Mỗi lần qua chốn ấy...
Xôi chiên quán cô Năm
Xôi chiên ở Quy Nhơn bán chẳng hiếm, nhưng xôi chiên của người phụ nữ luống tuổi góc ngã tư Phan Bội Châu - Lê Lợi ngay dưới chân trụ đèn cao áp vẫn đặc biệt hơn cả. Là bởi, nước chan đặc sệt, có vị thơm và hơi cay rất đặc trưng, nhất là khi ăn, nước chan lại không tràn ra ngoài bánh như ở những quán khác. Nhưng hơn cả là cái không khí rất thân tình, đầm ấm giữa kẻ bán - người mua gần 40 năm qua vẫn luôn như vậy.
Liên tục trở, lật bánh xôi nếp trắng, tròn xem đã vàng giòn hay chưa, bà bảo: “Ngồi chiên bánh từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm, nhiều đêm mỏi nhừ cả lưng. Tôi từng thuê người ngồi chiên rồi chứ, nhưng không ưng bụng vì họ cứ nóng lòng trở, lật luôn thành ra miếng xôi lâu vàng, giòn. Cũng vậy mà mẹ con tôi tất bật hoài. 2 giờ chiều ngồi đóng khuôn hơn chục ký nếp đã nấu chín thành những bánh xôi trắng, tròn, đều; 5 giờ chiều sửa soạn ra chỗ bán, ngồi chiên bánh đến tận khuya, ngồi giữa hai lò lửa chứ ít gì”.
Bà 65 tuổi, tên cúng cơm là Nguyễn Thị Diệu nhưng khách chỉ gọi “cô Năm xôi chiên”. Năm 1977, bà Năm bắt đầu bán bánh. Lấy chồng rồi, đã có lúc bà chuyển sang nghề bán thịt heo của nhà chồng. “Nhưng mình không có duyên với nghề đó. Người ta một buổi bán hết mấy con, còn mình chỉ bán có 1/4 con mà ngồi mãi đến chiều, đành quay lại với nghề cũ”, bà nhẩn nha kể.
Khách của cô Năm xôi chiên thường là khách quen, mà có quen mới chờ được lâu đến vậy. Rồi thậm chí còn nhường nhau chỗ ngồi, ưu tiên cho học sinh, người có con nhỏ hoặc vội đi. Còn bà chủ quán cặm cụi với hai mâm xôi chiên, lâu lâu lại ngẩng lên hỏi bâng quơ: “Giờ đến lượt con hả?”. Tức thì người đến lượt sẽ trả lời. Âu cũng là cách để cô Năm khỏi làm mất lòng ai.
Mấy năm nay, khách phương xa đặt mua xôi cô Năm cũng không hiếm. Học sinh, sinh viên đi học xa nhà nhớ vị bánh hay dặn người nhà mua vài chục chiếc đem vô để chiên dần ăn. Gần đây, xe khách Khánh Hòa cũng hay lui tới đặt mua mỗi lần gần cả trăm chiếc cho khách ăn ngay. Rồi một công ty khai thác yến sào ở Quy Nhơn thường đặt mua mỗi lần 400 chiếc gửi vào Sài Gòn. Cô Năm làm sẵn mọi thứ đóng gói gửi đi, vào trong đó họ chiên bánh và hâm lại nước chan.
Ngày đông lạnh lẽo, khách thường thích sà vào ngồi cạnh hai bếp lửa hồng, vừa chờ bánh chín vừa nhẩn nha nói chuyện cho đến khi bánh vàng, giòn. Bao năm qua chỗ ngồi của cô Năm chưa bao giờ suy suyển, cũng như những thế hệ khách nối tiếp nhau thích đến thưởng thức vị bánh xôi chiên. Và giờ, cô con gái đầu của cô Năm đang nối nghiệp mẹ.
Một tối nào đó khách bộ hành tình cờ ghé lại và thưởng thức hương vị bánh xôi chiên cô Năm, mở lòng nghe những câu chuyện giữa khách mua với bà chủ hay chuyện, mềm mỏng. Quán cô Năm bình dị, hồn hậu như bản tính của người dân Quy Nhơn chẳng hoa mỹ, cầu kỳ sao vẫn níu lòng người đến lạ.
