Dự án Tổ hợp lọc - hóa dầu Nhơn Hội: Cánh cửa đã mở
Gặp chúng tôi ngay sau chuyến đi Thái Lan, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định: Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản 2591/TTgKTN chính thức bổ sung dự án Tổ hợp lọc - hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch ngành chế biến lọc - hóa dầu của Việt Nam đến năm 2025. Nhà đầu tư rất quyết tâm, tỉnh đã nỗ lực trong công tác chuẩn bị. Tất cả đã sẵn sàng cho dự án Tổ hợp lọc - hóa dầu Nhơn Hội (Dự án Victory).
Cửa đầu tiên đã mở
Có thể nói, văn bản 2591/TTgKTN ngày 19.12.2014 là cánh cửa mở với dự án Tổ hợp lọc - hóa dầu Nhơn Hội. Để “mở” được “cánh cửa” này, là sự nỗ lực bền bỉ của chủ đầu tư, cùng quyết tâm của tỉnh trong thu hút đầu tư và tích cực chuẩn bị đón đầu dự án hơn 3 năm qua.
Dự án được Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đề xuất cách đây khoảng 3 năm, quy mô ban đầu 27 tỉ USD. Sau nhiều lần đàm phán, đến tháng 3.2013, UBND tỉnh Bình Định và PTT chính thức ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai dự án. Đến tháng 5.2013, Thủ tướng Chính phủ ký văn bản đồng ý chủ trương đầu tư dự án.
Thật sự, vào thời điểm đó cũng như đến nay, đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Cũng bởi quy mô quá lớn của dự án, không khỏi dấy lên ý kiến lo ngại về tính khả thi, nhất là những vấn đề liên quan đến cung - cầu thị trường, cam kết của nhà đầu tư trong thực hiện dự án. Nói một cách thẳng thắn, khi PTT đề xuất dự án, ngay tỉnh Bình Định cũng nghi ngờ. Nhưng sau một thời gian, thấy nhà đầu tư quyết tâm theo đuổi, thực hiện nghiên cứu đầu tư bài bản, nghiêm túc, Bình Định càng tin tưởng vào khả năng triển khai của dự án.
Ngày 15.8.2013, lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng PTT tổ chức họp báo triển khai lập dự án Tổ hợp lọc - hóa dầu Nhơn Hội. Tháng 9.2014, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với PTT chính thức trình báo cáo khả thi chi tiết về dự án với Bộ Công Thương. Dự án lúc này mang tên dự án Victory, có thêm đối tác mới là tập đoàn Saudi Aramco - doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực lọc - hóa dầu của Arab Saudi. Quy mô dự án được điều chỉnh còn 22 tỉ USD, công suất 400 ngàn thùng dầu/ngày.
Ngày 30.9, Hội đồng thẩm định gồm 12 cơ quan, ban, ngành và tỉnh Bình Định, do Bộ Công Thương chủ trì, đã họp và tất cả thành viên nhất trí thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung dự án vào Quy hoạch Phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 và hướng đến năm 2025. Và văn bản 2591/TTgKTN được ban hành ngay trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên đường sang Thái Lan tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5.
Ước hẹn với tương lai
Văn bản 2591/TTgKTN có thêm hai nội dung quan trọng là đưa dự án vào danh mục các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư và giao cho tỉnh Bình Định thực hiện việc xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.
Theo văn bản trên, dự án sẽ được hưởng ưu đãi như các dự án khác triển khai tại địa bàn khó khăn, khu kinh tế, khu công nghiệp cao như: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Riêng đề xuất thuế xuất khẩu sản phẩm, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm của chủ đầu tư cũng sẽ được xem xét trong giai đoạn thu xếp vốn.
Ngoài ra, dự án cũng được miễn thuế thuê đất và thuế nhập khẩu dầu thô cũng như các thiết bị, máy móc, vật tư mà trong nước chưa sản xuất. Khi nhà máy hoàn thành, các sản phẩm lọc - hóa dầu cũng được bán và phân phối tại thị trường Việt Nam.
Về vốn, theo phương án của Báo cáo Nghiên cứu khả thi, PTT và Aramco, mỗi bên đóng góp 40%, phần còn lại sẽ huy động từ các đối tác chiến lược khác trong nước, nhằm lo khâu phân phối, tiêu thụ ở thị trường trong nước. Nhưng ngay cả khi không có nhà đầu tư trong nước tham gia, thì theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, PTT và Aramco vẫn quyết tâm triển khai dự án.
Trong khi đó, về vấn đề cung - cầu, nhà đầu tư đã cam kết, Aramco và một công ty con của PTT sẽ chịu trách nhiệm cung ứng 80% nguồn dầu thô, 20% còn lại mua từ thị trường giao ngay. Nhà đầu tư cũng cam kết không cạnh tranh với các dự án hiện có ở Việt Nam trong việc tiêu thụ dầu ở thị trường nội địa, mà chỉ cung ứng phần thiếu hụt của thị trường; phần còn lại sẽ xuất khẩu sang các thị trường như Indonesia, Australia, Philippines…
Văn bản 2591/TTgKTN của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu dự án phải đáp ứng các yêu cầu công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại; bảo đảm về an toàn và môi trường... “Những vấn đề này, tỉnh Bình Định đã làm việc với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng cam kết là trong thời gian tới sẽ đáp ứng đầy đủ. Với công nghệ xử lý vấn đề môi trường hiện nay cũng như công nghệ hiện đại của dự án, chúng tôi cam kết rằng, việc triển khai Dự án Tổ hợp lọc - hóa dầu Nhơn Hội không ảnh hưởng gì lớn đến môi trường TP Quy Nhơn cũng như của tỉnh Bình Định” - Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Hiện tại, mặt bằng 1.400 ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội cho dự án đã sẵn sàng; các vấn đề điện, nước, thậm chí cả cảng nước sâu, đào tạo nhân lực… cũng đã được tỉnh Bình Định và các đối tác thảo luận, tìm phương án giải quyết. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Thái Lan như Công ty TNHH Đại chúng Ratchaburi Electricity Generating Limited (Thái Lan) và Công ty TNHH Phát triển Năng lượng KST (liên doanh Việt Nam - Thái Lan) đang tìm cơ hội đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội để đón đầu dự án. Mới đây, Tập đoàn Amata (Thái Lan) cũng đến Bình Định tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Dự án Victory được triển khai sẽ tác động lớn đến sự phát triển của Bình Định nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung. “Tôi nghĩ, Dự án Tổ hợp lọc - hóa dầu Nhơn Hội sẽ là bước đột phá, tạo chuyển biến căn bản về sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định trong tương lai nếu triển khai sớm” - Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Dự án Victory thực hiện với quy mô diện tích khoảng 1.400 ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội, công suất 400 ngàn thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm), sau năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 22 tỉ USD, khi mở rộng công suất, có thể đạt mức 30 tỉ USD. Theo kế hoạch, Dự án Victory sẽ khởi công xây dựng vào quý I năm 2017, có sản phẩm đầu tiên vào quý I năm 2021.
LÊ VIẾT THỌ