Võ sư Bình Ðịnh luyện... hoa ở Ðà Lạt
Bốn năm trở lại đây, giới chơi hoa trong và ngoài nước mê mẩn dòng hoa tươi ướp với nhiều màu sắc độc đáo có xuất xứ từ Ðà Lạt. Người đầu tiên đã bỏ hơn 10 năm nghiên cứu để giúp lưu giữ vẻ đẹp tươi tắn, mềm mại tự nhiên của hoa là võ sư - nghệ nhân Nguyễn Công Hóa.
Đã gần 35 năm, kể từ ngày người con đất võ Bình Định đặt chân lên Đà Lạt sống với nghề dạy võ và trồng hoa, ý chí trong tinh thần võ hiệp đã thôi thúc niềm đam mê và lòng chinh phục của ông. Tình yêu hoa đã thôi thúc ông trăn trở tìm cách lưu giữ được những khoảnh khắc đẹp nhất của các loài hoa.
Không để hoa hồng giá rẻ như rau
Khi được tặng một bông hồng ướp rất đẹp và đắt tiền từ một người bạn định cư ở Pháp, ông bắt đầu nung nấu ý định biến vườn hoa hồng giá rẻ như rau của mình thành những sản phẩm tinh tế, bền đẹp và có giá trị cao như món quà mình vừa được tặng.
Ông Hóa kể: “Năm 2000, một người bạn ở Pháp về thăm, lúc này trên nông trại gia đình tôi có khoảng 80 ngàn bông hoa hồng đang nở. Bạn tôi bảo, với lượng hoa như thế bên trời Âu thì giàu to; bởi bên đó một hoa hồng có giá đến 5 USD, còn ở trong nước giá từ 300 đồng đến 3.000 đồng/bông, rẻ như rau! Tôi đã ấp ủ ước mơ làm sao để vườn hoa của mình có giá trị kinh tế cao như bên châu Âu”.
Suốt nhiều năm, ông đã mày mò nghiên cứu và nướng hơn chục ngàn bông hồng cùng hàng trăm triệu đồng vào các khoản chi phí mua hóa chất, sách vở, tài liệu… cho công cuộc nghiên cứu, thử nghiệm. Nhớ lại quãng đường dài gian truân để thực hiện giấc mơ hoa, ông Hóa cho biết: “Tôi đã cất công xuống TP Hồ Chí Minh, tìm gặp hàng chục người quen, các cơ sở kinh doanh để hỏi mua hóa chất có thể ướp giữ hoa tươi lâu dài, nhưng ai cũng lắc đầu; có người không nói ra nhưng tôi biết họ nghĩ tôi là người hoang tưởng. Không nói đâu xa, chính vợ con tôi cũng nghĩ là tôi đang làm chuyện “bao đồng”, là suy nghĩ... không bình thường. Đến khi mua hóa chất về nhưng do không biết làm nên thất bại nối tiếp thất bại, tốn kém dữ lắm. Tôi đã thử nghiệm đến gần mười ngàn bông hồng trong vườn, nhưng không thành công. Hàng chục võ sinh của tôi ở nước ngoài như Pháp, Nhật biết tôi đang đeo đuổi công thức ướp hoa tươi, đã tìm mua giúp hóa chất tôi cần để gửi về. Số tiền tích góp từ sản xuất hoa và rau lâu nay của gia đình cùng chút ít tiền từ dạy võ tôi đã đem nướng hết vào “gian buồng thí nghiệm” không giống ai của cá nhân tôi. Có những lúc nỗi thất vọng ập đến; bạn bè, người thân rất lo lắng cho tôi, thậm chí có lúc vì tôi mà gia đình lâm vào tình cảnh nợ nần có lúc tưởng chừng phá sản...”.
Cuối đường hầm lại lóe lên chút ánh sáng. Giữa năm 2010, những bông hồng ướp của ông Hóa có dấu hiệu tươi lâu hơn, 20 ngày, rồi 45 ngày... 6 tháng và lâu hơn nữa mà hoa vẫn còn tươi; ông mừng đến rơi nước mắt. Và thành công đã đến với “nhà khoa học chân đất” Nguyễn Công Hóa.
Ngoài những giờ dạy võ ông lại tiếp tục lao vào thử nghiệm hoa. Rồi ông có thể lưu giữ lâu dài nét đẹp và hương cho 16 loài hoa khác nhau, như: hồng, cẩm chướng, đào, đồng tiền, salem, bi bi, cẩm tú cầu, cúc ngàn sao, sứ, cùng nhiều loại lá, quả khác để làm phụ kiện trang trí...
