Ai về Bình Ðịnh mà… nghe
Tôi xin độ lại câu ca dao đã trở nên quen thuộc với nhiều người khi nhắc đến con gái Bình Ðịnh để đặt đề cho bài viết này, chỉ sửa một chữ, thay vì “Ai về Bình Ðịnh mà coi” thì sửa thành “Ai về Bình Ðịnh mà… nghe”.
Vậy, về Bình Định “nghe” gì mà rủ rê? Nghe bài chòi? Dĩ nhiên, Bình Định có “đặc sản” bài chòi nhưng không phải độc quyền món này. “Rủ nhau đi hát bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún ra”. Một lần ghé Hội An, Quảng Nam nghe hát “bừa chùa” (bài chòi), một bà cụ ở phố cổ này đã đọc hai câu ca đó, chứng tỏ Quảng Nam cũng mê bài chòi chứ không cứ gì Bình Định. Hát tuồng? Cũng không hẳn. Vì tuồng không chỉ nghe mà còn xem nữa thì nó mới đẽ (đã). Tôi muốn rủ bạn về Bình Định mà nghe … người Bình Định nói.
Khai sinh ra khu du lịch
Trong một bài viết cách đây ít lâu, tôi có nhắc đến nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn lý giải vì sao địa danh Mũi Né tận Phan Thiết trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn cả thế giới nữa. Ấy là nhờ một ông võ sư người Bình Định vô dạy võ tại đây, phát âm chệch chữ mà thành.
Chả là ở Phan Thiết có một mũi đất, nhoài ra biển giống như một bên của gọng ná nên dân ở đây gọi là Mũi Ná. Ông thầy dạy võ người Bình Định ấy, hễ ai hỏi thầy ở đâu, ông đều cho địa chỉ: “Tui ở Mũi Né”. Gọi riết thành quen, mất luôn tên Mũi Ná, và thành Mũi Né. Mà dân mình cũng lạ lắm, hễ nơi nào cấm thì họ ào ào làm tới. Ví dụ như chỗ nào mà “cấm đổ rác” thì rác ngập tới tận mang tai, nơi nào ghi chữ “cấm đái” thì chỗ đó khai thấu trời xanh. Bởi tên “Mũi Né” nên dân du lịch không những không né mà còn lui tới dập dìu. Bây giờ, các địa phương kêu gọi đầu tư khản cả giọng, chưa chắc đã được hoành tráng như khu du lịch Mũi Né. Ấy thế mà chỉ cần phát âm chệch một tí lại… ra vấn đề. “Ai bảo tiếng Bình Định dở nào?”-Vũ tiên sinh kết luận.
Đèo Bình Đê và món thịt dê
Tôi tháp tùng đoàn nhà văn từ Hà Nội vào Quy Nhơn dự hội thảo nhân 90 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu. Chạy một mạch từ Đà Nẵng vào tận đèo Bình Đê, các nhà văn mới chịu dừng chân vì phong cảnh ở đây quá đỗi hữu tình. Một nhà văn cao niên hỏi tôi địa danh nơi đang đứng đây là gì, tôi thưa: “Nếu mà phía bắc bụi sim này, tức bên phía Quảng Ngãi thì gọi là đèo Bình Đê, còn phía nam bụi sim, thuộc địa phận Bình Định thì gọi là đèo Bình Đơ”.
Ông thắc mắc: “Sao kỳ vậy?”. Tôi bảo: “Bác kiềm chế thắc mắc một chút đi. Rồi khắc biết thôi mà. Bình Định luôn mang đến cho du khách những điều mới lạ và bất ngờ. Như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên vậy”. Tôn trọng người dẫn đường là tôi, lão nhà văn im lặng nhưng tôi biết, lòng ông vẫn ấm ức.
