Quy Nhơn, ghé một đêm, ở mười năm
Người ta thường nói: “Ghé qua một đêm, ở lại một đời”. Còn tôi, sau ngày hòa bình, cuối tháng 5.1975, tôi ghé qua Quy Nhơn một đêm. Một đêm rất bình thường. Không ngờ, sau đó, từ cuối năm 1979, tôi định cư ở Quy Nhơn tới 10 năm. 10 năm thì chưa phải… một đời, nhưng đó là khoảnh thời gian không hề ngắn.
Thú thực, cảm tưởng đầu tiên của tôi khi ghé qua Quy Nhơn không mấy mặn mà, dù đây là thành phố biển, gió biển mặn thổi suốt đêm ngày. Có lẽ do Quy Nhơn hơi “xộc xệch”, hơi thiếu sức thu hút. Chợt nhớ 21 năm trước, tôi đã xuống tàu thủy từ biển Quy Nhơn tập kết ra Bắc. Bấy giờ, thành phố còn quá nhỏ bé, chỉ những bãi cát là rộng, bụi cát mịt mù. Cảm tưởng về Quy Nhơn của tôi năm 1975 vừa đúng vừa sai. Đúng, vì thành phố này lúc đó không thể so với những thành phố lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Đà Nẵng hay Nha Trang. Sai, vì tận chiều sâu, Quy Nhơn ẩn chứa bao điều mà tôi chưa thể nhận ra khi mới lướt qua. Thành phố lúc ấy vừa phố vừa làng chài, ngoại vi một chút là làng quê. Tôi cũng không ngờ, mấy năm sau, tôi và vợ tôi lại vào sống ở Quy Nhơn. Và sinh cháu thứ hai ở thành phố này năm 1980. Gia đình nhỏ bé của tôi đã ở đó suốt 10 năm.
Vào cuối tháng 5.1975, Quy Nhơn với tôi và Ngô Thế Oanh còn có thêm thơ của Lê Văn Ngăn viết về thành phố này: “Sóng vẫn đập vào eo biển”. Bài thơ từng in trên tạp chí “Đối Diện” mà tôi và Oanh đều rất thích. Chúng tôi đã tranh thủ thời gian ngắn ở đây để lang thang lên eo “Nín Thở”, chính là cái eo biển mà Ngăn đã viết bài thơ nổi tiếng. Và cuốc bộ ngang qua trảng cát nơi tôi đã xuống thuyền ra tàu Ba Lan đậu ngoài khơi xa đi tập kết. Ngô Thế Oanh thì biết về Quy Nhơn nhiều hơn tôi, vì hình như hồi nhỏ đã có ở đây một thời gian. Chúng tôi lang thang dọc bãi biển, lên quá eo “Nín Thở”, tới viếng mộ Hàn Mặc Tử. Nhưng cũng chưa có cảm giác gì thật đặc biệt.
Đêm tháng 5.1975 ấy, chúng tôi ngủ lại Quy Nhơn, cũng thấy bình thường, như đã từng ngủ qua đêm nhiều thành phố miền Trung suốt dọc đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt rồi xuống Phan Rang. Quy Nhơn đêm nằm nghe sóng vỗ. Nhiều thành phố miền Trung cũng có tiếng sóng như thế. Quy Nhơn giống Nha Trang, có những làng chài trong phố, có những bến tàu thuyền đánh cá mà những con thuyền như neo vào thành phố.
Quy Nhơn bấy giờ đối với tôi vẫn còn nhiều xa lạ lắm.