Chè nóng “Ngô Mây”
Nhắc đến quán chè nóng “Ngô Mây” này (gần ngã tư Ngô Mây - Nguyễn Thái Học), chị em chị Mỹ Hòa (nhà ở đường Tây Sơn, Quy Nhơn) thường ôn lại cái thời họ phải kiếm tiền tiêu vặt bằng cách nhặt nhôm nhựa hoặc lâu lâu mới được ba mẹ cho tiền ăn quà. “Có tiền, chị em tôi hí hửng đạp xe chở nhau xa hàng cây số đến quán, mỗi đứa ăn liền hai ba ly. No cái bụng nhưng vẫn thèm cái vị ngọt thanh của đường cát, bùi bùi của đậu xanh, củ lang xắt nhỏ quyện với vị beo béo của nước cốt dừa, đọng mãi nơi đầu lưỡi, trôi xuống đến đâu mát lòng đến đó”, ở tuổi 42 chị Hòa vẫn nhớ rõ cái cảm giác thòm thèm ấy.
Mà có lẽ chẳng riêng chị Hòa, cả tôi lẫn nhiều thế hệ học sinh, rồi sinh viên đều biết đến quán này. Như một điểm hẹn sau mỗi cua học, hẹn nhau “chém gió” hay “chung độ” của một kẻ thua cuộc kém may mắn nào đó. Thời ấy, lâu lâu đám học sinh mới góp đủ tiền kéo nhau vào quán làm một “chầu” cho đã đời.
Quán chè ấy năm nay tròn 25 tuổi.
“Năm 1990, vợ chồng tôi là công nhân xí nghiệp may nhưng lương không đủ sống, bà xã nghỉ ngang nấu chè bán, cái nghề mà cô ấy học được trong Sài Gòn từ thời con gái. Mỗi lần cô ấy chỉ dám nấu 2 lon đậu xanh cho cả hai loại chè nóng lẫn chè đá. Vợ chồng mượn mặt tiền của nhà cậu ruột để bán, sau 5 giờ mới kê dọn bàn ghế. Hồi đó, mỗi ly chè chỉ 300 đồng...“, anh Nguyễn Thanh Hải, chủ quán chè, kể lại những ngày đầu chị Mai Thị Hồng, vợ anh, khởi nghiệp.
Khách nay dẫu đông hơn xưa, chị Hồng cũng chỉ tăng lượng đậu xanh lên chừng hơn 4 lon cho mỗi tối. Phần các con gái đều đi học, đi làm xa, phần vì vợ chồng khó mà kham hết công việc. Họ vẫn nhọc công đãi vỏ đậu xanh chứ không dùng loại đậu đã làm sạch vỏ bán sẵn vì sợ giảm vị thơm của đậu. Bởi, hương vị là một phần để khách luôn nhớ đến quán. Bởi, với chủ quán, không có gì hãnh diện hơn và vui hơn là khi khách đi đâu cũng nhớ về.
Vậy nên, có những khách tận Tuy Phước, An Nhơn mỗi lần đi Quy Nhơn thể nào cũng ghé qua. Thậm chí khách Việt kiều về quê lần nào chủ quán cũng đều biết qua những lần họ ghé quán. Hay như gia đình nọ đã chuyển vào Vũng Tàu sinh sống, hôm nào “nhớ” chè, lại dặn chị Hồng nấu cho xoong chè độ 300-400 ngàn đồng gửi vào trong đó. “Nhưng vui nhất là ông thầy ngoại quốc dạy tiếng Anh ở Trường ĐH Quy Nhơn qua đây dạy được sinh viên dẫn đi ăn, rồi ổng đưa cả ba mẹ mình đến đây. Ông bà ăn xong giơ ngón tay lên về phía tôi nói “good, good”, anh Hải tự hào.
Một tối tôi chở con trai đến quán. Ban đầu cu cậu chê “chè dở ẹc”, nhưng khi ly chè dậy mùi thơm lá dứa, nước dừa, đậu xanh hột bưng ra thì cu cậu không chê nữa, và đòi ăn thêm ly thứ hai. Tôi cười thầm, nhớ ngày xưa ba nó lần đầu tiên đến quán cũng từng e dè vậy, sau rồi chủ động rủ người yêu, và sau này là vợ, thường xuyên ghé qua.
Chị Hồng bảo từng chứng kiến nhiều cặp đôi thành như thế rồi. Từ một người, rồi thành hai, hẹn hò nhau, và sau đó thêm những thành viên nhí xuất hiện. “Và biết đâu chừng nay mai, mấy đứa nhỏ rồi cũng sẽ dẫn thêm những người khác đến quán chè này nữa”, như chị Hồng nói.
THU HÀ
Bài báo viết hay; kỳ sau nên viết tiếp một số quán bán lâu năm ở Quy Nhơn và gắn với kỷ niệm thơ ấu của nhiều thế hệ học sinh, người lao động và cả Việt Kiều như: gỏi Bà O (xưa bán trước trường Trung Vương - nay con gái Bà tiếp quản bán trước nhà thờ Nhọn); cafe Tuấn - 360 Bạch Đằng; chè Nhớ - dường Ngô Mây;...)