Thú chơi gỗ mỹ nghệ
Những gốc cây, những khúc nu trước đây chỉ là đồ bỏ, vứt đâu đó nơi góc sân hay chuẩn bị cho vào lò lửa nấu bánh chưng, bánh tét, vậy mà nay bỗng hóa thân thành những sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Và cùng với đó, ra đời một thú chơi: đồ gỗ mỹ nghệ từ những vật dụng tưởng chừng bỏ đi ấy…
Cà phê Mỹ Nghệ (số 11 Võ Xán, TP Quy Nhơn) thoạt trông bình thường như bao quán cà phê khác. Chỉ một điều đặc biệt, đây là nơi gặp gỡ, giao lưu và trao đổi của những người yêu đồ gỗ mỹ nghệ. Chủ nhân của quán, ông Võ Văn Nhựt sang lại và mở quán cũng với một dụng ý như vậy. “Bán cà phê thì chỉ mong hòa vốn, nhưng cái chính là có chỗ cho anh em gặp và trao đổi, mình góp và nhận được những câu chuyện về nghề chơi, thú chơi, ấy là lãi” - ông Nhựt nói.
Ông Nhựt kể, ông bắt đầu đến với thú sưu tập gỗ mỹ nghệ từ hơn chục năm trước. Một bên là việc kinh doanh của một hãng tàu biển, hết Quy Nhơn rồi Quảng Ngãi, Đà Nẵng… vô cùng bận rộn. Bên kia, thú chơi gỗ mỹ nghệ cho ông những phút thư giãn, vừa khiến cho con người trầm tĩnh hơn giữa cuộc sống xô bồ. “Những ngày đó, việc kinh doanh đi đây đi đó cũng tạo cơ hội cho tôi có những chuyến đi tìm tòi, “cày xới” trên vùng Tây Nguyên, sục sạo theo anh em bạn bè, nơi này có gốc cây có dáng hình đặc biệt, ở kia có món đồ rất hay, rất đẹp, là tôi tìm tới, trò chuyện, mua bán, trao đổi, rất mê... Có chút tiền lương, tiền thưởng để dành để mua đồ. Cứ vậy góp gió mà thành bão, đến giờ không biết bao nhiêu món đồ đã qua tay, còn những món giữ lại thì thành của hiếm. Chẳng như ba tấm gỗ đề ba chữ Nhân Trí Tín ấy - ông chỉ lên trên tường nhà - được đánh giá là đẹp vào loại nhứt Việt Nam về có sự cân đối tỉ lệ, rồi con tì hưu này nữa, gỗ nu lên màu đến mức này… tôi quý lắm”- ông nói.
Năm 2012, ông về hưu. Từ đó, tuy vẫn gánh bên vai việc kinh doanh để kiếm sống, nhưng ông có thêm thời gian cho niềm đam mê sưu tập gỗ mỹ nghệ. Bây giờ, không còn phải đi nhiều để tìm tòi, thay vào đó, ông bỏ thời gian lên các trang web dành cho những người chơi gỗ mỹ nghệ để tìm hiều, trao đổi. “Anh em có hàng đẹp, thấy mình là đến chào, tui có gốc cây nọ, món đồ kia… Ngược lại, mình có món gì hay, chơi cũng lâu lâu rồi, nay có anh em muốn thì trao đổi lại” - ông nói.
Thực hiện: VIẾT THỌ - HỒNG QUẢNG (Binhdinh Online)
Theo ông Nhựt, gỗ mỹ nghệ không hay cũng chẳng quý bởi giá trị gỗ thuộc nhóm 1 hay nhóm 2, dẫu rằng sản phẩm mỹ nghệ làm từ những chất gỗ này vẫn quý hơn. Cái quý nhất ở đây là giá trị nghệ thuật của sản phẩm. Đó là sự kết hợp giữa đôi mắt tinh tế của người chơi, phát hiện những vật tầm thường như gốc cây để góc sân hay chuẩn bị chụm củi cái dáng - thế đặc biệt; cộng với bàn tay tài hoa của người thợ tạo tác mà thành. “Như tác phẩm này, xét về giá trị gỗ thì đâu có gì đâu, gỗ tạp đấy, nhưng khi nên thành tác phẩm thì lại rất độc đáo, chẳng thế mà có người đã trả vài chục triệu đồng. Hay bộ ba Phúc Lộc Thọ này, xét về chất gỗ thì làm sao bằng bộ tam đa làm từ thủy tùng, nhưng lại rất được chuộng, trước hết là vẻ mặt được tạo tác rất có thần” - ông Nhựt vừa mở cho tôi những tác phẩm ông lưu trong ipad. Cứ vậy, những sản phẩm gỗ mỹ nghệ thuần túy dã thăng hoa để thành tác phẩm nghệ thuật.
Nhiều nhất trong sưu tập của ông Nhạt vẫn là những khúc nu. Nu là gỗ có vân xoăn đẹp ở bướu to của một số cây gỗ quý. Khi cây gỗ bị thương tật như sâu bệnh, sét đánh, chặt chém làm xây xước thân cây… cây sẽ sinh ra chất dinh dưỡng dồn tích để nuôi dưỡng phần bị thương tật ấy lành trở lại. Tự thân cái nhựa sống của cây dồn tích để vượt qua những nỗi đau để thành nu. Bởi thế, trước kia, nu được xem như cục bướu độc của cơ thể cây, chỉ có thể cắt bỏ và vứt đi. Nay với nghề chơi gỗ mỹ nghệ, những khúc nu được tận dụng và qua bàn tay tạo tác, thành những dáng bình đẹp mà vân sắc rất lạ.
Nghe ông Nhựt say mê kể cho tôi về sự khác biệt, giữa những đường vân của gỗ, những cái độc đáo trong chi tiết tạo tác… dẫu kiến thức về gỗ quá ư lỗ mỗ, nhưng ít ra, tôi hiểu, niuềm say mê gỗ trong ông đã tới bực nào.
Ông Nhựt nói, hiện nay, ở Quy Nhơn cũng dần có nhiều người chơi gỗ mỹ nghệ như ông, thêm đó là vài ba bạn trẻ cũng đến quán cà phê Mỹ Nghệ, nhìn gỗ và nghe ông kể, để rồi cũng tập tành chơi, ông lại thấy vui.
“Cậu cũng nên chơi gỗ đi. Ngoài cái ý nghãi phong thủy, nhìn gỗ sẽ thấy lòng mình nhẹ đi nhiều lắm những sân si. Mà những buổi chiều, chế một ấm tra, bật tí nhạc nhè nhẹ và ngồi yên ngắm gỗ, chẳng cũng sướng sao” - ấy là ông học Kim Thánh Thán mà nói với tôi vậy.
VIẾT THỌ - HỒNG QUẢNG