50 năm - vang mãi những chiến công
Mùng năm tháng Giêng (23.2) tại di tích Đèo Nhông - Dương Liễu (huyện Phù Mỹ) và Đồi 10 (huyện Hoài Nhơn) diễn ra Lễ hội kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu và 50 năm Chiến thắng Đồi 10. Nhân dịp này, Báo Bình Định xin giới thiệu đôi nét về hai chiến công vang dội này cách đây 50 năm.
Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu
Đèo Nhông là đoạn đèo dài khoảng 6km, trải dài từ dốc Mù U phía bắc đến dốc Me ở phía Nam, chạy qua hai dãy núi chóp Vung và núi Nùng nối liền vùng núi phía Đông và phía Tây của huyện Phù Mỹ.
Tại khu vực này, 50 năm trước, ngày 8.2.1965, Trung đoàn 2 bộ đội chủ lực quân Khu V phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích huyện Phù Mỹ đã phục kích tiêu diệt 2 tiểu đoàn bộ binh của ngụy, một chiến đoàn xe bọc thép, thu nhiều vũ khí và phương tiện quân sự.
Sự kiện diễn ra trên khu Đèo Nhông - Dương Liễu vào giai đoạn của Chiến tranh Đặc biệt (1965), khi Đế quốc Mỹ đổ quân viễn chinh và chư hầu can dự trực tiếp vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Chiến trường Bình Định trở thành mục tiêu chính trong việc đánh phá vào các căn cứ của ta, Sư đoàn Kỵ binh bay - một sư đoàn thiện chiến của Mỹ - đảm nhận nhiệm vụ đánh chiếm, càn quét vào căn cứ của ta. Cuối tháng 12.1964, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V quyết định tập trung lực lượng mở đợt tấn công nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực địch ở địa phương, phát động phong trào quần chúng nổi dậy ở nông thôn, phá “ấp chiến lược” làm phá sản kế hoạch “bình định” của địch.
Mùa xuân 1965, nắm được tình hình địch bố trí một lực lượng lớn bộ binh và thiết giáp tái chiếm đồn Dương Liễu. Con đường đến Dương Liễu phải đi qua Đèo Nhông. Bộ Tư lệnh Quân khu V chỉ đạo Trung đoàn 2 vạch phương án tác chiến, phục kích đánh úp địch tại Đèo Nhông.
Dựa vào địa hình khu vực Đèo Nhông đồi núi nhấp nhô, rừng cây rậm rạp, hiểm trở, lực lượng của ta bố trí một tiểu đoàn cơ động diệt xe tăng ở phía trước đỉnh đèo, đào hệ thống công sự đề phòng địch cho máy bay ném bom. Yểm trợ cho bộ đội chủ lực là hai cánh quân thuộc bộ đội địa phương ở Vân Tường và Diêm Tiêu làm nhiệm vụ chi viện.
Đúng như dự đoán, sau hai ngày thăm dò, ngày mùng năm Tết, địch cho 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 41 cùng 1 chi đội xe bọc thép M113, có cả pháo binh và máy bay chiến đấu yểm trợ theo đường số 1A từ quận lỵ Phù Mỹ tiến ra Dương Liễu nhằm giải tỏa, tái chiếm cứ điểm. Trên đường kéo quân đến Đèo Nhông, dù địch đã trinh sát kỹ, cho ném bom và bắn phá ác liệt dọc hai bên đường nhưng vẫn không phát hiện được lực lượng phục kích của ta. Trong khi đó bom, pháo của địch bắn phá liên tục dọc đường, đơn vị Trung đoàn 2 (đơn vị chủ lực), phối hợp với đại đội 72 bộ đội địa phương tỉnh, vẫn bình tĩnh chờ lệnh xuất kích. Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, khi xe và bộ binh địch đi đầu chạm trán sát tuyến phục kích của ta tại Đèo Nhông, lực lượng của ta đã nhanh chóng khép kín vòng vây bằng cách khóa đuôi tại Đá Dốc (Diêm Tiêu) và toàn bộ lực lượng của địch đều nằm gọn trong đội hình phục kích và bị tấn công. Từ trên các cao điểm, hỏa lực của ta cấp tốc nhả đạn vào đúng đội hình trung tâm của đối phương.
Trận đánh diễn ra quyết liệt, cho đến 17 giờ chiều cùng ngày, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn lực lượng ứng cứu của địch. Kết quả, ta đã tiêu diệt và bắt 858 tên, bắn cháy 10 chiếc xe bọc thép M113, thu 391 khẩu súng các loại.
Chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu đã góp phần cùng quân, dân Khu V và miền Nam làm phá sản hoàn toàn chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Đế quốc Mỹ. Chiến thắng này không chỉ đã đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang Quân khu V, đánh bại địch trong công sự phòng ngự mà còn có thể đánh vận động tiêu diệt địch ngoài công sự, bẻ gãy chiến lược “trực thăng vận, thiết xa vận” của địch.
Chiến thắng Đồi 10
Đồi 10 (nay thuộc xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) là ngọn đồi cao khoảng 36 m, rộng 7,2 km2, nằm gần kề Quốc lộ 1A.
