Ghi nhận từ hội nghị góp ý sửa đổi Luật Cư trú
Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Luật Cư trú (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2007), bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, một số quy định của Luật cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII tới đây, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Ðể tham gia xây dựng Luật, ngày 10.5 vừa qua, tại TP Quy Nhơn, Ðoàn Ðại biểu Quốc hội - đơn vị tỉnh Bình Ðịnh đã tổ chức Hội nghị góp ý, bổ sung, sửa đổi Luật Cư trú, dưới đây là những ghi nhận của phóng viên Báo Bình Ðịnh từ hội nghị.
Ưu điểm của Luật Cư trú là đã đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng. Tuy nhiên, cũng chính vì quy định quá “thoáng” nên công tác quản lý cư trú hiện gặp một số khó khăn.
Những “khe hở” của Luật khi đi vào đời sống
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi đến địa điểm mới nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú thì công dân phải đến đăng ký tạm trú tại CA xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, với lý do chưa hết thời hạn để đăng ký, vì thực tế nhiều người chỉ ở đến ngày thứ 28 hay 29 thì chuyển đi chỗ khác, nên công tác quản lý cư trú của cơ quan chức năng địa phương trong thời gian trên bị bỏ ngỏ, nhất là đối với những người có nhân thân không tốt.
Bên cạnh đó, tình trạng người dân có hộ khẩu thường trú nhưng thường xuyên vắng mặt tại địa phương, bán nhà đi nơi khác nhưng không cắt khẩu... gây không ít khó khăn trong công tác quản lý cũng như ngăn ngừa, phòng chống tội phạm. Trung tá Phạm Thế Sanh, Phó Trưởng CA phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn), nêu thực tế từ địa phương mình: “Có những hộ dân đã chuyển đi nơi khác cả chục năm nhưng vẫn chưa cắt hộ khẩu. Khi họ lên xin xác nhận của CA nơi cư trú, nếu không xác nhận thì gây khó cho người dân và không đúng nguyên tắc, nhưng nếu xác nhận thì cũng rất khó vì thực chất chúng tôi không hề quản lý họ”.
Luật Cư trú cũng không quy định thời hạn cấp sổ tạm trú nên có trường hợp khi người dân vừa được cấp sổ tạm trú lại di chuyển đến chỗ ở khác và lại tiếp tục được CA sở cấp sổ tạm trú, dẫn đến có khi một người “sở hữu” nhiều sổ tạm trú nếu họ thường xuyên thay đổi chỗ ở. Đây cũng chính là kẽ hở của Luật dễ khiến kẻ xấu lợi dụng để hoạt động, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng này để nhập, tách hộ khẩu, nhập hộ khẩu nhờ, dẫn đến việc quản lý trật tự, an toàn xã hội, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công không thể đáp ứng được. Tại TP Quy Nhơn, không ít trường hợp người dân muốn con mình được học ở các trường “có tiếng” thuộc phường Lý Thường Kiệt, Lê Hồng Phong, Lê Lợi... nên đã nhờ người quen xác nhận để được nhập hộ khẩu nhờ tại các phường trên trước khi con đến tuổi đi học vài năm. Và việc họ thực hiện được mục đích của mình, ít nhất đã gây nên tình trạng thiếu bình đẳng trong việc thực hiện các nghĩa vụ địa phương.
Đảm bảo quyền công dân và chặt chẽ trong quản lý
Để Luật Cư trú thật sự phát huy quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, cũng như để công tác quản lý được chặt chẽ và thuận tiện, tại Hội nghị góp ý kiến xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức mới đây, ông Nguyễn Cư, Trưởng CA xã Phước Mỹ (Quy Nhơn) đề nghị: “Cần có những điều chỉnh như, “cá nhân, tổ chức khi đến tạm trú tại nơi ở mới cần tiến hành đăng ký ngay khi đến địa phương” để ngành chức năng dễ quản lý cũng như kịp thời ngăn chặn được các tệ nạn xã hội, mất ANTT, có thể phát sinh từ những nhóm người này”.
Ngoài ra, những quy định thuận tiện trong thủ tục làm hộ chiếu hiện nay đã làm nảy sinh tình trạng người dân xuất cảnh sang nước ngoài trong một thời gian dài theo hình thức du lịch, và không đăng ký với chính quyền sở tại, gây khó cho công tác quản lý. Đơn cử, theo thống kê của CA xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã có 456 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài bằng hộ chiếu... du lịch. Về vấn đề này, ông Trần Văn Vương, trưởng CA xã Nhơn Lý, đề nghị: “Để quản lý tốt sự biến động dân cư tại địa phương, cần quy định rõ việc công dân vắng mặt tại địa phương trong thời gian 6 tháng hoặc 1 năm hay 2 năm thì nên đưa vào diện tạm vắng hay xóa tên để không nảy sinh nhiều vấn đề; bên cạnh đó, phòng xuất nhập cảnh cần định kỳ hàng tháng gửi danh sách những người làm thủ tục xuất cảnh về địa phương để công tác phối hợp quản lý được chặt chẽ hơn”.
Một số nội dung quy định của Luật Cư trú quá đơn giản về thủ tục hành chính cũng gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu của lực lượng CA. Chẳng hạn, Luật Cư trú quy định công dân 18 tuổi trở lên có nhu cầu xin tách hộ là được tách hộ, dẫn đến 1 gia đình có nhiều sổ hộ khẩu, trong khi thực tế nhiều hộ chỉ là “danh nghĩa” và họ vẫn sống chung trong một nhà, gây khó khăn, tốn kém cho CA cấp cơ sở trong việc quản lý. Do vậy, thượng tá Nguyễn Văn Triều, Phó trưởng CA TP Quy Nhơn, kiến nghị: “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú cần quy định chặt chẽ hơn việc tách hộ cũng như nhập khẩu, nhằm giúp công tác quản lý thuận tiện hơn, đồng thời tránh tình trạng quá tải các dịch vụ công”.
KIỀU ANH