Mùa vui trên những cánh đồng lớn
Sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp) là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên những cánh đồng vàng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn (CÐML), góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Những mùa vàng bội thu
Sự liên kết ấy càng được thể hiện rõ nét hơn khi 211 CĐML sản xuất lúa và 12 CĐML sản xuất đậu phụng, mì, bắp với tổng diện tích trên 9.726 ha đã được hình thành trong năm 2014. Hình ảnh cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp, DN cùng nông dân ra đồng đã trở nên quen thuộc. Lợi nhuận CĐML sản xuất lúa đạt bình quân 23,7 triệu đồng/ha, tăng hơn 3,7 triệu đồng so với diện tích bên ngoài; lợi nhuận CĐML sản xuất các loại cây trồng cạn cũng cao hơn 14,6 triệu đồng/ha, là những kết quả rất đáng phấn khởi.
Với người nông dân, không có niềm vui nào bằng niềm vui được mùa và niềm vui đó được nhân lên khi sản phẩm làm ra bán được giá cao. Lão nông Trần Văn Bốn, xã viên HTXNN Ân Tường Tây (xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân) khoe với chúng tôi: “Năm 2014, gia đình tôi tham gia CĐML, sản xuất 2 vụ lúa lai Nhị ưu 838 trên diện tích 5 sào đất, áp dụng quy trình “3 giảm 3 tăng” và quản lý dịch hại tổng hợp, đã thu được gần 4 tấn lúa, cao hơn nhiều so với những năm trước. Sản phẩm làm ra được DN bao tiêu với giá khá cao, nên thu nhập của gia đình tăng khá”.
Bà Nguyễn Thị Thẳng, ở thôn Chánh Oai (xã Cát Hải, huyện Phù Cát), chia sẻ: “Tham gia CĐML, lợi nhuận trên một đơn vị diện tích tăng cao thấy rõ. Bà con chúng tôi còn học tập được quy trình kỹ thuật đầu tư chăm sóc cây trồng để áp dụng cho những mùa vụ sau”. Ông Bốn và bà Thẳng là hai trong số trên 58.000 nông hộ đã tham gia xây dựng CĐML có được niềm vui như vậy trong năm 2014.
Các DN tham gia xây dựng CĐML cũng rất hài lòng vì sản phẩm của DN ngày càng được nhiều nông dân tin dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tất Thắng - DN đã đồng hành với nông dân huyện Phù Cát xây dựng nhiều CĐML sản xuất đậu phụng - cho rằng, nông dân Bình Định rất cần cù, chịu khó, tiếp nhận và áp dụng tốt tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất và chất lượng sản phẩm đạt cao. “Chúng tôi rất hài lòng với kết quả hợp tác với nông dân trong những mùa vụ qua và tiếp tục phát huy mối quan hệ làm ăn này” - ông Thắng khẳng định.
Thêm nhiều cánh đồng vàng
Tỉnh ta xác định việc xây dựng CĐML tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khép kín, có sự tham gia của 4 nhà, gắn với hoạt động tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó, việc xây dựng CĐML trong năm 2015 được UBND tỉnh chỉ đạo mở rộng quy mô và tăng hiệu quả sản xuất với 250 CĐML, tổng diện tích 11.000 ha, trong đó có 230 CĐML sản xuất lúa, diện tích 10.000 ha và 20 CĐML sản xuất đậu phụng, bắp, mì diện tích 1.000 ha.
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình CĐML năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà một lần nữa khẳng định hướng đi đúng và hiệu quả của liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các địa phương tiếp tục xây dựng, chỉ đạo thực hiện các CĐML theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với đảm bảo chất lượng nông sản, đảm bảo liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có sự tham gia của các DN và HTX.
Còn trong năm 2015, ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xây dựng xong 266 CĐML trong vụ Đông Xuân 2014-2015, diện tích 8.606 ha với sự tham gia đầy đủ 4 nhà. Hiện công tác điều hành chỉ đạo xây dựng CĐML được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
PHẠM TIẾN SỸ