Cho tới khi tôi về ở hẳn Quy Nhơn. Cái này cũng thuộc cơ duyên, chứ chính tôi không quyết định. Khi Trại sáng tác Quân khu Năm ở Đà Nẵng sắp giải thể, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã liên hệ với Hội Văn nghệ Nghĩa Bình để hai thành viên của Trại có quê ở Nghĩa Bình là Ngô Thế Oanh và tôi (Oanh quê ở huyện Tuy Phước, còn tôi quê ở huyện Mộ Đức) chuyển công tác về Hội. Bấy giờ thủ phủ của tỉnh hợp nhất Nghĩa-Bình là thành phố Quy Nhơn. Cứ vậy chúng tôi khăn gói quả mướp nhằm Quy Nhơn trực chỉ, cũng chưa biết mình sẽ làm việc gì ở đó. Nhưng cứ đi, vì cũng chẳng còn lựa chọn nào khác. May quá, trước đó vợ tôi sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí ở Hà Nội đã được phân công công tác về Báo Nghĩa Bình, nên đã về Quy Nhơn trước tôi mấy tháng. Với một ba lô lính, một máy đánh chữ Portab, tôi tới Quy Nhơn là có chỗ ở ngay. Vợ tôi được phân một căn phòng 12 mét vuông thuộc khu tập thể Báo Nghĩa Bình số 398 Trần Hưng Đạo. Tôi tấp về đó ở, thế là thành một hộ gia đình. Năm sau, vợ chồng tôi sinh đứa con thứ hai, gia đình từ đó có thế chân kiềng.
Ngày đầu tiên về ở hẳn Quy Nhơn, tôi và Oanh đạp xe lang thang trong phố thì gặp Mai Hoàng, người Quảng Ngãi, là đồng đội trong chiến tranh với Oanh và Bùi Minh Quốc. Mai Hoàng giờ làm chuyên viên Ban Tuyên giáo, gặp chúng tôi mừng quá rủ đi uống cà phê. Hóa ra, Mai Hoàng từng làm thơ trong chiến tranh, lại luôn coi Thi Ca là “Đền Thiêng ”, và nhìn các nhà thơ với ánh mắt ngưỡng mộ không giấu giếm. Biết tin tôi được nhận giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ”, Mai Hoàng tỏ ra còn vui mừng hơn cả… tôi nữa. Đúng là một người bạn chân thành, dù mới gặp. Chúng tôi thân thiết với nhau từ đó. Ngày đầu tiên về ở Quy Nhơn đã được bạn-đó là điều quý nhất đối với tôi. Sau đó mấy tháng có chuyện buồn cười mà…rơi nước mắt xảy đến với Mai Hoàng.
Có một đêm, Mai Hoàng hớt hải chạy đến nhà tôi, dẫn theo một anh bạn lạ hoắc. Hoàng giới thiệu đây là nhà báo Phương…gì đó, có thẻ nhà báo hẳn hoi. Anh bạn “lạ” cũng chìa ngay thẻ nhà báo cho tôi coi. Dĩ nhiên tôi chả để ý gì, nhưng nghe nói anh bạn đi xe Honda 67 từ Sài Gòn ra, với kế hoạch đi xuyên Việt để viết phóng sự, tôi tỏ ra thích thú. Chúng tôi kiếm cái quán cóc ngồi lai rai, chuyện trò. Hồi ấy chưa có thuật ngữ “chém gió”, chúng tôi chỉ uống rượu thuốc, nói chuyện vui và rất cởi mở. Anh bạn nhà báo đề nghị về ngủ ở nhà Mai Hoàng. Khỏi nói, Mai Hoàng đã vui như thế nào ! Mai Hoàng là một người bạn tốt, dù anh chưa hề quen ông bạn nhà báo này trước đó. Sáng hôm sau, cũng lại Mai Hoàng chạy đến tìm tôi và Oanh, hớt hải thông báo: ông “nhà báo” đã rời nhà từ rất sớm, khi đi có tiện tay “cuốn” theo cả chăn màn, phích nước và một số đồ dùng rất nhỏ nhặt trong nhà Mai Hoàng. Nhỏ nhặt là bây giờ, chứ ngày ấy với Mai Hoàng là cả một gia tài.
