Những chuyến tàu không Tết
Trừ những tháng ngày gió nhiều bão nổi, những người gắn bó với con tàu đều không không rời mặt biển. Ngay cả những ngày Tết - khoảng thời gian quý giá để gia đình sum họp, nhiều người vẫn ra khơi. Chẳng ai muốn xa gia đình, lênh đênh trên biển trong những ngày này. Nhưng, vì hai chữ “mưu sinh”, họ vẫn chấp nhận.
Đi và hỏi. Nhiều người khẳng định, đón Tết trên biển gần như chỉ có ngư dân Hoài Nhơn. Ông Trần Văn Tiện, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho hay: Tết này, “thủ phủ biển” có khoảng 350 tàu cá ra khơi mùa Tết, mỗi tàu có khoảng 7 người, tính sơ sơ đã có gần 2.500 người ăn Tết trên biển. “Chuyến biển Tết là chuyến biển đặc biệt, vất vả nhiều nhưng thường “bội thu”, nên bà con mình bao năm nay vẫn sẵn sàng ra biển khi năm hết Tết đến” - ông Tiện chia sẻ.
Ngư dân Nguyễn Minh Châu trên tàu chuẩn bị đi biển.
Chuyến biển đặc biệt
Bữa cơm tất niên sớm của ngư dân Nguyễn Minh Châu (41 tuổi, chủ tàu BĐ 06707 TS) kết hợp với buổi họp mặt gia đình trước khi anh đi biển được tổ chức ở Cảng cá Quy Nhơn. Từ thôn Kim Giao Nam (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn), chị Ngô Thị Thảo vào Quy Nhơn chuẩn bị lương thực cho chồng đi biển. Bên bữa cơm cuối năm cùng vợ và những người bạn đi biển, anh Châu tâm sự: “Mấy ngày rồi thời tiết xấu đã làm gián đoạn các chuyến biển. Năm nay xuất bến muộn, nên cũng hơi lo, phải làm sao để không lỗ”.
Theo anh Châu, do vật giá ngày Tết tăng nên chi phí chuyến biển cuối năm thường cao hơn khoảng 20% so với ngày thường, nhưng ngư dân vẫn chấp nhận để ra khơi. Chi phí chuyến biển cao một phần còn do chủ tàu sắm sửa thịnh soạn hơn để ngư dân ăn Tết trên biển. Ngoài nước ngọt, rau, thịt, gạo, mắm, thuốc lá còn có cả bánh chưng, bia, vài ba con gà. “Nếu như trung bình chi phí chuyến biển ngày thường khoảng 120 triệu đồng thì giáp Tết tăng lên hơn 150 triệu đồng, nhưng bù lại giá cá thu hoạch được sau Tết sẽ cao hơn ngày thường” - anh Châu cho hay.
Đã 5 cái Tết trôi qua, Nguyễn Đình Duy không được ở bên gia đình trong thời khắc thiêng liêng của năm mới.
Sau bữa cơm tất niên, ngư dân Châu vội vã tranh thủ lúc nước lớn để chuẩn bị đi biển. Anh dùng một loại nước thuốc truyền thống của dân biển để rửa tàu lấy may. Một tàu khác mang số hiệu BĐ 96407 TS của ngư dân La Thanh Long (32 tuổi, ở thôn Trường Xuân, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) cũng chuẩn bị cúng biển trước khi xuất bến. Hầu hết ngư dân đều chuẩn bị bữa cơm cúng biển rất thịnh soạn. Họ tin rằng với lòng thành, biển sẽ mang đến may mắn và cho ngư dân thuận buồm xuôi gió, được mùa đánh bắt ngoài khơi.
Theo nhiều ngư dân, sở dĩ phải làm xuyên Tết vì vào thời điểm này, luồng cá từ ngoài khơi bắt đầu có nhiều. Đặc biệt, thời điểm giáp Tết, cá chuồn bay dày đặc ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Bình thường, một mẻ lưới ngư dân bắt được từ 2 đến 3 tạ cá, nhưng dịp này có thể được cả tấn. Hơn nữa, những tháng trước Tết, biển miền Trung thường có bão nên tàu thuyền phải nằm bờ.
