Tái diễn nạn sử dụng xung điện, xiếc máy để khai thác thủy, hải sản
Sử dụng xung điện, xiếc máy (XĐXM) để đánh bắt thủy, hải sản đã bị pháp luật nghiêm cấm nhưng việc đánh bắt mang tính hủy diệt này vẫn tiếp diễn trên địa bàn tỉnh ta khiến nguồn lợi thủy sản bị tận diệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Kích điện lộng hành
Dọc theo các tuyến kênh mương ở xã Phước Sơn; kênh tiêu ở Phước Hiệp, Phước Hòa… (huyện Tuy Phước); sông Chùa ở xã Cát Chánh (huyện Phù Cát)… không khó để bắt gặp người dân dùng xung điện để đánh bắt thủy sản. Đơn cử như trên các ruộng lúa hay kênh mương ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, hàng ngày luôn xuất hiện những người vai mang túi đựng bình ắc-quy, tay cầm cần kích điện rà xuống nước.
Việc rà điện ở nội đồng không những khiến số lượng cá tôm, sinh vật có ích ngày càng bị sụt giảm, môi trường bị suy kiệt mà còn đe dọa đến tính mạng của người sử dụng. Mới đây, vào khoảng 22 giờ ngày 31.1.2014, do sử dụng kích điện để rà cá, anh Nguyễn Sỹ Hiệp (SN 1987, ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) bị điện giật chết ngoài đồng.
Lo lắng nhất hiện nay là việc sử dụng các phương tiện kích điện để tận diệt thủy sản ngày thêm tinh vi. Có loại vợt bán kính hoạt động tới 12 m. Nhiều thiết bị xung điện đã được thay thế, cải tiến như nâng cường độ dòng điện bình ắc quy từ 25 Ampe lên 125 Ampe, sử dụng sõng tôn gọn nhẹ dùng làm phương tiện chở các thiết bị rà vừa dùng sõng làm dây “mát” và vợt sắt làm dây “nóng”.
Xiếc máy “càn quét” dưới đầm
Ở các đầm, hồ lớn hoặc các vùng ven biển, nạn xiếc máy càng dữ dội hơn. Đầm Đề Gi (Phù Cát) và đầm Thị Nại nhiều lúc có đến hàng chục ghe máy mang gọng xiếc, lưới cào… neo đậu và hoạt động đánh bắt.
Chiều 7.2, có mặt tại đầm Thị Nại, xóm Đông A (thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), chúng tôi thấy có khoảng 20 chiếc ghe giơ cao gọng xiếc đậu trên mặt đầm. Qua tìm hiểu, Phước Thuận có 40 đối tượng hành nghề XĐXM. Hàng đêm nạn XĐXM quần đảo, thâu tóm các loại thủy sản từ lớn đến bé; kiểu đánh bắt tận diệt này đang khiến nhiều ngư dân khai thác thủy sản theo phương pháp truyền thống như lưới gõ không còn “đất” sống.
Ông Nguyễn Đình Hòa, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước: “Đối tượng sử dụng XĐXM để khai thác thủy sản mỗi ngày có thể kiếm được từ 200 - 300 ngàn đồng. Nhưng cái giá phải trả cho việc làm này rất lớn. Tài nguyên thủy sản cạn kiệt và môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sử dụng XĐXM khai thác thủy sản còn rất nguy hiểm đối với người sử dụng, vì chỉ cần thiếu cẩn trọng trong tích tắc, có thể bị điện giật chết”.
Trong năm 2014, Thanh tra Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên phối hợp với Đội Phòng chống XĐXM huyện Tuy Phước và Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh, chính quyền các địa phương ven đầm tuần tra, kiểm soát và đã phát hiện, ngăn chặn hàng chục vụ sử dụng XĐXM. Tuy nhiên, các đối tượng XĐXM hiện hoạt động ngày càng tinh vi hơn. Họ cử người theo dõi mọi động tĩnh của lực lượng thanh tra rồi dùng điện thoại di động liên lạc với nhau, nên khi Tổ công tác Tuần tra xuất kích là họ biết ngay. Trong khi đó, lực lượng Thanh tra của Chi cục còn mỏng; mặt khác, khi phát hiện các vụ vi phạm đều phải chuyển cho các cơ quan liên quan hoặc đề xuất với thanh tra của Sở NN-PTNT xử lý. Điều này gây không ít khó khăn trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Mức xử phạt hành chính các đối tượng vi phạm XĐXM hiện khá nhẹ nên thiếu tính răn đe. Một số đối tượng vi phạm sau khi bị xử phạt lại tăng cường hoạt động để “thu hồi vốn”.
Sẽ khó thuyết phục, nếu bảo các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc khi mà hàng ngày trên các cánh đồng vẫn xuất hiện hàng chục đối tượng công khai dùng kích điện để tận diệt thủy sản. Trên khu vực đầm Thị Nại hay Đề Gi thời điểm nào cũng có hàng chục chiếc ghe có gắn thiết bị XĐXM, đậu tại các bến vươn gọng. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản bằng kích điện, XĐXM các ngành địa phương liên quan cần triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; phối hợp rà soát, sàng lọc, xác định đối tượng có hành vi sử dụng XĐXM khai thác hải sản để có các biện pháp đấu tranh ngăn chặn triệt để.
Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định:
Điều 15: Phạt từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản.
Điều 16: Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ vật liệu nổ trên tàu cá hoặc các phương tiện nổi khác xảy ra trên biển; Phạt từ 20 đến 25 triệu đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản trên biển.
Hình thức phạt bổ sung:
a. Tịch thu vật liệu nổ với các hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2 điều này.
b. Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 3-6 tháng và buộc khôi phục lại công trình hoặc tài sản, công cụ khai thác thủy sản bị phá hỏng do hành vi sử dụng vật liệu nổ gây ra đối với hành vi quy định tại Khoản 2 điều này.
TRỌNG LỢI