Gia Vấn đã gần hơn !
Chỉ cách trung tâm xã 7 km, nhưng phải ngót mấy chục năm, 60 hộ dân của thôn kinh tế mới Gia Vấn (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) mới có được điều kiện đi lại, sinh hoạt, làm ăn. Cách đây vài năm, con đường bê tông nối Gia Vấn với bên ngoài được hình thành, mang theo dòng điện thắp sáng cùng những đổi thay; kéo theo một “cuộc cách mạng văn minh, hiện đại” khi ti vi, xe máy và nhiều vật dụng sinh hoạt khác “đổ bộ” về đây.
Đến - đi - và trở về
Chiếc xe máy chạy bon bon trên con đường đèo quanh co dẫn về Gia Vấn. Chỉ mất 15 phút cho 7 km. Anh bạn người địa phương cùng đi với chúng tôi, đã từng nếm trải những cung bậc cảm xúc từ sự khắc nghiệt - nỗi buồn - niềm vui của người dân nơi đây quả quyết rằng, 7 cây số ấy không chỉ là quãng đường đi mà còn mở ra “đường sống” cho 60 hộ dân ở đất Gia Vấn.
Đặt chân vào Gia Vấn, đất đai, đồi núi rộng mênh mông, phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng keo, đồng cỏ voi, lúa, kiệu. Những ngôi nhà ngói bề thế còn vương mùi sơn mới mọc lên như để minh chứng cho “chiếc áo mới” của Gia Vấn hôm nay. Khề khà bên ly rượu trắng, ông Bùi Văn Quốc, một cư dân của Gia Vấn, kể: “Lâu nay Gia Vấn không bằng các thôn khác, cái gì cũng thiếu, cũng hụt, khổ trăm bề. Giờ thì khác rồi”. Lời nói giản dị của ông Quốc chất chứa nỗi chạnh lòng của mấy mươi năm không có đường, có điện; trẻ con đùm túm cơm nắm cùng cha mẹ trèo đèo xuống trung tâm xã xin trọ học; đàn bà sinh con ngay trên võng khi trở dạ mà không kịp đến trạm y tế... Mấy mươi năm là khi mọi người hồ hởi kéo lên lập thôn giữa núi rừng, chỉ được một thời gian ngắn không trụ nổi lại “rồng rắn” về chốn cũ, hoặc vào Nam kiếm sống. “Trầy trật lắm! Năm 1993, gia đình tui vào đây; đất đai thì nhiều, mà không có nước. Lều bạt thì chặt cây che tạm, gạo - tiền nhà nước hỗ trợ rồi dần cũng hết sạch. Con đường người đi đã khổ, huống chi hạt thóc, củ khoai, con bò, con trâu làm ra sao mà bán được” - ông Quốc rù rì kể.
Trăm bề khó sống, ông vào Nam thử vận. Bôn ba quê người, làm thuê làm mướn, rồi lại trở về. “Bây giờ nhà đã xây rồi. Rẫy rừng có. Bò có. Vài ba năm nữa, không tính hàng chục, mà phải tính hàng trăm triệu từ rừng keo đang độ lớn” - ông Quốc hể hả.
Ở Gia Vấn, không chỉ có gia đình ông Quốc bỏ đi, rồi lại trở về làm giàu trên chính mảnh đất từng một thời khổ đến ám ảnh. Gia đình ông Trương Quang Tâm lên đây từ năm 1993, đường - điện đều không có, cũng dứt áo rời đi. Làm thuê làm mướn qua ngày, rồi ông quyết định trở về. Được ăn mấy mùa lúa, bắp, đậu, đỗ, mấy con bò nuôi ngày mỗi lớn, nhưng cực nhọc trăm bề vì sản phẩm làm ra không biết đưa đi đâu bán, tư thương vào mua thì ép giá. Khi đường bê tông vào đến đây, vợ chồng ông Tâm phát triển đàn bò, thuê mướn mở rộng diện tích trồng lúa... Bà Hà Thị Hòa, vợ ông Tâm, bảy tỏ: “Vợ chồng tui cày dữ lắm mới được cái nhà mấy trăm triệu. Ngày trước, có nằm mơ cũng không dám nghĩ sẽ có được cơ ngơi thế này, đâu đến nỗi khó lắm, nhưng ngặt đường sá không có tiền chở vật liệu ngốn đứt một nửa tiền xây nhà”.
Gia Vấn trở mình
Có điện, có đường, cuối năm 2014, người dân trong thôn góp hơn 18 triệu đồng làm điện thắp sáng đường ngang ngõ dọc. Trưởng thôn Gia Vấn Phan Thành Sơn chia sẻ: “Kiệu - dưa - đậu - đỗ - lúa chỉ đủ sống thôi, bà con chúng tôi khấm khá lên là nhờ nuôi bò và trồng rừng. Giàu thì chưa phải là giàu, nhưng từ ngày có đường có điện, bà con đã thật sự có điều kiện để phát triển kinh tế và lo con cái học hành”.
