Học Bác, làm người tốt, việc tốt
Nhìn lại 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (2011), xa hơn là 8 năm kể từ khi toàn Ðảng, toàn dân bắt đầu thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động (2007), thì việc học và làm theo Bác vẫn không ngoài ý nghĩa: giúp mỗi tập thể, cá nhân ngày càng hoàn thiện hơn, tốt hơn.
1.
Cho đến nay, khi việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã qua giai đoạn “vận động” và chuyển sang “tiếp tục”, thì trong 8 năm ấy, dù ở giai đoạn nào, việc học và làm theo gương Bác vẫn có một sức hút mạnh mẽ, mang lại những kết quả to lớn trên nhiều mặt của đời sống.
“Học Bác, làm theo Bác, trước tiên và thiết thực nhất là mỗi người hãy bắt đầu từ chính bản thân mình, bằng việc trau dồi phẩm chất đạo đức, phát huy năng lực, trách nhiệm trong công tác, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất”
Đi đến cùng ý nghĩa của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không gì ngoài hai cụm từ “người tốt”, “việc tốt”. Nó đơn giản, ngắn gọn, nhưng đủ sức để diễn tả nội hàm rộng lớn của nội dung học và làm theo gương Bác. Trở thành người tốt, tập thể tốt, làm những việc tốt, đó là mục đích, cũng là động lực mà việc học và làm theo gương Bác mang lại. Học Bác, làm theo Bác, trước tiên và thiết thực nhất là mỗi người hãy bắt đầu từ chính bản thân mình, bằng việc trau dồi phẩm chất đạo đức, phát huy năng lực, trách nhiệm trong công tác, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất. Khởi đầu là một người tốt, người ta có thể làm được những việc tốt, từ việc nhỏ đến việc lớn; nhiều cá nhân tốt sẽ tạo thành một tập thể tốt.
Học Bác qua “Đường kách mệnh”, “Dân vận”, “Đạo đức cách mạng”, “Sửa đổi lối làm việc” (các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh), qua chủ đề toàn khóa “Suốt đời phấn đấu cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” và qua các chuyên đề hàng năm, từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của mình để cụ thể hóa các nội dung phù hợp với thực tiễn. Không dừng lại, các địa phương, đơn vị còn gắn việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW với thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, từ đó chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung giải quyết. Học Bác, cán bộ lãnh đạo các cấp đã thể hiện tinh thần phấn đấu, rèn luyện, nêu gương trên các mặt để cán bộ, đảng viên, hội, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân tin tưởng, noi gương, và hưởng ứng thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
2.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, từ năm 2011 đến nay, lãnh đạo tỉnh đã rà soát, chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm, đạt được những kết quả khả quan.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, tỉnh đã tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản như: mở rộng đường vào sân bay Phù Cát, mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ 1D, 1A, 19; xây dựng hệ thống kênh mương Văn Phong phục vụ tưới tiêu cho các huyện phía Nam tỉnh; đẩy nhanh Dự án khu lọc - hóa dầu Nhơn Hội; dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng Hải Giang...; triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 61 xã, phường, thị trấn.
Về công tác cán bộ, tỉnh hoàn thành công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của Trung ương; ban hành đề án thí điểm tăng thêm cấp phó sở, ngành của tỉnh là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ cao để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các nhiệm kỳ tiếp theo; sửa đổi, bổ sung chế độ luân chuyển cán bộ trên địa bàn tỉnh...
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, nhiều phong trào, hoạt động làm theo tấm gương, đạo đức của Bác rất cụ thể, thiết thực. Đó là mô hình “Ba xây ba chống” theo chủ đề “Đạo đức trong sáng, nắm vững chủ trương, ý thức trách nhiệm, hiệu quả công việc” gắn với phương châm “Hết việc không hết giờ” đối với các cơ quan hành chính (huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn); thi đua “Làm theo lời Bác thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững” (Hội LHPN); vận động xây dựng “Quỹ đồng đội” giúp đỡ hội viên khó khăn (Hội CCB); mô hình “Nồi cháo tình thương”, “Bếp ăn tình thương” giúp bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện (một số phường ở TP Quy Nhơn); “Tuổi trẻ Bình Định học tập và làm theo lời Bác”, “Tuổi trẻ sáng tạo” (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh); “Tộc họ hiếu học”, “Tộc họ không vi phạm pháp luật”, “Tộc họ đạt chuẩn gia đình văn hóa”, “Họ đạo không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư tự quản về ANTT” (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn)... Từ những mô hình, phong trào, tập thể đó, những nhân tố con người mới, tích cực đã xuất hiện, như một tất yếu.
Có thể khẳng định, những mô hình, việc làm trên đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh; phát huy hơn nữa tính tương thân tương ái trong cộng đồng xã hội, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh và các địa phương trong tỉnh.
3.
Qua 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị, đã tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy đảng các cấp, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết phải “học, học nữa, học mãi” (V.I.Lê-nin) và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Việc giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên được các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị chú trọng đúng mức hơn. Nhiều cán bộ, đảng viên đã nêu cao ý thức tự giác trong việc phấn đấu học tập, công tác và rèn luyện phẩm chất đạo đức theo tấm gương đạo đức của Bác. Tinh thần trách nhiệm đối với công việc, nhất là thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên. Những tấm gương người tốt, việc tốt được biểu dương nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội.
Làm cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc quan trọng, thường xuyên, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước, đây là yêu cầu cơ bản và mang tính thực tiễn nhất trong giai đoạn hiện nay. Trước mắt, trong năm 2015, các cấp ủy đảng, chính quyền và các hội đoàn thể trong tỉnh cần quan tâm chỉ đạo và triển khai cho cán bộ, đảng viên thực hiện chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”.
NGUYÊN SƯƠNG