Khi các cường quốc ngày càng coi trọng Việt Nam
Dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế đang ngày một đậm nét khi các cường quốc ngày càng coi trọng Việt Nam. Điều này được thể hiện qua việc mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với một loạt nước lớn đang ngày càng được tăng cường và thắt chặt.
Tổng thống Nga Putin (bên trái) và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Năm 2014 chứng kiến Việt Nam tiếp tục mở rộng, củng cố mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với các cường quốc hàng đầu thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... cũng như các cường quốc khu vực như Hàn Quốc. Việc phát triển quan hệ hợp tác với một loạt các nước lớn, các nước quan trọng trên thế giới đã giúp Việt Nam tăng cường vai trò và vị thế của mình trên trường quốc tế. Và ngược lại, việc các cường quốc thế giới cũng như khu vực tìm đến, thắt chặt quan hệ với Việt Nam cũng chứng tỏ vị thế, vai trò đang ngày một gia tăng của Việt Nam trên thế giới. Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga năm 2014 tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ. Mối quan hệ này được đánh giá là đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Tháng 11 năm ngoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức đến Liên bang Nga nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ sâu đậm, bền chặt giữa Nga và Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga V.Putin đã trao đổi các biện pháp thiết thực nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, nhất là thương mại, đầu tư, khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, văn hóa, du lịch… cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong mấy năm gần đây liên tục phát triển và được cho là đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Quan hệ chính trị giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp, với độ tin cậy cao. Hai nước hiện đang triển khai hiệu quả Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga năm 2013, tiến hành Đối thoại chiến lược Ngoại giao - An ninh - Quốc phòng thường niên và tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, APEC, ARF, ASEM, ASEAN - Nga. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước liên tục có những tiến bộ đáng kể. Hai nước đã nỗ lực thúc đẩy và hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (15.12.2014), đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt-Nga, tạo cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Nga rộng lớn và các thị trường tiềm năng Belarus và Kazakhstan. Việt Nam và Nga cũng tiếp tục thúc đẩy các dự án lớn như Điện hạt nhân Ninh Thuận I, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án khai thác dầu khí khác. Hợp tác về đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, tính đến hết tháng 6/2014, Liên bang Nga có 101 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD, xếp thứ 18 trong số nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có 20 dự án đầu tư sang Liên bang Nga với tổng vốn 2,5 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư tập trung chủ yếu vào khai thác dầu khí, bất động sản, chế biến thực phẩm, may mặc, sản xuất giầy dép. Năm 2015 đánh dấu kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nga (30.1.1950 – 30.1.2015). Đại biện lâm thời Liên bang Nga tại Việt Nam – ông Vadim V.Bublikov đánh giá, bất chấp mọi biến động, tình hữu nghị anh em, tinh thần giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau giữa Việt Nam và Nga không hề thay đổi, quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng được tăng cường và phát triển. Năm 2014 cũng đánh dấu một bước tiến mới hết sức quan trọng trong quan hệ Việt-Nhật. Đó là, hai nước đã nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3/2014. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Nhật Bản. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói rằng dẫu không cận kề về địa lý, nhưng sự tương đồng về văn hóa và những liên hệ lịch sử là chất keo tự nhiên gắn kết hai dân tộc, là nền tảng vững bền cho sự phát triển của quan hệ giữa hai đất nước. Nhật Bản đã trở thành đối tác hàng đầu và quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Với những lợi thế so sánh quan trọng như vị trí địa-chiến lược thuận lợi, chính trị-xã hội ổn định, lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu dân số “vàng” và giá nhân công hợp lý, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là điểm đến quan trọng, lâu dài của các nhà đầu tư Nhật Bản. Nhiều thương hiệu nổi tiếng như Honda, Toyota, Sony, Hitachi và nhiều công ty Nhật Bản khác đã trở nên quen thuộc, gắn chặt với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam. Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) quý báu của Nhật Bản đã được Việt Nam sử dụng rất hiệu quả. Nhiều công trình quan trọng, phục vụ thiết thực đời sống của người dân Việt Nam như hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, nhà máy, các cảng biển và hàng không… đã trở thành biểu tượng đẹp của sự hợp tác, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước. Nhật Bản tiếp tục cam kết cung cấp ODA cho Việt Nam ở mức cao đồng thời tích cực thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và nông nghiệp (như dự án trồng rau xanh tại Đà Lạt, hợp tác đánh bắt cá ngừ với tỉnh Bình Định...). Quan hệ gắn bó khăng khít giữa Việt Nam và Nhật Bản còn được thể hiện qua việc chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam. Trong quan hệ với Trung Quốc, mặc dù tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn chủ động duy trì, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (kim ngạch thương mại song phương tính đến tháng 11/2014 là 53,41 tỷ USD). Ngành Ngoại giao cũng đã cùng các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư giảm thiểu các tác động không thuận của diễn biến phức tạp triên biển Đông. Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng vừa chứng kiến một năm phát triển hết sức tốt đẹp trên mọi mặt, từ kinh tế, thương mại đến văn hóa, giáo dục, quân sự. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (dự kiến vượt 30 tỷ trong năm 2014). Mỹ là quốc gia đứng thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với 712 dự án và tổng vốn đầu tư khoảng 10,92 tỷ USD. Tính đến hết tháng 11/2014, Mỹ đã đầu tư 29 dự án mới và 9 dự án tăng vốn với tổng vốn đạt 248 triệu USD. Trong lĩnh vực quốc phòng, hai nước đã thúc đẩy hợp tác cảnh sát biển, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, vào cuối năm 2014, Washington tuyên bố bỏ một phần lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Đây là những kết quả đáng khích lệ để Việt Nam và Mỹ bước vào một năm đầy ý nghĩa khi hai nước đánh dấu 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Với Liên minh Châu Âu (EU), Việt Nam đã tích cực tham gia, thúc đẩy đàm phán, phê chuẩn các thỏa thuận hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư quan trọng với EU. Hiệp định FTA Việt Nam-EU (EVFTA) đã trải qua 10 vòng đàm phán với nhiều tiến triển và hai bên nhất trí nỗ lực kết thúc đàm phán trong năm 2015. Đến tháng 12/2014, đã có 17/28 thành viên EU phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA). Đặc biệt, EU tiếp tục cam kết viện không hoàn lại cho Việt Nam 400 triệu Euro trong giai đoạn 2014-2020, tăng 30% so với giai đoạn 2007-2014. Với Hàn Quốc, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Hàn được củng cố một bước; hai nước cơ bản kết thúc đàm phán FTA và dự kiến ký kết trong năm 2015. Hàn Quốc tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Năm 2014 cũng chứng kiến quan hệ đối tác chiến lược Việt-Ấn trở nên sâu sắc hơn. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đến nay, hai nước đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau. Quan hệ đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc và dự kiến tăng nhanh trong thời gian tới khi Tập đoàn TATA thực hiện dự án Nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng. Hiện Ấn Độ có 73 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 273 triệu USD (tính đến tháng 5/2014) . Quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng là một trụ cột của mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Quan hệ quốc phòng hai nước được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực như trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, hợp tác trong công nghiệp quốc phòng…và trong cả ba quân binh chủng: hải quân, lục quân và không quân.
Theo Kiệt Linh (VnMedia)