HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH ÐỊNH (31.3.1975 - 31.3.2015)
Tết Ất Mão và mùa xuân giải phóng
Khi đón Tết cổ truyền Ất Mão (1975), cán bộ, chiến sĩ ít ai nghĩ rằng đây là lần đón Tết cuối cùng trong rừng, để rồi sau đó là những ngày xuân rộn rã, quân và dân ta tấn công như vũ bão, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đã 40 năm qua, những hình ảnh về ngày Tết năm ấy như còn hiển hiện trong chúng tôi - những người trong cuộc. Tham gia hoạt động trên chiến trường chống Mỹ từ những năm 1955, 1956, tôi và các anh em đã đón những cái Tết cổ truyền mà bây giờ kể lại thật khó hình dung. Trong những năm kháng chiến gian khổ, có những cái Tết mà chẳng có gì là Tết bởi chiến trường quá ác liệt. Tết năm 1975 đến với chúng tôi, những cán bộ lãnh đạo huyện An Nhơn như có gì đó báo trước sự thay đổi lớn lao. Riêng tôi, do vết thương tái phát, cuối năm 1974 phải đi điều trị ở bệnh viện Khu. Đến Bệnh viện Khu V chụp phim mới biết trong phổi mình đã bao năm có mảnh đạn pháo nằm ngủ yên trong đó.
Tôi đón Tết Ất Mão giữa đại ngàn miền Tây Quảng Nam. Ở đây ngoài hai bữa cơm, chẳng có gì là hương vị ngày Tết, vì tất cả đều thiếu thốn. Tuy vậy, những thương bệnh binh có được niềm an ủi khi các y - bác sĩ hết lòng phục vụ bệnh nhân, ngày đêm chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ, tình đồng chí, đồng đội vô cùng ấm áp. Dù bệnh tình chưa biết thế nào nhưng ngày đêm tôi và những bệnh nhân ở đây vẫn mong ngóng tin tức từ quê nhà.
Khoảng cuối tháng 2.1975 tôi quay về tỉnh. Trên đường về, qua các nẻo đường Trường Sơn lúc này thanh niên xung phong cõng hàng tải đạn, bộ đội chuyển quân đi chiến dịch nhộn nhịp. Hình ảnh ấy báo trước biến động lớn ở chiến trường miền Nam.
Về đến tỉnh, tôi vào viện điều dưỡng, chuẩn bị các thủ tục để ra miền Bắc phẫu thuật lấy mảnh đạn ra, thì ngày 10.3.1975 quân ta mở màn trận đánh Buôn Mê Thuột. Mất Buôn Mê Thuột, hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên vỡ từng mảng lớn. Ngày 14.3, Tổng thống Thiệu quyết định bỏ Tây Nguyên rút quân khỏi Pleiku, Kon Tum theo đường số 7. Ở phía bắc, chúng bỏ Quảng Trị, dự định bỏ Huế, dồn lực lượng về giữ vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Ở Bình Định, đêm 3 rạng 4.3.1975, Sư đoàn 3 Sao Vàng của ta nổ súng tiến công chốt Cây Rui (đèo An Khê) và một số chốt điểm ven quốc lộ 19 cắt đứt giao thông, Sư đoàn 22 ngụy bị hút vào khu chiến của ta. Phối hợp với Sư đoàn 3, Ban Chỉ huy Tỉnh đội quyết định đưa lực lượng vũ trang tỉnh và các huyện đồng loạt tiến công tiêu diệt địch trên chiến trường toàn tỉnh, phát động quần chúng xây dựng trận địa phòng giữ vùng giải phóng. Các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Phù Mỹ lần lượt giải phóng.
Huyện An Nhơn đêm 9 rạng 10.3.1975, Đ10 tập kích diệt chốt cầu Phụ Ngọc, hai Tiểu đoàn 52 và 51 tiến công trụ sở xã Nhơn Phúc, thị tứ An Thái diệt 3 trung đội địch, giải phóng xã Nhơn Phúc. Tiếp đó, các xã Nhơn Mỹ, Nhơn Khánh được giải phóng. Những trận đánh địch phản kích diễn ra ác liệt và ta giải phóng thêm nhiều xã của huyện An Nhơn. Cùng thời gian trên, lực lượng huyện Phù Cát tiến công trụ sở xã Cát Tường, lực lượng huyện An Nhơn, Tuy Phước cùng với du kích tiến công địch nhiều nơi.
Trước yêu cầu lãnh đạo của Đảng bộ An Nhơn, tôi xuất viện về Cát Sơn gặp Thường vụ Tỉnh ủy. Đêm hôm sau, tôi và đồng chí Xuân trở về huyện triển khai kế hoạch tiếp tục tiến công và nổi dậy giải phóng huyện An Nhơn. Trước sức tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta. Lúc 10 giờ ngày 30.3.1975, toàn bộ quân địch ở quận lỵ phải rút chạy và đúng 11 giờ cùng ngày An Nhơn hoàn toàn giải phóng.
Hàng ngàn tên ngụy quân, ngụy quyền các nơi chạy về Quy Nhơn, đến cầu Sông Ngang thì bị lực lượng vũ trang ta cắt đường, chúng phải quay lại An Nhơn và co cụm tại Truông Bà Đờn (Nhơn Hòa) lần lượt ra đầu hàng quân giải phóng. Và đến ngày 31.3, quân ta giải phóng Quy Nhơn sau khi đánh tan tác Sư đoàn 22 ngụy tại bãi biển, toàn tỉnh Bình Định hoàn toàn giải phóng. Các binh đoàn chủ lực tiếp tục hành quân thần tốc vào giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Ngày 30.3.1975, trên quê hương An Nhơn, tiếng súng của quân thù đã lùi xa, tôi đứng trên thành Bình Định tĩnh lặng, bâng khuâng nhớ đến Bác Hồ kính yêu, nhớ bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống trên chiến trường trong những năm chiến đấu vô cùng gian khổ và ác liệt. Tuy mang trong người nhiều thương tích chiến tranh nhưng tôi là người may mắn còn sống sót trở về với quê hương trong ngày đại thắng. Trải qua 20 năm đấu tranh gian khổ, hàng chục triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã anh dũng hy sinh, có nhiều người không còn hài cốt; hàng chục vạn thương binh từ các chiến trường và đồng chí, đồng bào từ các nhà tù của Mỹ - ngụy sống sót trở về.
Một mùa xuân nữa lại về, là người Việt Nam đang sống trong hòa bình hôm nay chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh đời mình, chiến đấu vì độc lập Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho nhân dân, xây đắp tương lai dân tộc vững mạnh.
THÁI BÁ HỌC
(Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy An Nhơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh)