Để có một bộ máy tinh giản, hiệu quả
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy về giải pháp để có một bộ máy tinh giản, hiệu quả.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng chất vấn: "Nhà nước đã nhiều lần chủ trương thực hiện tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức; nhưng biên chế không những không giảm mà càng ngày càng phình to. Đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân của tình trạng này là gì? Thủ tướng và Chính phủ nói chung có trách nhiệm gì? Theo Thủ tướng cần áp dụng những giải pháp như thế nào để có một bộ máy tinh giản, hiệu quả?"
Trả lời chất vấn đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng và đạt một số kết quả. Đã có trên 69 nghìn người (69.269 cán bộ, công chức, viên chức) ra khỏi biên chế theo các chính sách nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc, chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP.
Tuy vậy, biên chế cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên (không kể Công an, Quân đội) tăng từ 346.379 năm 2007 lên 396.371 năm 2014 (tăng 49.992 người, tỷ lệ 14,43%). Nguyên nhân chủ yếu là do bổ sung chức năng nhiệm vụ, thành lập mới tổ chức để tăng cường quản lý nhà nước ở một số ngành, lĩnh vực và chia tách đơn vị hành chính.
Nếu chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước thì tăng từ 238.668 năm 2007 lên 275.620 năm 2014 (tăng 36.952 người, tỷ lệ 15,48%).
Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay là trên 1,2 triệu người. Trong đó: Cán bộ cấp xã trên 145 nghìn người (bình quân 13 người/xã); công chức là 111,5 nghìn người (bình quân 10 người/xã); người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 229,6 nghìn người (bình quân 20,3 người/xã); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là gần 730 nghìn người (bình quân 66 người/xã).
Biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, từ 1,63 triệu người năm 2010 lên 2,31 triệu người năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu là do thành lập mới, nâng cấp các đơn vị sự nghiệp công đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc quản lý biên chế chưa chặt chẽ.
Viên chức 2.312.690 người, trong đó biên chế sự nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tăng từ 1.490.544 người năm 2007 lên 2.073.434 người năm 2014 (tăng 582.890 người, tỷ lệ 39,11%); biên chế sự nghiệp do các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn tự quyết định là 239.256 người.
Đã xây dựng, trình Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai Đề án này sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận 63-KL/TW, cơ bản không tăng tổng biên chế cho đến hết năm 2016, trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc phát sinh nhiệm vụ mới; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Đồng thời đẩy mạnh thực hiện đề án xác định vị trí việc làm, xác định biên chế và tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Có phương án xử lý phù hợp đối với các cơ quan, đơn vị có biên chế vượt quy định. Sắp xếp tổ chức lại bộ máy các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Quản lý chặt chẽ việc thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế sự nghiệp. Tập trung đổi mới cơ chế hoạt động, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hoá, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy công chức cấp xã theo hướng quy định số lượng phù hợp, tăng cường kiêm nhiệm, khoán phụ cấp, khuyến khích hình thức tự quản, bảo đảm ổn định hệ thống chính trị cơ sở.
Theo Chinhphu.vn