Phòng chống cháy nổ dịp Tết: Nâng cao ý thức, xem trọng phòng ngừa
Từ đầu năm 2015 đến nay (số liệu tính từ 16.11.2014 đến 7.2.2015), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy làm thiệt hại tài sản trên 7,5 tỉ đồng và 2 vụ nổ làm chết 1 người. Ðáng chú ý, các vụ cháy xảy ra do bị chập điện chiếm gần một nửa (4/9 vụ).
Cháy nổ do sử dụng điện, thuốc nổ không đúng
Gần đây nhất là vụ chập điện vào ngày 7.2.2015 trên tàu cá của ông Huỳnh Lanh ở khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, gây thiệt hại 150 triệu đồng. Trước đó, ngày 27.1.2015, nhà kho của ông Châu Kỳ Bửu (SN 1961, ở Nam Phương Danh, phường Đập Đá, TX An Nhơn) cũng cháy vì chập điện, thiệt hại tài sản 25 triệu đồng. Trong tháng 12.2014, 2 vụ cháy do chập điện ở nhà dân ở TP Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn làm thiệt hại khoảng 60 triệu đồng.
Đặc biệt, chỉ trong ngày 28.1.2015, liên tiếp xảy ra 2 vụ nổ làm chết 1 người và nứt vách 90 hộ dân do vi phạm quy trình nổ mìn. Cụ thể, lúc 8 giờ, anh Nguyễn Thanh Hơn (SN 1983) là công nhân của Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và Xây dựng Viễn Dương (thuộc KCN Phú Tài) đến khai thác đá thuộc thôn An Đức, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát. Khi thấy mìn không nổ, anh Hơn đã chạy đến giật kíp nổ ra để kiểm tra thì bất ngờ mìn nổ. Anh Hơn tử vong lập tức.
Tiếp đó, vào lúc 12 giờ 13 phút, Công ty Cổ phần Hợp Liên Gia nổ mìn khai thác đá tại xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, do dùng lượng thuốc nổ gấp nhiều lần mức cho phép nên đã làm nứt nhà của 20 hộ dân sống ở thôn Hy Thế (xã Hoài Châu Bắc) và 62 hộ ở thôn Túy Sơn (xã Hoài Sơn).
Đại tá Phạm Đình Trung, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ CA tỉnh (PC66) phân tích: “Nạn nhân Hơn tử vong là do đã vi phạm quy trình nổ mìn theo phương án. Lẽ ra trong trường hợp khi thấy mìn câm thì phải dùng tiếp mồi nổ khác để kích nổ, tuyệt đối không được trực tiếp đến kiểm tra. Còn những vụ cháy nhà do chập điện vừa qua đều có các nguyên nhân chung: dây điện đã lão hóa do sử dụng lâu năm nhưng không được bảo dưỡng, thay thế; dây điện cũ được tận dụng; dây không đủ tải các thiết bị điện, hoặc nằm trong các môi trường nguy hiểm dễ bị bào mòn nhưng không được kiểm tra thường xuyên để thay thế...”.
Thiếu tá Trình Văn Tiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ khu vực phía Bắc tỉnh, nói thêm về nguyên nhân chập điện gây cháy tàu cá của ông Huỳnh Lanh: “Các thiết bị sử dụng điện trên tàu với công suất lớn đã khiến dây điện bị quá tải, sinh ra chập điện. Hiện nay, tàu công suất 400-500CV thường sử dụng dàn đèn cao áp công suất lớn để đánh cá và 4 bình ắc quy loại 200Ampe/bình, nên cần dùng dây điện đảm bảo”.
Nâng cao ý thức PCCC tại chỗ
Tuy nhiên, theo đại tá Trung, thực tế kiểm tra cho thấy nhiều nơi vẫn chưa có ý thức cao và còn nhiều thiết sót trong PCCC như: chưa có phương án PCCC và thực tập, chưa đầu tư nhiều cho trang thiết bị PCCC tại chỗ, chưa xử lý nghiêm cá nhân vi phạm để xảy ra cháy nổ tại cơ sở. Mặt khác, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất cũng chưa chú trọng thực tập các phương án PCCC, chưa trang bị các thiết bị đo nồng độ ở các bồn chứa hóa chất nên lúng túng xử lý khi xảy ra cháy nổ hoặc cấp cứu công nhân bị ngạt khí độc.
Đại tá Trung nói: “Để nâng cao tính chủ động, kịp thời xử lý tình huống cháy nổ, các đơn vị, cá nhân cần thường xuyên luyện tập các phương án PCCC tại chỗ; thường xuyên bảo dưỡng các phương tiện PCCC, thiết bị hệ thống điện, quản lý chặt chẽ các nguồn lửa và thiết bị, dụng cụ sinh nhiệt. Để tránh chập điện ở hộ gia đình, không được câu nối các phụ tải điện khi chưa được tính toán, để các thiết bị điện cách vật liệu dễ cháy 0,5m”.
Để hạn chế tình trạng cháy nổ tại các tàu cá, thiếu tá Tiến cũng khuyến cáo các chủ tàu nên sử dụng các bồn chứa inox hoặc bằng sắt để đựng dầu thay vì dùng phuy nhựa như hiện nay. Đặc biệt, trong hầm chứa dầu phải sắp xếp gọn gàng và không nên để quá nhiều vật liệu dễ cháy.
THU HÀ
Tăng cường công tác PCCC Tết Ất Mùi 2015
Để chủ động phòng ngừa nguy cơ cháy nổ dịp Tết Ất Mùi, CA tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền quy định của pháp luật về PCCC để người dân, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động tự kiểm tra và đảm bảo đầy đủ dụng cụ, phương tiện sẵn sàng chữa cháy khi có vụ việc xảy ra. Các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư tập trung mật độ dân cư cao, nhà cao tầng, khách sạn, trụ sở các cơ quan Nhà nước, các địa điểm vui chơi giải trí… đều phải được kiểm tra chặt chẽ và bố trí lực lượng chữa cháy tại chỗ để ứng trực, tuần tra canh gác trong những ngày nghỉ Tết.
Riêng PC66, ngay từ cuối tháng 1, đơn vị đã tổ chức tổng kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; các khu dân cư có tính chất phức tạp về cháy nổ, các khu công nghiệp. Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại Công ty In Nhân dân Bình Định và Công ty In bao bì Bình Định, những doanh nghiệp có nguy cơ cháy nổ cao để kiểm tra khả năng sẵn sàng chữa cháy của lực lượng chữa cháy cơ sở và sự phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Trước đó, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền PCCC cho hơn 500 sinh viên Trường CĐ Bình Định với mong muốn các sinh viên sẽ phổ biến, truyền đạt lại cho người thân của mình những kiến thức về PCCC khi về ăn Tết cùng với gia đình.
HỒNG NGỌC