Quy Nhơn trong tầm vóc mới…
Ðầu năm mới dương lịch 2015, sau những ngày mưa lạnh, Quy Nhơn đón nắng ấm. Các công trường xây dựng trên địa bàn thành phố tiếp tục nhịp điệu thi công khẩn trương, để hoàn thành các công trình chào đón năm mới Ất Mùi với một Quy Nhơn đẹp và khang trang hơn.
1.
Nếu nói năm 2014 là năm đại công trường trên địa bàn tỉnh Bình Định, thì TP Quy Nhơn là “điểm nóng” của các công trình thi công. Công trình lớn mang ý nghĩa chính trị-xã hội lớn là Quảng trường của tỉnh với quy mô xây dựng trên diện tích 6,5 ha, ở khu vực phía nam sân bay đến giáp biển. Công trình được khởi công từ giữa tháng 7, với nhiều hạng mục được thi công. Tại khu vực trục chính của Quảng trường sẽ xây dựng tượng đài ghi dấu sự kiện ý nghĩa khi chàng trai Nguyễn Tất Thành đến Quy Nhơn - Bình Định, lưu lại một thời gian trước khi bôn ba tìm đường cứu nước. Đây là điểm nhấn trong không gian kiến trúc của thành phố, tạo thông thoáng tầm nhìn về phía biển. Với 20.000m2 mặt sân Quảng trường được lát đá granite, chủ yếu là các loại đá granite màu xám trắng do Bình Định sản xuất, đá đen nhập về từ Campuchia, cùng với các bồn hoa, thảm cỏ tăng tạo nên cảnh quan đẹp của phố biển.
Ngày nay đi dạo trên Quảng trường thoáng đãng, những con đường được nâng cấp, mở rộng, qua eo “Nín Thở” mọi người sẽ không còn phải nín thở nữa. Vòng cua eo trở thành điểm ngắm biển hấp dẫn du khách. Từ Quảng trường ta có thể thả tầm nhìn về phía đông dọc theo đường Xuân Diệu với bãi biển sạch, thoáng. Gần đây, đơn vị kinh doanh du lịch đã đặt những chiếc dù làm bằng tre lá để du khách có thể nằm, ngồi trên ghế gỗ dưới bóng dù thư giãn, ngắm biển. Đường Xuân Diệu dài hơn 3.600m, ôm lấy biển Quy Nhơn được khởi công xây dựng từ tháng 3.2003 và đưa vào sử dụng nhân dịp Festival Tây Sơn - Bình Định 2008. Hiện tại, đây là con đường đẹp nhất ven biển của TP Quy Nhơn, xứng đáng với tên tuổi ông vua thơ tình. Gần đây vỉa hè phía biển của con đường được nâng cấp bằng đá granite màu xám trắng thay cho gạch lát trước đây.
Con đường lớn Nguyễn Tất Thành xuất phát từ Quảng trường của tỉnh xuyên qua thành phố cũng được nâng cấp vỉa hè, lát đá granite xám trắng và thảm nhựa mới tạo nét thông thoáng khu vực trung tâm.
2.
Cùng với công trình lớn Quảng trường của tỉnh ở khu vực trung tâm, thời gian qua TP Quy Nhơn cũng đẩy mạnh các hoạt động chỉnh trang đô thị. Trong đó, chủ yếu xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường nội-ngoại thành. Sau nhiều năm thi công hệ thống thoát nước (thuộc Dự án vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn), nhiều tuyến đường chính khu vực nội thành bị hư hỏng, xuống cấp, nên khi hoàn thành các hạng mục, nhiều con đường được thảm nhựa trả lại nguyên trạng.
Hệ thống điện chiếu sáng cũng là nét đẹp duyên dáng của phố biển. Với hơn 240 con đường lớn, nhỏ, gần 300km chiếu sáng công cộng, trong đó có 110 km đường hẻm, kiệt sâu vào các khu dân cư, các nút đèn tín hiệu giao thông, hàng chục công viên và các điểm sinh hoạt, Quy Nhơn về đêm đã tỏa lên ánh sáng huyền dịu.
3.
Từ một thị xã Quy Nhơn khép kín của những năm sau giải phóng, giờ đây thành phố đã mở ra nhiều hướng từ con đường Quy Nhơn - Sông Cầu (QL 1D), đường đến Khu Kinh tế Nhơn Hội (qua cầu Thị Nại); nhiều khu dân cư mới hình thành tạo cho Quy Nhơn một gương mặt mới. Không chỉ Quảng trường rộng thoáng ở trung tâm thành phố mà ở các khu vực vành đai xung quanh cũng được quy hoạch xây dựng nhiều công trình mang tầm thời đại. Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) xây dựng trên một khu đất rộng 20 ha với cảnh quan thiên nhiên đẹp, tại bãi biển Quy Hòa, thuộc khu vực II, phường Ghềnh Ráng, có tổng mức đầu tư 6 triệu USD (tháng 8.2013, Dự án đã khánh thành giai đoạn 1). Sắp tới, công trình Trung tâm Hội nghị của tỉnh cũng sẽ được xây dựng tại số 1 Nguyễn Tất Thành, với diện tích sử dụng đất 24.753m2, phục vụ các sự kiện quan trọng của tỉnh. Công trình có quy mô 4 tầng, chi phí xây lắp khoảng 200 tỉ đồng…
Vâng, với những gì đã có và sẽ có, một Quy Nhơn (đô thị loại 1) đang vươn tới tầm vóc của thành phố văn minh, hiện đại.
“Ðêm Quy Nhơn không rực rỡ, lộng lẫy như các thành phố khác trong nước và thế giới nhưng có sức quyến rũ lòng người lạ thường. Ánh sáng chuẩn mực với những sắc màu hài hòa mang tính thẩm mỹ cao làm tôn thêm vẻ đẹp của vùng đất “địa linh nhân kiệt”.
Nhận xét của Giáo sư TRẦN THANH VÂN, một Việt kiều Pháp, tại Hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” tổ chức tại TP Quy Nhơn với sự tham dự của 200 nhà bác học trên thế giới (tháng 8.2013).
TRÚC THANH