Đồi 10 có một vị trí chiến lược khá quan trọng. Chiếm được Đồi 10, địch có thể khống chế cả một phạm vi rộng lớn từ Bắc Tam Quan, Hoài Sơn, Hoài Châu và cửa biển Tam Quan, quan trọng nhất là khống chế trục lộ giao thông quốc lộ số 1A - con đường huyết mạch Bắc - Nam.
Do đó, địch rất chú tâm xây dựng chốt điểm này thành khu vực bất khả xâm phạm. Chúng bố trí tại đỉnh đồi 1 đại đội gồm 3 khẩu pháo 105 ly, lực lượng chốt đóng gồm 2 đại đội Bảo an được trang bị vũ khí hỏa lực mạnh. Để bảo vệ cho sự an toàn của cứ điểm, trên đỉnh và xung quanh khu đồi là hệ thống công sự, lô cốt rất kiên cố, xung quanh chân đồi có hệ thống rào kẽm gai dày đặt, đường vào chốt điểm chỉ có một con đường độc đạo duy nhất. Vì thế, Đồi 10 được xem là lá chắn bảo vệ cho chi khu quận lỵ Tam Quan, quan trọng hơn còn là vị trí giữ mặt phía Bắc của tỉnh Bình Định, ranh giới giữa vùng 1 và vùng 2 chiến thuật của địch.
Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V chủ trương mở Chiến dịch Xuân 1965 nhằm tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực địch, phá kế hoạch “dồn dân”, lập “ấp chiến lược” của địch, giành quyền làm chủ ở các vùng nông thôn, nhanh chóng phát triển thế và lực, chuẩn bị cho những đợt hoạt động tiếp theo. Bộ Tư lệnh Quân khu V tập trung hai tiểu đoàn Đặc công cơ động 407 và 409 Quân khu V vào địa bàn trọng điểm này. Mở màn cho đợt hoạt động mùa xuân 1965 trên chiến trường Bình Định là trận tập kích cứ điểm Đồi 10 vào đêm ngày 6 rạng ngày 7.2.1965.
Sau khi nắm vững các điểm phòng ngự của địch, quân chủ lực khu V phối hợp với bộ đội địa phương Hoài Nhơn, bất ngờ tập kích cứ điểm Đồi 10, chỉ trong một thời gian ngắn, tiêu diệt 2 đại đội Bảo an, cùng toàn bộ ngụy quyền, ác ôn của 2 xã Hoài Châu và Hoài Sơn.
Do Đồi 10 là vị trí quan trọng, nên sau 50 ngày đêm bị thất thủ, đầu tháng 5.1965, địch huy động lực lượng phản công để chiếm lại, Đồi 10 trở thành nơi giằng co quyết liệt giữa ta và địch trong một thời gian dài. Quân ta tiếp tục khống chế bao vây, trong thế bị cô lập, đầu tháng 6.1965 địch rút khỏi cứ điểm này.
Bước sang năm 1966, năm đầu của Chiến tranh cục bộ, Mỹ đưa quân viễn chinh và chư hầu ồ ạt vào tham chiến trên chiến trường miền Nam. Chốt điểm Đồi 10 lúc này do đại đội 71 tiểu đoàn 7 và một số bộ đội địa phương huyện Hoài Nhơn chốt giữ. Vào ngày 28.1.1966, sau khi cho máy bay B52 rải thảm, địch bắt đầu tấn công đánh chiếm Đồi 10. Cuộc chiến không cân sức, địch được hỗ trợ hỏa lực cùng với xe thiết giáp quyết chiếm bằng được Đồi 10. Quân ta chiến đấu trong tình thế không được tiếp viện, đạn dược không còn, phải đánh giáp lá cà với địch ngoài công sự.
Sau hai ngày quần nhau với địch, các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, chỉ còn lại một tổ ba người. Địch tràn lên hòng bắt sống. Không để vũ khí rơi vào tay giặc, Phạm Ngọc Yểng cùng hai chiến sĩ còn lại bất ngờ bật dậy tay nắm chắc hai quả lựu đạn hát vang bài ca cách mạng “Giải phóng miền Nam” rồi anh dũng hy sinh. Khí phách hiên ngang trước kẻ thù của các chiến sĩ giải phóng đã làm bọn địch cảm phục và khiếp sợ.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, phối hợp với lực lượng vũ trang đội quân tóc dài xã Hoài Châu tiếp tục đấu tranh kéo đến bao vây Đồi 10. Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều trận đánh tại Đồi 10 vẫn luôn tiếp diễn. Trong chiến dịch xuân 1975, Đồi 10 bị lực lượng ta bao vây. Trước sức ép của ta ngày 25.3.1975 địch rút khỏi Đồi 10. Đó cũng là ngày Đồi 10 hoàn toàn sạch bóng quân thù.
Trải qua những năm tháng đầy hy sinh gian khổ, Đồi 10 đã chứng kiến biết bao những kỳ tích anh hùng. Nơi đây trở thành hình ảnh biểu trưng của lòng dũng cảm và là niềm tự hào về truyền thống cách mạng không chỉ riêng của Hoài Nhơn mà còn của cả nước.
TS. ĐINH BÁ HÒA