Nhiếp ảnh trong không gian hẹp
Lâu nay, đã có nhiều cuộc thi ảnh được tổ chức ở tỉnh ta, nhưng đề tài thường chỉ yêu cầu khai thác, tôn vinh vẻ đẹp của đất nước và con người Bình Định một cách chung chung. Vì vậy, với hai cuộc thi ảnh nghệ thuật có đề tài cụ thể, chuyên sâu hơn được tổ chức trong thời gian qua, những hạn chế trong lực lượng sáng tác nhiếp ảnh tỉnh nhà đã lộ rõ.
Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Nét đẹp người lao động” do Nhà Văn hóa Lao động tỉnh tổ chức thu hút gần 30 tác giả, với 340 tác phẩm. Các tác giả dự thi chỉ tập trung khai thác những đề tài người lao động quen thuộc như lâu nay. Số lượng tác phẩm khai thác vẻ đẹp của đối tượng công nhân, viên chức còn ít. Vẻ đẹp của “lao động trí tuệ” trong lực lượng nghệ sĩ, giảng dạy, nghiên cứu... chưa được các tác giả quan tâm khai thác. Ngay cả một vài tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi này cũng bị “lời ra tiếng vào” trong thể hiện hình ảnh người lao động.
Cuộc thi ảnh Nụ cười Bình Định do Sở VH-TT&DL phối hợp với Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, cùng một số đơn vị tổ chức. Cuộc thi tạo điều kiện cho các tác giả tập trung khai thác về “nụ cười”, có thể tìm thấy dễ dàng ở bất cứ nơi đâu trên quê hương Bình Định. Đáng nói là sau 6 tháng phát động, Ban tổ chức đã gia hạn cuộc thi lần hai, nhưng cũng chỉ có 18 tác giả trong và ngoài tỉnh gửi 219 tác phẩm tham gia. Điều này là “khó hiểu” đối với một cuộc thi có ý nghĩa quảng bá cho quê hương, giải thưởng cũng rất cao. Tuy nhiên, nhìn sâu vào vấn đề, có thể thấy chụp nụ cười thì dễ, nhưng nắm bắt được nụ cười đẹp, lại thuyết phục được đó là “nụ cười Bình Định” thì không hề đơn giản. Để làm được điều này, đòi hỏi các tác giả không chỉ tìm kiếm, ghi lại khoảnh khắc, mà còn phải nuôi dưỡng, tư duy nhiều về đề tài…
Trong lễ tổng kết trao giải Cuộc thi ảnh Nụ cười Bình Định, Ban tổ chức đã thẳng thắn nhìn nhận chất lượng ảnh tham gia cuộc thi vẫn chưa cao, không có tác phẩm xứng đáng trao giải cao nhất. Một số tác phẩm dự thi chưa sát hợp với nội dung, chủ đề của Ban tổ chức, có tác giả chỉ ghi lại những nụ cười xinh, những bức chân dung đặc tả người mẫu đẹp nhưng không gắn với không gian xung quanh để nhận biết nơi chụp và thể hiện bản sắc của người Bình Định. Thậm chí có tác phẩm không thể hiện đúng yêu cầu của cuộc thi.
Từ những cuộc thi vừa rồi, thiết nghĩ, cần có thêm nhiều cuộc thi ảnh như thế để giới nhiếp ảnh tỉnh nhà thích ứng dần và nâng cao trình độ khai thác đề tài trong “không gian hẹp”. Quan trọng hơn, tập trung được sức sáng tạo vào các mảng đề tài chuyên sâu quảng bá được bản sắc văn hóa truyền thống, hay nhịp điệu phát triển kinh tế - xã hội đang đổi thay từng ngày trên quê hương Bình Định.
MAI THƯ
Tôi cũng đồng quan điểm với tác giả bài viết Mai Thư. Ban tổ chức cuộc thi cần đa dạng hóa các chủ đề các cuộc thi dành cho các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hóa truyền thống, cảnh đẹp các vùng quê, về con người, về nhịp điệu phát triển trên quê hương Bình Định như tác giả Mai Thư đã đề cập.
Rất hoan nghênh tác giả Mai Thư đã nói rất đúng những tâm trạng của rất nhiều người yêu thích nhiếp ảnh trên toàn quốc. Khi mới bắt đầu cuộc thi ảnh Nụ cười Bình Định, chúng tôi đã thấy rất khó rồi. Chụp nụ cười phải đúng là nụ cười của người Bình Định thì chỉ có 2 cách: Nếu là chụp ở Bình Định thì phải cố ép để gắn phong cảnh nào đó thể hiện đúng đây là Bình Định; còn nếu chụp người Bình Định ở địa phương khác có lẽ phải chụp sao cho nhân vật đang cười đứng bên cạnh CMND hoặc huân huy chương có đề rõ quê quán của họ ở Bình Định. Tại sao Bình Định không tổ chức cuộc thi với những đề tài mở hơn, ví dụ như về tiềm năng du lịch, đầu tư ...? Tuy không phải quê ở Bình Định nhưng mỗi khi có dịp qua Bình Định tôi đều ghi lại những hình ảnh của Bình Định, dù chỉ thoáng qua. Một vài hình ảnh đấy đã được treo triển lãm ở nơi này nơi khác nhưng rất tiếc là những hình ảnh đấy vẫn chưa có mặt tại Bình Định.