Những người ngư dân trên tàu BĐ 06707 TS sẵn sàng ra khơi.
Ra khơi cuối năm, về bến đầu năm mới nên chuyến biển này luôn có ý nghĩa đặc biệt trong quan niệm của người dân làng biển. Trở về an toàn, tàu đầy cá thì cả năm sẽ thuận buồm xuôi gió, bội thu. Anh Châu cho biết: “Những năm trước, việc tìm lao động ra khơi dịp Tết rất khó khăn dù trả công cao hơn nhiều so với ngày thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không chỉ ngư dân mà những người làm nông cũng đăng ký ra khơi đón Tết. Nhờ vậy nên những chủ tàu như chúng tôi cũng rất vui”.
Cũng là cái nghiệp
Những chuyến đi biển vào mùa Tết thường bắt đầu từ ngày 17 đến 21 tháng Chạp. Ngư dân tính thời gian đi biển bằng một lần trăng (một tháng). Cứ sau Rằm họ nổ máy ra khơi, khi thấy trăng tròn ngoài biển là trở về bờ, nghỉ ngơi dăm bảy ngày lại tiếp tục ra khơi. Cả năm họ cứ lênh đênh ngoài biển với những chuyến đánh bắt như vậy. Ngư dân Đặng Văn Nhựt (40 tuổi, bạn biển đi trên tàu BĐ 96956 TS), tâm sự: “Cả năm chỉ có 3 ngày Tết, chẳng ai muốn xa gia đình nhưng những người làm nghề biển phải chấp nhận. Mình đi biển, gắn bó với biển, có lẽ đón Tết cùng biển cũng là cái nghiệp”.
Anh Triều Anh Giới chuẩn bị thực phẩm cho chuyến biển đầu năm.
Tất bật đưa lương thực, thực phẩm xuống hầm để chuẩn bị giong buồm ra khơi, anh Triều Anh Giới (32 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc) tâm sự: “Ai chẳng muốn ở nhà ăn Tết cùng gia đình, nhưng có sống với nghề mới hiểu, biển quan trọng ra sao với mình. Mỗi chuyến đi biển ngày Tết nếu gặp may ngư dân có thể thu về từ 4 đến 8 triệu đồng. Nhưng thời điểm cận Tết thường sóng lớn, đi biển vất vả hơn nên cũng có khi tàu về chỉ đủ tiền lương thực, dầu, nước đá làm hầm đông lạnh. Vì vậy mà chúng tôi có khi cũng chỉ được vài triệu đồng thôi”.
Ngồi trò chuyện, chủ tàu BĐ 96956 TS Phan Thanh Tòng (51 tuổi, ở thôn Nhuận An Đông, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), cho biết: “Quyết định cho thuyền ra khơi khi chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết tôi và các bạn đều buồn, khi không được ở cùng gia đình mà phải đón Tết trên biển lớn. Vào đêm giao thừa, sau khi tổ chức buổi lễ mừng năm mới, vừa rời chén rượu mừng là anh em buông câu liền. Bởi ai cũng muốn sớm về cùng gia đình dù đã muộn. Có nhiều chàng trai chưa vợ lần đầu tiên ăn Tết trên biển cứ ngơ ngác như con tàu lạc hướng. Những lúc như vậy, nhờ sự động viên của anh em nên nỗi nhớ cũng nguôi ngoai”.
Những chuyến tàu mở biển cuối năm đều hành lễ khai vụ. Trong đêm giao thừa, các tàu đang khai thác trên biển bày biện mâm cỗ ngay trên boong tàu để cúng. Đối với ngư dân, những người sống dựa vào biển, lễ khai vụ luôn được hành lễ trang nghiêm. “Một năm có được mùa, có an toàn với sóng nước hay không là tùy thuộc vào sự thành tâm của những người tham gia lễ cúng khai vụ” - ông Tòng tâm niệm.
