Phong trào TDÐKXDÐSVH:
Nhiều hạn chế cần được khắc phục
3 năm gần đây, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDÐKXDÐSVH) trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển với số lượng các danh hiệu văn hóa được công nhận ngày càng nhiều. Tuy nhiên, chất lượng phong trào vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục.
Số lượng danh hiệu công nhận nhiều
Nhìn vào số liệu thống kê trong 3 năm qua (2010-2012), có thể thấy sự phát triển chung của phong trào TDĐKXDĐSVH qua số lượng các danh hiệu văn hóa được công nhận.
Năm 2010, toàn tỉnh có 314.094 hộ được công nhận gia đình văn hóa (chiếm 88,46%); 493 làng, khu phố, thôn được công nhận danh hiệu văn hóa (chiếm 43,12%); 793 đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa (chiếm 53,54%). Năm 2011, toàn tỉnh có 321.839 hộ được công nhận gia đình văn hóa (chiếm 90,09%); 504 làng, khu phố, thôn được công nhận danh hiệu văn hóa (chiếm 44,95%,); 811 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (chiếm 56,07%). Năm 2012, toàn tỉnh có 330.402 hộ được công nhận gia đình văn hóa (chiếm 89,77%); 614 làng, khu phố, thôn được công nhận danh hiệu văn hóa (chiếm 54,82%); 864 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (chiếm 58,85%).
Một số địa phương trong tỉnh đã giữ vững được sự ổn định phát triển phong trào TDĐKXDĐSVH cả về số lượng lẫn chất lượng. Tiêu biểu trong số này là TP Quy Nhơn, trong năm 2012 có 56.724/61.820 hộ được công nhận gia đình văn hóa; 90/151 khu phố, thôn được công nhận danh hiệu văn hóa, trong đó có 13 khu phố văn hóa cấp tỉnh; 93/175 cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa.
Chất lượng còn hạn chế
Tại Hội nghị sơ kết phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2012 và triển khai công tác năm 2013 vừa được UBND tỉnh tổ chức, một số khuyết điểm, yếu kém vẫn còn tồn tại gây ảnh hưởng đến chất lượng phong trào đã được nêu ra.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, đánh giá: “Việc tổ chức lồng ghép các nội dung phong trào với phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động khác tuy có tổ chức thực hiện nhưng chưa được vận dụng một cách linh hoạt và phát huy hiệu quả trong mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Sự chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền ở một số địa phương chưa thường xuyên. Kinh phí cấp cho các hoạt động phong trào còn nhiều hạn chế. Rất nhiều địa phương chưa hợp nhất, kiện toàn ban chỉ đạo kịp thời, thiếu sự phân công và phối hợp thực hiện. Việc tổ chức chấm điểm, đánh giá kết quả, bình xét phong trào ở một số địa phương chưa thực hiện tốt, dẫn đến các hoạt động và chất lượng phong trào kém”.
Để góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, một số đại biểu dự hội nghị đã đưa ra những kiến nghị cụ thể. Ông Đỗ Văn Lợt, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, đề nghị: “UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh và các cơ quan liên quan cần thống nhất chỉ đạo triển khai thực hiện các thông tư của Bộ VH-TT&DL về tổ chức và tiêu chí hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh phải kịp thời hơn, để địa phương chủ động trong công tác triển khai thực hiện. Đặc biệt, cần có hướng dẫn thống nhất về việc bố trí kinh phí hoạt động cho Ban chỉ đạo phong trào cấp huyện và xã”.
Năm 2010, 36 địa phương trong tỉnh đã tiến hành phát động xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa, kết quả, có 4 xã văn hóa đã được công nhận. Đến năm 2012, toàn tỉnh đã có đến 47 địa phương phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Hiện có 10 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa. Tuy nhiên, việc xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới đang đối mặt với những khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, kiến nghị: “Cần xem xét lại tiêu chí 50% làng, thôn trở lên chưa được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa, thôn văn hóa liên tục từ 5 năm trở lên theo Quyết định số 17/2012 của UBND tỉnh. Đây là yêu cầu quá cao, các xã đang trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới đều không thể đáp ứng đầy đủ các nội dung của tiêu chí này”.
HOÀI THU