Văn hóa giao thông: Tưởng nhỏ hóa lớn
Tuần trước, khi đi trên đường Tăng Bạt Hổ (Quy Nhơn), tôi tình cờ chứng kiến một vụ ẩu đả. Một người đeo kính trông bộ dạng nho nhã lao vào đánh hai người đang ngồi trên xe máy. Thanh niên kia cũng đáp trả không vừa, và người phụ nữ ngồi phía sau “phụ họa” bằng cách tuôn ra những lời lẽ không hay về phía người đeo kính.
Thì có gì đâu, người đeo kính đi ngược chiều va vào chiếc xe máy đang chờ đèn đỏ. Chỉ là va quẹt nhẹ, anh đeo kính ngã nhẹ xuống đất, ấy vậy mà lại nổi nóng phừng phừng. Nếu như không có một người mặc sắc phục CA tình cờ xuất hiện đúng lúc thì chắc hẳn sẽ đánh nhau to. Những người dân ở gần đó chứng kiến đều chung nhận xét: “Cái anh chàng đeo kính kia lỗi sai rành rành ra đó rồi...”.
Thực ra, chuyện này vẫn gặp đâu đấy trong cuộc sống thường ngày. Khi có va chạm, người biết chuyện phải quấy sẽ dừng mọi việc lại xem xét, lo cho người bị thương (nếu có). Nếu chuyện chẳng có gì nghiêm trọng thì chỉ cần một vài câu xin lỗi rồi đường ai nấy đi. Song lẽ, cũng có người chỉ quan tâm đến việc ai đúng, ai sai, nên cự cãi nhau, lôi kéo người hiếu kỳ bu quanh trong lúc xe cộ còn nằm ngổn ngang giữa đường, gây cản trở giao thông.
Hay, như lúc chuyện chờ đèn đỏ chẳng hạn. Chỉ còn 1 - 2 giây nữa là đèn xanh bật, song có người nôn nóng vượt ào qua, tưởng nhanh lại hóa chậm khi gây tai nạn nếu như ở phía bên kia còn có người cố vượt đèn vàng.
Nói đến văn hóa giao thông, một CSGT tôi quen có lần kể những câu chuyện về hành vi ứng xử thiếu văn hóa, nhất là khi người vi phạm các quy định ATGT đã có chút hơi men. Chẳng hạn như khi yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn thì thể nào người được yêu cầu (thường nhậu đã quá chén) sẽ từ chối thổi vào dụng cụ kiểm tra. Và đến khi từ chối không được thường sẽ có những hành vi chống đối, thậm chí có những lời lẽ không hay đối với người đang làm nhiệm vụ. Hoặc, người có thân thế một chút sẽ ra giọng hách dịch: “Biết xe của ai đây không mà phạt vậy?”, rồi khinh khỉnh gọi điện nhờ cứu viện.
Một khách nước ngoài tôi quen có lần nhận xét giao thông Việt Nam quá hỗn loạn. Ông ấy nói không phải vì đường chật, xe cộ nhiều, mà cái chính nằm ở ý thức của người tham gia giao thông nước bạn, văn hóa ứng xử trong giao thông còn quá kém và không có ý thức tuân thủ kỷ luật. Ai cũng cố tranh nhau vượt lên, không ai nhường ai cả.
Thể hiện văn hóa khi tham giao thông phản ánh một phần tính cách của người đi đường. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về ATGT, nhường nhịn khi tham gia giao thông không chỉ góp phần làm giảm TNGT mà còn thể hiện mình là người có văn hóa. Những hành động tưởng nhỏ hóa ra lại là chuyện lớn, thể hiện rành rành ra anh là người thế nào.
NGUYỄN SƠN