Và những khoảng lặng
Trong những ngư dân chúng tôi được gặp trong lúc chuẩn bị ra khơi mùa Tết, ấn tượng nhất là anh Nguyễn Đình Duy, ở xã Hoài Hải. Từ năm 14 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Duy đã xin lên tàu đi biển. Những năm đầu vì còn nhỏ, sức yếu nên Duy làm “em nuôi”, chuyên nấu cơm, phơi cá, mực giúp người lớn. Nghề biển cứ lớn dần trong cậu trai làng biển theo năm tháng.
Tết này, Duy tròn 20 tuổi, đã là chàng trai sạm nắng, đã là ngư dân thạo nghề. Thế nhưng, đằng sau vẻ rắn rỏi ấy vẫn có chút yếu đuối, khi Duy kể về 5 cái Tết ngoài biển: “Tết ngoài biển bần thần dữ lắm. Nhớ gia đình, nhớ bữa cơm Tết, nhớ bạn gái nhiều mà bốn bề chỉ thấy biển, nhìn đâu cũng chỉ thấy sóng. Cũng vì cuộc sống chứ có ai muốn xa quê vào ngày Tết đâu? Nhớ thì rất nhớ nhưng công việc nặng nhọc rồi cũng làm mình nguôi ngoai. Anh em bạn đi biển chỉ đón giao thừa xong lại tiếp tục thả câu, quăng lưới. Đời đi biển là vậy”.
Còn chị Thảo, sau khi chia tay chồng đi biển cũng nhanh chóng bắt xe về quê sắm sửa chuẩn bị đón Tết. Chị đã quen với những cái Tết vắng chồng. Chuyện mua sắm trong nhà cho dịp Tết đối với người vợ như chị không nhiều, chỉ vừa đủ cho bàn thờ tổ tiên, cho những bữa cơm giản đơn thiếu vắng người chồng người cha. Những người phụ nữ như chị trở thành trụ cột gia đình vào mỗi dịp xuân về Tết đến. Chị mở lòng: “Dần dà, có sự thay đổi ở các làng biển là ngư dân ăn Tết tiết kiệm hơn, chỉ gói gọn ở việc mua những bộ quần áo mới cho trẻ con, sắm sửa thức ăn ngày Tết, còn lại đều dồn tiền để lo cho chi phí chuyến biển”.
Năm nay, chị Hồ Cẩm Lệ (38 tuổi, vợ anh Giới) lại đón Tết với đứa con trai mới lên 4 tuổi. Và trong chị vẫn len lén nỗi buồn. “Mấy năm nay, đêm giao thừa năm nào cũng không có ảnh. Ở nhà chỉ có hai mẹ con nên buồn lắm, nhưng biết làm sao được, nghề nào nghiệp nấy mà. Nhưng tôi nghĩ, sao bì được với những người vợ lính. Ảnh đi biển một tháng về một lần, những người vợ lính xa chồng hàng năm trời, mà vẫn phải cố chịu đựng”, chị Lệ tâm sự.
Một mùa xuân mới lại về với ngư dân vùng biển Hoài Nhơn. Một luồng sinh khí mới đang len lỏi trong từng ngôi nhà, trong mỗi con người. Gió đã lặng dần, sóng biển hiền hòa hơn. Trên những con đường nông thôn mới được xây dựng, không khí xuân giăng đầy các ngõ xóm. Dù vẫn còn đó những khó khăn, bộn bề, nhưng chúng tôi vừa cảm thấy ấm áp vừa xốn xang khi nhìn những cành mai mua sớm của những người vợ có chồng ăn Tết trên biển. Và dù những ngư dân đang băng băng rẽ sóng lênh đênh ngoài khơi xa nhưng Tết với họ rất gần, bởi họ luôn mang theo tình cảm ấm áp, mong ngóng người thân trở về với tôm cá đầy tàu của vợ con ở quê nhà.
BÌNH PHƯƠNG - PHONG NGUYÊN