Trăn trở với trẻ vị thành niên phạm tội
Thời gian qua, tình trạng trẻ vị thành niên vướng vào tệ nạn xã hội và bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều. Nguyên nhân, do sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình, sự lỏng lẻo trong công tác phối hợp quản lý giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Mặt khác là do tác động của các sản phẩm văn hóa không lành mạnh.
Ở lứa tuổi này, các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, nên môi trường sống gia đình và xã hội có tác động rất quan trọng. Nếu các em không may tiếp cận, tiêm nhiễm nhiều các nội dung giải trí bạo lực, sống trong môi trường gia đình thiếu hòa thuận, không hạnh phúc thì nhân cách, hành động sẽ bị lệch lạc, dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động.
Đơn cử, chỉ vì mâu thuẫn trong lúc chơi bóng chuyền vào chiều hôm trước, sáng 8.10.2012, Nguyễn Văn Hảo (17 tuổi, ở thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) đã dùng dao bấm đâm vào ngực anh Phạm Minh Tấn (29 tuổi, trú cùng địa phương), khiến anh Tấn chết trên đường đi cấp cứu. Mới đây, lúc 12 giờ 15 phút ngày 3.4.2013, tại Trường THCS Phước An, do mâu thuẫn từ trước nên Lê Văn Tăng (học sinh lớp 7A4 Trường THCS Phước An) đã dùng dao bấm đâm 2 nhát vào hông trái của em Võ Hoàng Khiêm (học sinh lớp 8A3 cùng trường). Hậu quả, em Khiêm bị thủng lá lách, phải đi cấp cứu tại BVĐK tỉnh.
Trẻ vị thành niên phạm pháp gia tăng còn do xuất phát từ hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, bỏ mặc con cái lêu lổng dẫn đến chán đời quậy phá. Mới đây, ngày 16.4, Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt băng cướp chưa thành niên ở thị trấn Diêu Trì và xã Phước An (Tuy Phước) với tổng hình phạt 32 năm tù về tội cướp tài sản. Theo cáo trạng, để có tiền ăn nhậu, từ ngày 15.7 đến ngày 3.8.2012, nhóm thanh thiếu niên này đã dùng hung khí uy hiếp, khống chế những phụ nữ đi chợ sớm hoặc các đôi nam nữ đang tâm sự tại các bãi đất trống trên địa bàn huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn để chiếm đoạt tài sản.
Theo thống kê của Viện KSND huyện Tuy Phước, chỉ tính trong năm 2012, trên địa bàn huyện đã xảy ra 75 vụ án hình sự các loại, với 135 bị can, trong đó có 33 bị can ở lứa tuổi vị thành niên. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội.
Để hạn chế tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội, các ngành, các cấp hãy quan tâm nhiều hơn đến việc chăm lo cho các em, hướng các em đến một cuộc sống lành mạnh. Các cấp bộ Đoàn Thanh niên cần nâng cao vai trò trách nhiệm của mình trong việc quản lý giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến. Lực lượng công an cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm trong thanh thiếu niên, học sinh. Đồng thời, tăng cường quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự, có khả năng lôi kéo, dụ dỗ người khác phạm tội; đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội, như ma túy, mại dâm, cờ bạc.
Ngoài ra, mỗi gia đình hãy quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục và quản lý con em mình, kịp thời uốn nắn, sửa chữa các lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, không để các em bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội.
XUÂN VINH