Đi hội đầu xuân
Tháng Giêng, bước vào mùa lễ hội (LH). Kỳ diệu thay, sau những tháng ngày tất bật suốt một năm, thiên nhiên hào phóng ban cho con người những ngày tháng để được nghỉ ngơi, được sống trong không gian cộng cảm cộng đồng. LH mùa xuân khai hội trên những làng quê Việt là vậy, và hội xuân ở những làng quê Bình Định không khác.
Lễ hội Kỷ niệm 226 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa tại huyện Tây Sơn thu hút rất đông nhân dân và du khách gần xa về tham dự. Ảnh: NGUYỄN HỒNG PHÚC
Nói đến những LH xuân trên đất Bình Định xuân Ất Mùi 2015 này hẳn chúng ta sẽ nhắc ngay đến LH Kỷ niệm 226 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2015), được tổ chức vào mùng 4 và mùng 5 Tết tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Năm nay, LH này gắn với sự kiện đặc biệt đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt.
Các nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn trong huyện Tây Sơn đang thi gói bánh ít truyền thống và thuyết trình sản phẩm của mình. Ảnh: NGUYỄN HỒNG PHÚC
Sau Lễ kỷ niệm được tổ chức long trọng vào chiều mùng bốn Tết, ngày mùng bốn và mùng năm Tết, người dân khắp nơi nô nức về Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) để tham dự LH.
Chương trình LH năm nay, ngoài Hội thi gói bánh ít truyền thống và hô bài chòi dành cho 15 xã, thị trấn trong huyện; trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung còn có các hoạt động sôi nổi khác thu hút đông đảo người dân đến xem và tham gia như: Hội thi kéo co và đẩy gậy dành cho bà con Bana xã Vĩnh An, biểu diễn lân sư rồng, hô bài chòi...
Múa rồng do CLB Lân sư rồng Kì Hoàn (Quy Nhơn) biểu diễn tại Lễ hội Kỷ niệm 226 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: NGUYỄN HỒNG PHÚC
Các điểm hô bài chòi luôn thu hút đông đảo người dân đến xem và tham gia tại Kỷ niệm 226 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: NGUYỄN HỒNG PHÚC
Anh Trần Văn Cẩm (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) chia sẻ: “Nhà cách đây hơi xa nên tôi tranh thủ đến từ sáng sớm để các con được xem hết các hoạt động trong LH; phần để các cháu vui chơi, phần để chúng hiểu thêm về lịch sử dân tộc, mà cụ thể ở đây là thời Tây Sơn”.
Bên cạnh đó, cũng vào mùng năm Tết này, tại huyện Phù Mỹ và huyện Hoài Nhơn, diễn ra hai sự kiện quan trọng là Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đèo Nông - Dương Liễu và Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồi 10. Cùng với Lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể, dịp này, có rất nhiều hoạt động vui xuân khác được tổ chức như múa lân, hô bài chòi, thi đấu thể thao... góp vào không khí tưng bừng của mùa xuân, khiến người dự hội náo nức.
Người dân nô nức tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu. Ảnh: XUÂN LỘC
Biểu diễn múa lân tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu. Ảnh: XUÂN LỘC
Nhưng khai màn cho những hội xuân trên đất Bình Định chính là hội Chợ Gò (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước). Chợ Gò chỉ họp mỗi năm một phiên, vào mùng một Tết. Người ta đi chợ không chủ yếu để bán - mua mà đi chợ chính là đi hội, là xuất hành đầu năm, mong cho vạn sự như ý…
Theo câu chuyện còn lưu truyền trong dân gian thì dưới thời Cảnh Thịnh, mùa hè năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh cho quân đánh chiếm Quy Nhơn. Mùa xuân năm Canh Thìn (1800) hai dũng tướng của nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được lệnh đem ba vạn quân vào Quy Nhơn. Quân Tây Sơn trấn giữ và tiến công trên cả hai mặt trận, nhiều lần đánh lui thủy quân của địch vốn được trang bị bằng tàu thuyền và khí giới phương Tây. Trong đội quân vây thành và trấn giữ cửa biển Quy Nhơn chủ yếu là người Đàng Ngoài vào, để cổ vũ tinh thần quân sĩ nguôi đi nỗi nhớ nhà, hai võ tướng đã cho tổ chức hội vui xuân trong ba ngày Tết. Địa điểm được chọn là gò đất nằm sát núi Trường Úc bên bờ sông, địa thế đẹp, ở khoảng giữa Thị Nại lên thành Hoàng Đế, tiện cho quân sĩ cả hai nơi đến chơi hội.
Thi đấu bóng chuyền và hô bài chòi tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu góp phần mang lại không khí náo nức tưng bừng cho Lễ kỷ niệm. Ảnh: XUÂN LỘC
Ngày nay, đi hội Chợ Gò vẫn là một phong tục đẹp đầu năm của người dân quanh vùng. Đi một vòng quanh chợ, chịu một tuổi mới, với bao ước nguyện và hy vọng. Mua một vài món đồ, thường là mua trầu cau, chính là để cầu cái may mắn đầu năm. Vui nhất vẫn là những chú nhóc. Mồng một Tết, dận bộ quần áo mới tươm tất, rủng rẻng phong bao lì xì, nhập hội với bao trò vui. Bên cạnh những hàng quán bán - mua lao xao, là một chương trình hội náo nức với các trò chơi đậm chất dân gian, hội bài chòi, võ đài… Những trò vui dân gian, như hồn vía dân tộc, hãy còn hiện hình giữa không gian xuân hiện đại.
Tiếp sau những LH nói trên, dọc suốt tháng Giêng, sẽ còn nhiều LH được tổ chức trên các làng quê Bình Định. Nhiều LH khác không kém phần thú vị như hội đua thuyền trên sông Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) vào mùng hai Tết, hội vía Bà ở Nhơn Phong (huyện An Nhơn) vào hai ngày 16 và 17 tháng Giêng, lễ tổ nghề dệt Phương Danh (An Nhơn) vào 21 tháng Giêng…
Sau mỗi màn hương khói của tín ngưỡng truyền thống, mỗi hội xuân đều có văn, có nghệ, có võ, có diễn tuồng, và có thao diễn kỹ thuật cơ thể, hoặc tay không qua thi võ, kéo co, kéo gậy…
Như vậy, đi LH, vừa để được sống trong tinh thần cộng cảm cộng đồng, để dáng dấp cội nguồn không bật ra khỏi ý thức tồn tại của mình; vừa là cơ hội để được vui chơi sau những tháng ngày tất bật, miệt mài.
KHẢI NHÂN - HỒNG PHÚC