Vận động nhân dân phát huy nội lực
Nhờ công tác dân vận khéo và theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn đã vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước rất tốt.
Với tôi, ấn tượng về Hoài Châu khi trở lại lần này là những con đường đất liên thôn, liên xóm nay đã được bê tông gần hết, sạch sẽ tăm tắp nối liền giữa xóm nọ với xóm kia. Đã vậy, chừng hơn 20m lại có trụ đèn điện chiếu sáng, chao đèn còn mới tinh. Chị Lâm Thị Bích Hiền, ở xóm 5, thôn An Sơn, phấn khởi: “Đường trong thôn xóm giờ sáng như ở thành thị. Buổi tối, mọi người đi đâu cũng không sợ bị cướp giật, nhất là trượt té hay tông xe như trước nữa. Mà tính ra mỗi hộ dân chỉ đóng khoảng 5.000 đồng tiền điện hàng tháng chứ mấy”.
Thành công từ mô hình “Ánh sáng phòng chống tội phạm” này là một trong những kết quả có được từ phong trào dân vận khéo ở Hoài Châu. Kinh phí thực hiện được lấy từ Quỹ An ninh quốc phòng của xã, phần còn lại do nhân dân đóng góp với mức 100 ngàn đồng/hộ. Hiện nay, 8/9 thôn đã bắt đầu triển khai thực hiện.
Bà Đỗ Thị Phương Nhung, Trưởng Ban Dân vận Đảng ủy xã Hoài Châu, cho biết thêm, trong năm 2014, xã phát động 14 phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tập trung vào những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như: vận động người dân hiến đất làm đường, mở rộng tuyến đường bê tông liên thôn, xây dựng các đoạn đường do hội, đoàn thể tự quản về vệ sinh môi trường... Kết quả, trong năm qua toàn xã đã làm được gần 9,4 km đường bê tông nông thôn, 5,3 km bê tông kênh mương; và đến vụ Đông Xuân 2014-2015, xã đã vận động nhân dân tham gia 3 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích khoảng 120 ha.
Ông Phan Ngọc Trương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoài Châu, tiếp lời: “Khi thực hiện các chương trình, mô hình phải huy động sức dân đóng góp, Đảng ủy, chính quyền xã đều thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trước tiên chúng tôi xây dựng đề án, mời họp dân trong thôn, xóm để tuyên truyền, phổ biến đề án và lấy ý kiến nhân dân, rồi mới ra biểu quyết, thống nhất cách thức làm hoặc mức huy động, đóng góp. Chính vì vậy mà người dân đồng thuận, ủng hộ các chủ trương, chính sách rất cao”.
Như khi làm đường bê tông nông thôn, người dân tự bàn bạc, thống nhất với nhau, và đưa ra mức đóng góp là 100 ngàn đồng/lao động/hộ, nhưng thu tối đa không quá 3 lao động/hộ, đồng thời miễn giảm cho các hộ chính sách, khó khăn. Còn trong việc vận động người dân cùng tham gia vào cánh đồng mẫu lớn, Đảng ủy chỉ đạo cho UBND xã hỗ trợ tiền mua lúa giống cho các hộ tham gia với mức 3.500 đồng/kg được lấy từ ngân sách xã trong năm đầu tiên triển khai. Người dân cũng tự lựa chọn giống lúa mà xã đã đưa ra chứ không áp đặt. Vụ Đông Xuân 2013-2014, vụ đầu tiên thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, năng suất lúa đã tăng 8-10 tạ/ha so với trước khi thực hiện. Chính vì vậy mà người dân đã tự nguyện đăng ký tham gia cánh đồng mẫu lớn trong vụ Đông Xuân 2014-2015.
Đến cuối năm 2014, Hoài Châu đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, vượt 3 tiêu chí so với nghị quyết HĐND xã đề ra. Ông Lê Thành Chương, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoài Nhơn, nhận xét, xã Hoài Châu là một trong những xã của huyện thực hiện rất tốt Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14.5.2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
THU HÀ