Đến Tuy Phước thì trời vừa tối, chúng tôi tấp vô một quán ven đường vì thấy biển hiệu hấp dẫn: “Dê núi bảy món”. Chị chủ quán đon đả: “Các anh các chú ăn món dơ gì?”. Đoàn nhà văn phát hoảng khi nghe chị chủ quán nói đến món ăn bẩn mà sao mời khách? Tôi phải nhanh nhảu chứ không thì hỏng việc: “Chị ấy hỏi các bác là ăn món dê gì đấy ạ”. Các khuôn mặt già nua bắt đầu giãn ra. Lão nhà văn lúc nãy vỗ vào vai tôi: “Giờ thì tôi đã hiểu vì sao đèo Bình Đê, người Bình Định lại gọi Bình Đơ rồi”. Ăn xong, tôi hỏi cảm tưởng, ông hóm hỉnh: “Tôi bắt đầu mơ món thịt dơ này rồi anh ạ”.
Bò qua sông trâu chết
Trận lụt năm 2009, Bình Định không nặng bằng Quảng Nam và Quảng Ngãi nhưng ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Trưởng Ban phòng chống lụt bão Trung ương lúc bấy giờ vẫn về Bình Định để nắm tình hình thiệt hại. Ông ngược đường 19, tiếp cận vùng lũ. Gặp một bác nông dân, ông bộ trưởng hỏi: “Trong nhà có ai bị gì không? Nhà cửa, trâu bò có làm sao không anh ơi?”. Bác nông dân dõng dạc: “Báo cáo bộ trưởng, nhà tui không ai bị sao cả, chỉ hôm mới lụt, do chủ quan nên lùa bò qua sông trong lúc nước đang lớn, trâu mất 2 con”. Ông bộ trưởng ngơ ngác: “Sao bò qua sông mà trâu lại chết ạ?”. Anh thư ký đi cùng nhanh miệng: “Người Bình Định họ phát âm chữ trôi thành trâu đấy ạ. Trôi mất 2 con đấy ạ”. Ngài bộ trưởng không phải tay mơ, hóm hỉnh “phản pháo” lại bác nông dân: “Vậy chào anh, tôi về luôn Hà Nậu nhé!”.
Lên tàu đi xe
Thời còn bao cấp, nhớ một lần Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc, đoàn Nghĩa Bình tham gia với nhiều tiết mục đặc sắc, trong đó có một tiết mục đơn ca “tủ” do ca sĩ nghiệp dư ở huyện biểu diễn. Anh ca sĩ ở huyện hát bài “Dấu chân phía trước” cực hay nhưng vẫn bị đánh trượt.
Trưởng đoàn Nghĩa Bình mới thắc mắc Ban tổ chức vì sao một giọng ca “vàng” như vậy mà lại bị đánh rơi? Một vị trong Ban tổ chức, vốn là nhà phê bình âm nhạc, phân tích: “Giọng hát của anh ấy, quả là không chê vào đâu được. Ca sĩ chuyên nghiệp cũng phải nghiêng mình. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải cho anh ấy trượt vì lỗi phát âm”. Ông dẫn chứng: “Bài hát ấy có câu “Khi tôi còn là hạt bụi/ Người đã lên tàu đi xa”, nhưng anh ấy lại hát “Khi tôi còn là hạt bụi/ Người đã lên tàu đi xe”. Lên tàu mà sao lại đi xe? Do phát âm chệch nên ý nghĩa của ca từ không còn thiêng nữa”. Khi mở lại băng thu âm để nghe bài hát, vị trưởng đoàn mới vỡ lẽ!
* * *
Tôi thuật lại những chuyện trên đây cho mấy người bạn Bình Định của tôi nghe để xem phản ứng của họ thế nào. Một anh bảo: “Chửi cha không bằng pha tiếng nghen!”. Một anh khác: “Giọng Quảng Ngãi của ông thì hay ho gì mà chê Bình Định tụi tui?”. Cả đám định tẩy chay, không thèm bầu bạn với tôi nữa. Chỉ có một người duy nhất bênh tôi, anh là nhà thơ: “Thâu các cha, thằng đó rở Bình Định mà”. Tôi hú vía. May là rể Bình Định, không thì… toi.
TRẦN ĐĂNG