Nhìn gương mặt thất thần của bạn, tôi chợt thấy đau nhói. Hồi ấy chúng tôi sống rất vô tư, tuy nghèo nhưng luôn rộng lòng và rất dễ tin người, nhất là tin những ai tìm đến mình như tìm một người bạn. Vì thế, hay bị ăn quả lừa. Có lẽ cũng do đói khổ quá, nên xuất hiện nhiều “nhân vật” chuyên đi lừa “xuyên Việt” kiểu anh bạn “nhà báo” nọ. Hơn tháng sau thì tới lượt tôi được đón khách. Nhưng lần này không hề bị lừa, mà lại được, rất được. Vì khách là một “quới nhơn” thứ thiệt, dù thân phận anh ta chỉ là một “Sơn Đông mãi võ giang hồ khách”, không phải nhà báo “có thẻ”. Chỉ là anh mãi võ bán thuốc cao, nhưng Hàn Phi Quang là một bậc quân tử đích thực. Tôi gặp anh chàng ở…bãi cỏ hoang trước phòng bán vé máy bay sân bay Quy Nhơn. Anh đang thực hiện các “tuyệt chiêu” như phóng dao hay vận nội công đập chai bia vào đầu. Chai bia bể tung, còn đầu “quới nhơn” thì…y nguyên. Tôi xem, phục lắm, tình nguyện mua mấy bao thuốc của anh ta, dù chưa biết thuốc này chữa bệnh gì. Dạo đó tôi chả có bệnh gì cả, trừ bệnh…nghèo, và thiếu…rượu.
Không ngờ, ngay tối hôm đó, tôi đang ngồi vô tích sự ở nhà thì một bóng áo đen vụt xuất hiện. Một chàng trai phong thái nhanh nhẹn đặc biệt, vụt đứng trước mặt tôi, anh ta cúi gập người chào, như một võ sĩ đạo, và trình ra một lá thư. Thư ngỏ, viết ngắn gọn: “Hàn Phi Quang là bạn giang hồ, mong Thanh Thảo thịnh tình đón tiếp”. Ký tên: Chim Trắng và Diệp Minh Tuyền. Ôi giời, hai ông anh thân thiết ! Lá thư ngắn gọn ấy còn hơn các loại “thẻ”, nó là “mệnh lệnh của trái tim”. Duyệt ! Tôi mời Hàn Phi Quang đi uống rượu, nhưng Quang nói: “Đại ca cứ ở nhà, chờ em mười phút”. Nói đoạn Quang biến mất, nhanh như lúc xuất hiện. Đúng mười phút sau, Quang quay trở lại, tay bưng lễ mễ hai chai rượu thuốc và một túi bò gân, cổ đeo mấy xâu nem. Vừa may có thi sĩ Từ Quốc Hoài đến chơi, chúng tôi vầy tiệc lai rai, chuyện nổ như pháo.
Sau đó một thời gian, chính tôi đã viết thư giới thiệu Hàn Phi Quang với Trung Trung Đỉnh và Hữu Thỉnh - hai người bạn đang ngụ ở Trại viết văn…Giang Hồ, quên, Trại Vân Hồ Hà Nội. Chuyến “du Bắc Hà cảm tác” của Hàn Phi Quang - được sự hỗ trợ đầy nhiệt huyết của Trung Trung Đỉnh và Hữu Thỉnh, đã “thành công hết sức tốt đẹp”. Và, đặc biệt nhất là Hàn Phi Quang - một giang hồ khách - đã viết được hai bài thơ cực hay, cực “bụi” về Hà Nội những năm tháng ấy.
Nếu không ở Quy Nhơn, làm sao tôi “ bắt được ” những người bạn chân tình như thế, làm sao tôi có những chuyện buồn vui bất ngờ và thấm thía đến vậy !
Đó cũng là mười năm tôi viết được nhiều nhất, có được nhiều tác phẩm ưng ý nhất, dù gặp không ít chuyện ngang trái. Nhưng như thế đã quá quý rồi, còn mong gì hơn nữa?
THANH THẢO