Thực & Ảo !?
Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là một trong những nội dung cơ bản của cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được khởi xướng từ nhiều năm nay. Trong thời gian qua, phong trào này đã tạo nên sự đổi thay rất đáng khích lệ trong đời sống xã hội của nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Bình Định. Ở nhiều địa phương được công nhận danh hiệu văn hóa, các địa bàn dân cư đã trở nên khang trang, sạch đẹp và góp phần tạo dựng nên cuộc sống văn minh hơn trước rất nhiều.
Thế nhưng, rồi cũng như nhiều phong trào khác, tình trạng bùng nổ “danh hiệu văn hóa” theo kiểu “trăm hoa đua nở” đã diễn ra. Ở các địa phương, đi đến đâu người ta cũng đều dễ dàng bắt gặp những cổng chào trang trọng, gắn biển lớn ghi dòng chữ Khu phố/thôn/làng văn hóa. Thế nhưng, điều phản cảm không phải là cá biệt là nhiều khi ở ngay bên cạnh những cổng chào, hay bên trong những khu phố/thôn/làng được công nhận là “văn hóa”, lại có vô số những hình ảnh không đẹp như: xả rác bừa bãi, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, môi trường ô nhiễm… diễn ra hàng ngày. Với những ai ý thức rõ về ý nghĩa và giá trị đích thực của danh hiệu này đều thấy xấu hổ về sự méo mó kỳ lạ này.
Có thể nói, việc xuất hiện không ít những Khu phố/thôn/làng văn hóa nhưng lại chưa… văn hóa như thế là hậu quả tất yếu của căn bệnh thành tích. Chúng ta đều biết, để được công nhận là xã, phường văn hóa thì một trong những tiêu chí bắt buộc là phải có 80% khu phố/thôn/làng được công nhận là văn hóa. Và việc xét chọn để công nhận danh hiệu này tại địa phương là do các huyện, thị, thành phố phụ trách. Vì không muốn “thua chị kém em” trong lĩnh vực này, cũng là một nội dung quan trọng để đánh giá thành tích của địa phương mình, thế là trong khâu thẩm định, đánh giá không ít nơi đã “cho qua” những mặt còn hạn chế, yếu kém, xuê xoa dễ dãi và “rộng tay” với việc công nhận Khu phố/thôn/làng văn hóa của địa phương, để rồi từ đó ra đời các danh hiệu “hữu danh vô thực”(!).
Xây dựng đời sống văn hóa là vấn đề có tầm quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân trên từng địa bàn dân cư. Tuy nhiên, để đạt được danh hiệu văn hóa thực sự xứng đáng với các tiêu chí chuẩn mực cho một địa bàn dân cư là không hề đơn giản, thậm chí là rất khó. Vì vậy, để xây dựng các Khu phố/thôn/làng văn hóa có chất lượng đúng chuẩn thì các cơ quan chức năng cần có sự giám sát chặt chẽ việc đánh giá và công nhận danh hiệu này của từng địa phương.
Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một phong trào rộng lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Xây dựng đời sống văn hóa cho từng địa bàn dân cư và toàn xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững nên cái cần có là những giá trị thực chất chứ không phải là các giá trị ảo.
HẢI ÐĂNG