Khi lưới điện về đến vùng cao
Cuối năm, trở lại các xã vùng cao Canh Liên (Vân Canh), An Toàn (An Lão), Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh), chúng tôi cảm nhận rất rõ niềm vui của bà con khi điện lưới quốc gia đã đến từng nhà, từng thôn bản.
1.
Điện lưới quốc gia lên tới “cổng trời” Canh Liên vào năm 2010 và gần như ngay lập tức đã thổi luồng sinh khí mới vào đời sống người dân. Bản làng nơi đây đã lột xác, tươi tắn hơn nhờ tô sắc bởi ánh điện. Dọc những con đường bê tông chạy dài, những ngôi nhà mọc lên san sát, ấm áp hơn nhờ ánh đèn sáng rực đêm đêm. Anh Đinh Văn Thủy (28 tuổi, ở làng Hà Giao), khoe với chúng tôi: “Nhờ có điện, 4 năm nay buổi tối nhà mình vui hơn hẳn, đã có ti-vi coi thỏa thích, đèn sáng con học cũng tốt hơn. Trong thôn bây giờ nhà nào cũng có xe máy, đài, ti-vi; thậm chí, là tủ lạnh, nồi cơm điện…”.
Nhờ có điện, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bà con đã nắm bắt được khoa học kỹ thuật để làm nông nghiệp hiệu quả hơn. Việc phát triển cây lúa nước trên đất Canh Liên gắn liền với dấu mốc lưới điện phủ sóng. Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Diễn nói: “Lúc điện chưa có, bà con ở đây tậm tịt, tù mù thông tin. Thế nhưng, giờ bà con đã biết dùng máy tính, lên mạng tìm hiểu, ứng dụng khá nhuần nhuyễn các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất; qua đó, năng suất cây trồng, giá cả tăng cao hơn. Điển hình như cách đây chừng 10 năm, sản lượng cây lúa bình quân chỉ đạt từ 10-15 tạ/ha, đến nay tăng lên 35-40 tạ/ha”.
Ánh điện về làng, đồng bào xã Vĩnh Kim có điều kiện tiếp cận thông tin qua ti-vi.
- Trong ảnh: Người dân múa hát chào mừng hoàn thành công trình đưa điện lưới quốc gia về xã Vĩnh Kim.
2.
An Toàn là vùng đất màu mỡ, nuôi dưỡng những cánh rừng nguyên sinh cùng nhiều lâm sản có giá trị kinh tế cao, nhưng đời sống bà con xã vùng cao An Toàn lâu nay vẫn còn khó khăn do cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là chưa có điện lưới quốc gia.
Cuối năm 2010, điện lưới quốc gia đã vươn đến trung tâm xã, thắp sáng niềm mong ước của bà con nơi đây. Đêm về, người dân không còn phải chong đèn hay nhóm bếp lấy ánh sáng nữa, mà đã có thể quây quần dưới ánh đèn điện cùng xem ti-vi; kiến thức xã hội, vốn hiểu biết của bà con cũng được nhân lên thấy rõ khi các thiết bị viễn thông phổ biến đến thôn bản.
Ông Nguyễn Xuân Đào, Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn, nhớ lại: Những năm trước khi chưa có điện cuộc sống người dân ở đây vất vả, lam lũ, chủ yếu chỉ dựa vào nương rẫy. Chính lưới điện đã biến thành sinh lực, giúp bà con nông dân có điều kiện phát huy tiềm năng đất đai trù phú mà lâu nay chưa có điều kiện khai thác hiệu quả; nhất là việc bơm nước tưới cho cây trồng, chế biến nông lâm sản sau khi thu hoạch... Đường sá thông suốt, điện lưới về đến từng nhà, đời sống thay đổi với tốc độ không thể hình dung.
Hình dung ánh mắt trong veo và hồn nhiên của những em bé học bài dưới ánh sáng điện, mở ra tương lai sáng sủa hơn cho các bản làng; chúng tôi càng hiểu hơn ý nghĩa sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền.
3.
Cũng giống như Canh Liên, An Toàn, Vĩnh Kim đang “thay da đổi thịt” từng ngày nhờ vào ánh sáng văn minh của điện. Đang cặm cụi trang hoàng lại ngôi nhà để đón Tết, thấy có khách, Trưởng thôn O5 Đinh Phin niềm nở mời khách lên nhà. Không giấu được niềm vui, anh Phin khoe: “Vài năm nay có điện rồi thích lắm, vui lắm. Có điện về như người mù được sáng mắt. Bà con xem các chương trình ti-vi nên nghe nói thông thạo tiếng Kinh, hiểu biết nhiều nên không bị kẻ xấu xúi giục. Ngày lễ, Tết, ngoài tiếng cồng tiếng chiêng còn có nhạc từ băng đĩa, không khí tưng bừng hơn hẳn”.
Theo ông Lê Công Chính - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, thì: Mấy năm nay có điện, đồng bào ổn định, dần từ bỏ tập quán du canh, du cư, phát rừng làm nương rẫy. Công tác tuyên truyền pháp luật cho bà con cũng được thuận lợi hơn. “Từ một xã rất nghèo, 5 năm trở lại đây, đời sống của hơn 300 hộ dân trong xã đã phát triển khá toàn diện. Trong các buôn làng, những mái nhà mới mọc lên ngày càng nhiều hơn, người dân địa phương yên tâm sản xuất hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững. Sản xuất nông nghiệp đang bắt đầu với những mô hình mới, trồng rừng cho thu nhập khá ổn định...” - ông Chính tỏ ra phấn khích.
“Ánh sáng văn minh” đã gõ cửa từng mái nhà sàn, trở thành tiền đề xây dựng nông thôn mới. Vùng cao đang đổi thay từng ngày từ trong nhận thức đến lao động sản xuất, sinh hoạt đời thường. Chúng tôi tạm biệt vùng cao khi sương sớm chưa tan, tiếng chim rừng thúc giục báo bình minh, tiếng trẻ em líu ríu gọi nhau tới trường. Trong từng ngôi nhà, những ghè rượu cần, thịt xông khói, cùng các món ăn truyền thống đang được các mí, các yá rục rịch chuẩn bị để đón xuân.
Cuối năm 2014, huyện An Lão đã đầu tư hơn 4,7 tỉ đồng (vốn từ Chương trình 135) kéo điện lưới quốc gia từ thôn 2 về thôn 1 xã An Toàn - thôn xa nhất của huyện An Lão, cũng là thôn cuối cùng của huyện An Lão chưa được dùng điện lưới quốc gia. Ðược biết đường dây tải điện của công trình dài tổng cộng gần 7km, trong đó đường dây 220 KVA dài hơn 6,3 km và đường dây hạ thế dài 555m.
TRỌNG LỢI