Gánh hàng quê thời @
Yêu ẩm thực xứ Nẫu, một số bạn trẻ người Bình Ðịnh lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đã “kiêm” luôn nghề tay trái: kinh doanh những món ngon Bình Ðịnh qua facebook. Không chỉ đơn giản là lựa chọn cho mình một hướng kinh doanh, đối với họ, mỗi đơn hàng còn là cơ hội quảng bá đặc sản quê hương đến với mọi người.
1.
Chị Vân Yên (Tuy Phước) đã lập trang www.facebook.com/binhdinhmonngon để bán những món đặc sản Bình Định do chính tay mẹ chị làm. Đầu tiên, chị thấy món bánh ít lá gai mà ngày nhỏ mình thường ăn và thỉnh thoảng bây giờ mẹ vẫn gửi vào ngon hơn bánh ngoài chợ nên nói mẹ làm để bán. “Lô hàng” đầu tiên của chị thành công ngoài sức tưởng tượng khi bạn bè đặt mua đến 600 chiếc bánh. Thừa thắng xông lên, chị thử chào hàng món mắm cua đồng, rồi chả ram tôm, bánh hỏi, bánh bèo, chả cá… Món nào cũng do mẹ chị Vân Yên trực tiếp làm.
Vân Yên hồ hởi kể: “Tôi quan niệm, khách hàng mua những món ăn dân dã này là tìm một cái cớ để gặp lại kỷ niệm tuổi thơ, hương vị quê nhà. Hơn nữa, đây cũng là cách giới thiệu tuyệt vời về món ăn quê hương. Bởi vậy, với mỗi đơn hàng, tôi coi đó là một cơ hội giới thiệu một món ngon quê mình. Mỗi cái bánh ít giá bán chỉ vài ngàn đồng, nhưng đó còn là công mẹ tôi tỉ mẩn từ khâu giã lá, nhào bột, làm nhân, gói bánh… để “nẫu ăn còn biết tới xứ mình” như cách mẹ tôi hay nói. Tôi muốn người quê mình, khi ăn vào sẽ nhớ đến hương vị quê nhà, còn những bạn phương xa biết rằng, món ăn Bình Định rất ngon, người Bình Định làm ăn chắc thiệt, uy tín.
2.
Không trực tiếp làm ra các món ăn quê như chị Vân Yên, song gian hàng “Gánh hàng quê” trên facebook của anh Nguyễn Thanh Nhã (Quy Nhơn) rất được ưa chuộng bởi cũng toàn là đặc sản Bình Định. Ý tưởng “làm ăn” đến tình cờ sau mỗi chuyến về quê, nhiều bạn bè dặn dò anh mua giúp các món đặc sản Bình Định như mực ngào, dầu dừa, dầu phụng, nem chua, rượu Bàu Đá, tôm khô... Khách hàng ban đầu là những bạn bè thân thiết, đồng hương, sau đó, sự kết nối dần lan tỏa, nhiều khách hàng ở các tỉnh khác, ở nước ngoài thông qua sự giới thiệu của bạn bè, dùng thử đều “ghiền”.
Thế là từ việc nhận mua giúp, anh Thanh Nhã quyết định mở “Gánh hàng quê” trên “phây”. Gian hàng không chỉ giới thiệu các món ăn đặc trưng của người Bình Định, kỳ công hơn, còn đều đặn giới thiệu các món ngon, cách chế biến, sử dụng các món này. Chị Kim Thoa, một khách hàng “ruột” của “Gánh hàng quê” vui vẻ chia sẻ: “Sài Gòn món ngon vật lạ nào cũng có, nhưng để tìm đúng hương vị vốn gắn liền với tuổi thơ, với quê hương mình thì không dễ. Trước đây, muốn mua mực ngào, nước mắm, dầu phụng… tôi phải nhờ người ở quê chọn mua giùm, gửi vào. Nhưng từ khi biết đến “Gánh hàng quê” thì chỉ cần đặt hàng sẽ được giao hàng tận nơi, và chất lượng luôn ổn”.
3.
Facebook có trăm người bán, vạn người mua, song những gian hàng quê xứ Nẫu như “Duyên hải quán”, “Đặc sản Bình Định”, “Bình Định quán online”... vẫn không bị trộn lẫn, nhạt nhòa, ngược lại đã và đang góp phần quảng bá đặc sản của Bình Định đến mọi miền. Như tâm sự của anh Thanh Nhã: “Mỗi món ăn cũng là một lời giới thiệu, gợi mở những câu chuyện về một vùng đất. Tôi may mắn được đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ngon của các vùng miền trong cả nước. Có điều kiện so sánh, tôi nhận thấy, ẩm thực Bình Định rất độc đáo và có những nét rất riêng, nhiều người thích nhưng không phải ai cũng biết và hiểu. Trong thời gian tới, nếu có điều kiện, tôi sẽ viết một cuốn sách về các món ngon Bình Định”.
Những món ngon trên đời quả không thiếu, nhưng những món quà quê bao giờ cũng ấm cúng và thơm ngon nhất, bởi trong đó còn có cả hồn vía của quê nhà.
NHẬT LINH