Còn nhớ Tết xưa…
Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết cả, Tết ta, Tết âm lịch, Tết cổ truyền hay chỉ đơn giản gọi là Tết) là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt Nam trong năm. Tuy mỗi vùng, miền có phong tục đón Tết khác nhau, nhưng nét chung đó là những ngày mà mọi người, mọi nhà lo dọn dẹp tươm tất, tưởng vọng tổ tiên, thăm viếng gặp gỡ họ hàng, người thân, chúc mừng, vui chơi.
Khi hỏi ai đó về những hoài niệm tuổi thơ, về năm tháng cuộc đời, có lẽ kỷ niệm về những ngày Tết cổ truyền để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Người ta thường nói Tết xưa, nhưng thử hỏi “xưa” là mốc thời gian nào, hay đó là Tết của thời thơ ấu. Vì vậy, mỗi người đều có những cái “Tết xưa” của mình với những câu chuyện khác nhau. Và câu chuyện về Tết mà các bạn đang đọc đây là muốn nói về những ngày Tết cổ truyền ở vùng quê miền Trung, trên quê hương xứ Nẫu cách nay gần nửa thế kỷ.
1.
Ngày ấy, đất nước còn chiến tranh. Mỗi cái Tết đi qua luôn đọng lại niềm vui, nỗi buồn, thậm chí cả những lo lắng, chết chóc. Dù vậy, với tôi - cậu bé chín mười tuổi vẫn luôn mong mỏi những ngày Tết đến. Vì Tết là được nghỉ học, được khoe áo mới, vui chơi, ăn uống kỹ hơn ngày thường. Ở nông thôn để ăn cái Tết tươm tất phải chuẩn bị từ tháng trước. Nhà nào cũng thả nuôi mươi con vịt, đàn gà để vừa bán lấy tiền tiêu Tết, vừa làm thịt cúng ông bà trong ba ngày; còn heo thì năm ba gia đình hùn nhau làm một con. Những ngày giáp Tết là thời gian khó quên. Bắt đầu từ hăm ba tháng Chạp cúng đưa ông Táo về trời, nhiều nhà lo dẫy mả ông bà, dọn dẹp hàng rào, cổng ngõ, nhà cửa… chuẩn bị đón Tết. Nhìn bà nội và mẹ tôi xay bột làm bánh Tết lòng tôi lại nôn nao niềm vui khó tả. Những chiếc bánh mè, bánh nổ, bánh thuẫn, bánh tai yến, bánh hồng… làm cho ngày Tết đến gần. Trước sân nhà những hàng rau cải, ngò, cúc, hoa vạn thọ khoe màu non tươi trong nắng xuân như thúc giục lòng người.
“Tuổi thơ đi qua, những cái Tết hồn nhiên cũng đi qua. Nhưng những gì về ngày Tết cổ truyền thì có lẽ không bao giờ phai nhạt”
Trong lúc bà nội và mẹ tôi bận rộn với các loại bánh Tết thì tôi và ông tôi lo lau chùi bàn thờ, quét dọn nhà cửa. Bộ đèn đồng, lư hương được đánh sáng trưng, đồ thờ lau chùi như mới. Cái đèn tọa đăng cũng được đổ đầy dầu, mấy cặp đèn cầy mới mua…, rồi bình hoa, cỗ bồng chuối, bánh; mùi trầm hương thoang thoảng ấm cúng. Chiều ba mươi nhà nào cũng cúng rước ông bà, vàng bạc đốt tro bay, những chiếc pháo chuột nổ đì đẹt…
Đêm giao thừa với thời khắc thiêng liêng giã từ năm cũ, chào đón năm mới mọi người trở nên thân thương hơn. Bà nội bảo lắng nghe thử con vật gì kêu chào năm mới. Tôi hé cửa mà không dám bước ra sân vì thời buổi chiến tranh loạn lạc, bom mìn bọn lính gài khắp ngõ. Xóm làng yên ắng. Âm thanh giao thừa chỉ còn lại những tràng đại liên vang lên từng loạt ngoài đồn lính bảo an gần xóm. Bà nội tôi khấn thầm trời phật phù hộ cho năm mới yên bình.
Sáng mồng Một, tôi thức dậy sớm. Không làm gì cả, anh em tôi mặc đồ mới mừng tuổi ông bà rồi ra đường với bao trò vui. Ai cũng nói năng nhẹ nhàng, thân mật vì mọi người nghĩ rằng ngày đầu năm nếu gặp chuyện không hay thì cả năm sẽ xui xẻo.
2.
Thế nhưng Tết đến với tôi không chỉ có lo âu vì đạn bom, lệnh giới nghiêm… mà có những cái Tết vui đoàn tụ, tự do trong không khí yên bình. Đó là Tết cổ truyền đầu tiên sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Sau những năm chiến tranh gian khổ, người dân quê tôi đón cái Tết hòa bình đầu tiên với bao ý nghĩa. Những người con của xóm nhỏ qua bao năm đi xa đã trở về, mỗi gia đình đều có niềm vui đoàn tụ. Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhà nào cũng ăn Tết đầy đủ. Chiều Ba mươi nhiều nhà làm heo, tiếng chọc tiết heo kêu eng éc, mọi nhà chia nhau. Đêm giao thừa cả xóm rộn vang tiếng pháo. Tụi nhỏ chúng tôi tha hồ kéo ra đường vui chơi, dù đêm Ba mươi tối đen như mực.
Từ cái Tết đầu tiên sau ngày giải phóng, những Tết tiếp theo thực sự thăng hoa với những ngày Tết vui như Tết, mà những ai trải qua những năm tháng chiến tranh mới hiểu hết giá trị của nó.
3.
Tuổi thơ đi qua, những cái Tết hồn nhiên cũng đi qua. Nhưng những gì về ngày Tết cổ truyền thì có lẽ không bao giờ phai nhạt. Có Tết trong mịt mù lửa đạn, Tết trong đoàn tụ yên vui, Tết của một thời bao cấp và… bây giờ lại đón Tết thời đổi mới. Đêm giao thừa ngồi kể chuyện Tết xưa cho con cháu nghe, chúng nó bảo: “Tết của ba mẹ (ông bà) vui quá…”. Không biết có phải vậy không ? Hay đó chỉ là tâm lý của những thế hệ trước. Bỗng dưng đặt câu hỏi: Liệu tuổi thơ bây giờ có đón Tết như xưa. Rồi những thế hệ kế tiếp với thời đại văn minh sẽ đón Tết cổ truyền như thế nào? Có còn những cái Tết mang hồn dân tộc “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”, có còn không khí ấm cúng trước bàn thờ tổ tiên cháu con quỳ lạy mừng tuổi ông bà và những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới.
KHOA VĂN