Vươn ra thị trường quốc tế
Không chỉ thành công với công nghệ “lưu giữ hồn hoa”, ông còn được mệnh danh là “phù thủy” trong việc sáng tạo ra hàng chục màu sắc khác nhau của một loài hoa nguyên bản. Hoa tươi ướp mang màu sắc mới theo ý muốn và có độ bền từ 5-10 năm hoặc lâu hơn. Các sản phẩm của ông đã được xuất khẩu sang các nước, đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh môi trường của nước bạn, như Nhật Bản, Pháp, Anh, Hàn Quốc và bán trong nước trên 200 ngàn sản phẩm (giá 25.000 đồng/sản phẩm). “Gánh nặng cơm áo” lâu nay cho công trình nghiên cứu của ông được trút bỏ.
Cuối năm 2011, nghệ nhân Nguyễn Công Hóa còn nghiên cứu thành công kỹ thuật gây đột biến sắc tố của hoa hồng ngay khi hoa đang được trồng trong vườn. Xử lý kỹ thuật công nghệ nhằm biến đổi màu sắc hoa theo ý muốn, tạo ra trên từng cánh hoa những đường viền, hoa văn, màu sắc rất bắt mắt.
Nghệ nhân Nguyễn Công Hóa được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietnam Records Book Center) công nhận “Người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật ướp hoa tươi để bảo quản lâu dài” và “Người làm ra bức tranh hoa tươi ướp lớn nhất Việt Nam” (kích thước 2,4m x 1,75m, tiêu tốn 1.000 hoa hồng) tại Festival hoa Đà Lạt năm 2010. Nối tiếp những thành công từ giấc mơ hoa, một tác phẩm khác của ông cùng với họa sĩ Võ Quang Vinh lại được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận: “Bức tranh hoa đào ướp 3D (3 chiều) đầu tiên của Việt Nam”; kỷ lục này được xác lập vào ngày 27.12.2013, nhân dịp Tuần Văn hóa - Du lịch Đà Lạt năm 2013 diễn ra. Ngày 25.11.2014 ông Hóa vinh dự được nhận danh hiệu “Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam”.
Tại Lễ hội Mùa Đông, kết thúc năm du lịch 2014, nghệ nhân Nguyễn Công Hóa đã đón nhận trên 900 lượt khách đến tham quan và mua sản phẩm tại cơ sở sản xuất hoa tươi ướp và vườn hoa của gia đình ông tại 85B Vạn Thành, TP Đà Lạt.
Võ và hoa đã ngấm vào trong máu
Ông có nhiều biệt danh, nhưng người ta thường gọi ông là Võ sư Hoa hồng, ông rất khiêm tốn, giãi bày: “Tôi mê võ và xuất thân từ đất võ, tôi lại là người thành công ướp hoa tươi đầu tiên ở Việt Nam, trong đó phần lớn là hoa hồng, nên họ đặt cho tên Võ sư Hoa hồng. Ngoài ra còn có tên “Phù thủy của hoa”, “Người làm cho hoa bất tử”… thực ra vì quý mến mà họ gọi vậy thôi, chứ đơn giản tôi chỉ là người yêu võ và mê hoa như một phần máu thịt của mình”.
Quê ở An Nhơn, Bình Định, theo gia đình lên Đà Lạt, cả nhà phải chịu thương chịu khó lao động, theo bà con của làng hoa Vạn Thành học trồng rau, sau đó chuyển sang trồng hoa. Trong lò võ ông luyện cho võ sinh rắn chắc, uy lực trong từng thế tấn, đường quyền; bước vào “buồng thí nghiệm” ông dùng sự tỉ mẩn, mềm dẻo để luyện... hoa. Ông là người thuần võ nhưng lại đam mê hoa, nên nhiều người thắc mắc, tại sao một võ sư lại đắm đuối nghiên cứu hoa; có sự đối lập giữa cứng rắn và yếu mềm. “Theo tôi võ và hoa đều có nghệ thuật riêng; lấy cái mạnh mẽ để nâng đỡ cái mềm yếu, lấy cái mềm yếu để chinh phục cái mạnh mẽ”, triết lý sống của võ sư - nghệ nhân Nguyễn Công Hóa là vậy.
Võ sư - nghệ nhân Nguyễn Công Hóa (62 tuổi, quê gốc ở thị xã An Nhơn, từng sống ở nhà số 79 Trần Hưng Ðạo, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh). Năm 1981 theo gia đình lập nghiệp tại TP Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng. Ông học Vovinam trực tiếp từ võ sư Nguyễn Văn Chiếu. Năm 1986, ông mở lò võ Vạn Thành (tên làng hoa ông đang ở). Võ sư Nguyễn Công Hóa hiện đang là Phó thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Lâm Ðồng.
NGỌC DIÊN