Theo gia đình lên Gia Vấn từ hồi mới giải phóng, rồi “cắm” luôn ở đây, bây giờ vợ chồng chị Thanh đã có gia sản hơn 25 con bò, một nửa là bò lai; mỗi năm bán từ 2 - 4 con, thu về cả trăm triệu đồng. Năm rồi, 8 bò cái của chị Thanh đều đẻ, nuôi tròm trèm một năm, chị bán vài ba con được gần 90 triệu đồng, lấy đó đầu tư thêm bò lai. Chị tâm sự: “Mấy đưa nhỏ đi học ở TP Hồ Chí Minh, của nả đều từ mấy con bò, không có thì lấy gì nuôi tụi nhỏ ăn học!”.
Ở Gia Vấn, giờ không khó để tìm được những người làm giàu từ chính đồng đất quê mình. Những ngày cuối năm trời trở lạnh, ông Hà Văn Ba (63 tuổi) bận rộn với việc chăm sóc đàn bò, bơm nước cho mấy sào cỏ voi trồng cạnh vườn điều. Người nông dân một thời nghèo khó, phải “đùm túm” gia đình từ Mỹ Tài lên đây, bây giờ đã có trong tay khối tài sản đáng mơ ước với 17 con bò, một mẫu đất làm màu và lúa, 15 ha rừng, ao cá. Thu nhập của gia đình ông từ vài trăm triệu đồng đến hơn nửa tỉ đồng/năm.
Đúng là trồng rừng và nuôi bò là hướng thoát nghèo, làm giàu của người dân ở đây. Đàn bò trong thôn gần 400 con, phân nửa là bò lai; 25 ha trồng lúa nước, hàng trăm hec-ta rừng. Đó là “gia tài thứ nhất”, còn “gia tài thứ hai” của bà con ở Gia Vấn là chuyện học hành của con em. Hồi chưa có đường, trẻ em học đến lớp 6, lớp 7 thì rơi rụng dần; nay cả thôn có nhiều em đang học đại học, cao đẳng, trung học...
Còn nhớ năm 2009, khi nói về Gia Vấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Hà Ngọc Tân gọn lỏn một câu: Ấy là nơi khó khăn nhất huyện. Còn bây giờ, ông Lê Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa lại vui vẻ kể: Trước điện, đường, nước đều không có dù hai bên là hai cái hồ thủy lợi to đùng, nên đưa bà con lên đó được vài năm, khổ quá họ lại “nhảy” hết. Gần 20 tỉ đồng được đầu tư để làm con đường huyết mạch vào Gia Vấn. Hồi xưa bà con để nhà lụp xụp nhằm dễ “chạy”, giờ nhà ngói thi nhau mọc, điện đường sáng chẳng khác gì phố. Năm rồi, thu nhập bình quân đầu người của Gia Vấn là 30 triệu đồng/năm, cao nhất xã, và không có hộ nghèo, cận nghèo.
Và nốt trầm
Hôm chúng tôi về Gia Vấn, bà Lê Thị Nuôi (80 tuổi) - một trong những cư dân cao tuổi nhất ở đây, cười móm mém: “Giờ thì sướng quá, điện đóm sáng trưng, xe máy chạy dập dìu. Con cháu ở đây làm ăn được, cũng không bay nhảy đâu nữa”. Nửa quãng đời gắn chặt với Gia Vấn, bà Nuôi bảo bây giờ chỉ mong mình không đau ốm, được sống lâu lâu, đặng hưởng phúc với con cháu. Hiềm một nỗi, đến giờ vẫn còn ngóng nước trời để làm ruộng và chuyện học của mấy đứa cháu chắt”.
Không có nước nên mỗi năm Gia Vấn chỉ làm được vụ Đông Xuân và vụ Mùa, chắt từng hột nước chăm chút cho ruộng đồng, nếu không dễ phủi tay lắm. Còn chuyện học hành, trẻ độ tuổi mẫu giáo ít quá nên phải đưa xuống xã học. Ông Lê Văn Thể chia sẻ: “Đó cũng là trăn trở bấy lâu nay của lãnh đạo địa phương. Nước cho sản xuất nông nghiệp không cách gì đưa ngược lên được Gia Vấn, khoan giếng thì đụng toàn đá. Còn chuyện học hành của lũ trẻ, có một lớp mẫu giáo, giáo viên đứng lớp hẳn hoi, nhưng mỗi năm chỉ một hai cháu trong độ tuổi nên riết rồi cũng không duy trì được”.
THU HIỀN - XUÂN LỘC