Người Thái đón Tết trên miền đất Võ
Đến mảnh đất Vân Canh từ những năm thập niên 80, giờ đây khoảng 30 hộ người đồng bào Thái (chủ yếu ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) với hơn 100 nhân khẩu đang sống rải rác tại hai xã Canh Thuận, Canh Vinh và thị trấn Vân Canh đã dần ổn định cuộc sống. Tết này, họ lại sum vầy bên nhau để đón một cái Tết chu đáo, ấm no, sung túc hơn trên vùng “đất lạ thành quen”…
Anh Trần Đức Nam vừa đi chợ mua đồ chuẩn bị Tết.
Cuối tháng Chạp, chúng tôi vừa đến gia đình anh Trần Đức Nam (46 tuổi, người dân tộc Thái, hiện sống ở làng Hà Lũy, xã Canh Thuận). Vừa gặp ngoài cổng ngõ, anh Nam vội cười khoe: “Nhà mình mới mua con heo rừng gần 20 kg để ăn trong dịp Tết này đấy”.
Gia đình anh Nam quây quần bên ấm trà nóng vào dịp cuối năm.
Dứt lời, anh vồn vã mời chúng tôi vào ngôi nhà sàn có đầy đủ con cháu đang ngồi sum họp, quây quần bên ấm trà nóng vào dịp cuối năm. Người đàn ông đến từ xã Cổ Lũng (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) bắt đầu kể: Đến đây định cư từ năm 14 tuổi, mình cùng gia đình đã đón hơn 30 cái Tết trên vùng đất mới rồi. Đây là mảnh đất tốt, nghĩa tình lắm. Nhớ lúc trước, nhà mình còn khó khăn, thiếu cái ăn cái mặc nhưng nhờ sự giúp đỡ của người địa phương, rồi được Đảng và Nhà nước cho đất để sản xuất, cuộc sống gia đình mình dần ổn định. Từ nhiều năm nay, nhà mình đã có cái ăn cái mặc đầy đủ, đón cái tết no ấm rồi. Tết này, mình sẽ mua thêm nhiều bò, gà, heo để gia đình thêm vui vì năm vừa rồi thời tiết thuận lợi, ít thiên tai, mùa màng tốt. Chưa kể, mình có thêm một đứa cháu nội trong năm nay, vui lắm. Giờ mình đã lên chức ông với ba đứa cháu nội, ngoại rồi.
Anh Trần Đình Việt vui khi mua được Tivi mới lúc cận Tết.
Sau khi định cư tại làng Hà Lũy, xã Canh Thuận, anh Trần Đình Việt về lại quê nhà ở Thanh Hóa để cưới vợ cũng là người Thái, rồi hai vợ chồng lại dắt díu nhau vào miền đất Võ làm ăn. Sau nhiều năm làm ăn, tích cóp, đến nay vợ chồng anh đã xây được ngôi nhà kiên cố. Anh Việt chia sẻ: “Gần Tết, nhà mình vừa mua được cái tivi to và đẹp lắm. Vui lắm! Giờ mình đang làm mâm cơm cúng ông bà. Mong sao năm nào cũng làm ăn tốt như vậy”.
Khác với anh Nam, anh Việt, bà Lương Thị Hiếm (75 tuổi, đang sống ở làng Hà Lũy) lại có niềm vui đón Tết rất khác. Ấy là được dệt vải, may quần áo, may khăn đóng theo trang phục của người Thái. Bà Hiếm tâm tình: Từ đất Bắc, gia đình tôi vào đây lập nghiệp và xem như quê hương của thứ hai của mình. Hành trang của mỗi người Thái mang theo không chỉ trang phục, vật dụng cần thiết mà còn là những tinh hoa văn hóa dân tộc cổ truyền. Do đó, để giữ gìn, lưu lại bản sắc truyền thống của người đồng bào Thái, chúng tôi thường tổ chức các các hoạt động văn hóa như nhảy sạp, dựng cây nêu chơi trò ném còn…trong các dịp lễ, Tết và những dịp sinh hoạt cộng đồng. Đây là cách gắn kết người dân tộc Thái lại với nhau, và cũng là cách để giao lưu, thắt chặt nghĩa tình với người bản xứ.
Có thể, niềm vui đón Tết của mỗi người Thái khác nhau nhưng chung quy lại, mảnh đất Vân Canh đã cho họ một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn, ấm no hơn. Không khí Tết cũng đang lan tỏa đến nhiều người đồng bào Thái đang sinh sống trên miền đất Võ.
PHÚC LỘC