Chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015:
Sáng tạo, đậm chất văn hóa truyền thống
Hiện các đơn vị nghệ thuật, lực lượng làm văn hóa ở các địa phương trong tỉnh đang tích cực luyện tập nhiều chương trình văn nghệ để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Dạ hội giao thừa ở Quy Nhơn: Đậm chất văn hóa truyền thống
Chương trình Dạ hội Giao thừa năm nay được tổ chức tại địa điểm mới là khu vực Quảng trường Trung tâm tỉnh ở TP Quy Nhơn. Dạ hội giao thừa sẽ diễn ra từ 20 giờ 30 đến 22 giờ đêm 18.2 (30 tháng Chạp), với nhiều tiết mục ca, múa đặc sắc. Tiếp sau đó, từ 22 giờ - 23 giờ sẽ là chương trình ca nhạc giới thiệu những ca khúc hay về mùa xuân, các tiết mục nhảy của các bạn trẻ.
Trung tâm Văn hóa tỉnh đã xây dựng chương trình, lên kế hoạch tập luyện liên tục từ đầu tháng 1.2015 đến nay. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Nghệ thuật quần chúng của Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: “Để kịp tiến độ chương trình Dạ hội giao thừa, chúng tôi đã triển khai tập luyện ngày 3 buổi trong suốt hơn 1 tháng qua. Nhiều cộng tác viên là học sinh, sinh viên, bận rộn công việc, nên đa phần phải tập vào buổi trưa đến đầu giờ chiều, hoặc từ 19 giờ 30 đến 22 giờ 30 để tổng duyệt vào ngày 16.2”.
Trong chương trình Dạ hội giao thừa năm nay, hai đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh sẽ đem đến người xem những tiết mục đậm bản sắc văn hóa truyền thống, có sự đổi mới trong cách thức dàn dựng.
NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Quyền Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết: “Lần đầu tiên tiết mục biểu diễn của Nhà hát là hòa tấu nhạc truyền thống “Nhịp phách tương giao”, sử dụng hoàn toàn các nhạc cụ thuộc bộ gõ. Đây là tác phẩm từng đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2014. Chúng tôi đã mời biên đạo Hoàng Việt dàn dựng múa mang đặc trưng của nghệ thuật tuồng trên nền nhạc…”.
Đoàn Ca kịch Bài chòi đã dàn dựng tiết mục hát dân ca “Mùa xuân trên buôn làng” có sự đổi mới so với mọi năm, khi sử dụng các làn điệu dân ca liên khu V mang âm hưởng miền núi như hát Mơ Ní, Lý Thiên Thai, Lý Thượng Du...
Phát huy nét đẹp văn hóa các địa phương
Các huyện, thị xã trong tỉnh cũng đang rộn ràng không khí chuẩn bị cho hoạt động văn hóa, văn nghệ chào đón năm mới. Trung tâm VH-TT-TT thị xã An Nhơn đã triển khai tập luyện chương trình nghệ thuật tạp kỹ đón giao thừa với nội dung khá phong phú, gồm nhiều tiết mục ca, múa, tiểu phẩm hài, ảo thuật.
Hoạt động văn nghệ chào đón năm mới ở huyện Tuy Phước được tập trung cho Lễ hội Chợ Gò diễn ra vào lúc 7 giờ sáng mùng 1 Tết Ất Mùi (ngày 19.2) tại thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước. Ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Trung tâm đã triển khai tập luyện các hoạt động động văn hóa, văn nghệ ở Lễ hội Chợ Gò năm nay, sẽ đảm bảo chất lượng cho các hoạt động biểu diễn trong phần hội như múa lân, võ thuật, bả trạo, hội đánh bài chòi cổ dân gian…”.
Đối với các huyện trong dịp Tết Ất Mùi có hoạt động sự kiện lớn như Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đèo Nhông vào sáng mùng 5 Tết ở huyện Phù Mỹ, Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồi 10 ở huyện Hoài Nhơn…, lực lượng cán bộ Trung tâm VH-TT-TT cùng cộng tác viên đang trong giai đoạn “nước rút” để đảm bảo yêu cầu của nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng xuân. Tại các huyện miền núi, dù điều kiện còn khó khăn, nhưng việc tập luyện chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân đón xuân mới vẫn rất tích cực. Chị La Huyền Giang, cán bộ của Trung tâm VH-TT-TT huyện Vân Canh, cho hay: “Trung tâm đã hợp đồng với các địa phương có phong trào văn nghệ mạnh để tập luyện các tiết mục văn nghệ có chất lượng, tham gia biểu diễn trong chương trình văn nghệ mừng xuân của huyện vào đêm 29 tháng Chạp. Ngoài ra, tại thị trấn Vân Canh và một số xã như Canh Thuận, Canh Hiển, Canh Vinh… cũng đang tích cực tập luyện các chương trình văn nghệ chào đón năm mới”.
HOÀI THU