòng tôi như vẫn bâng khuâng đâu đó với một thứ “vàng mai trong tâm tưởng” của một mùa xuân đã xa xôi… Một mùa xuân đơn sơ mà ấm áp tình cảm gia đình…
HẠT CÁT