Tưng bừng lễ hội vui xuân
Trong không khí hân hoan chào đón năm mới Ất Mùi, các hội xuân năm nay ở tỉnh ta diễn ra nhộn nhịp với khá nhiều nét mới…
Người bán ở Chợ Gò luôn nở nụ cười chân chất.
Xem Thiện Nhân hát ở Hội Chợ Gò
6 giờ 30 sáng mùng 1 Tết, Chợ Gò đã tấp nập người đi hội. Ở phiên chợ này dù khách mua hay chỉ dừng lại ngắm nghía chụp hình các mặt hàng thì đều nhận được những nụ cười chân chất của người bán. Người bán người mua nhiều khi ở cùng thôn xóm nên chuyện mua bán tính sau, trước mắt là tay bắt mặt mừng chúc tụng nhau những điều tốt đẹp đầu năm mới.
Thiện Nhân thể hiện xúc động ca khúc “Quê hương tôi”.
Nhiều người dân và du khách lần đầu tiên đến với Chợ Gò cũng đã rất thích thú. Chị Lê Thị Vinh, một du khách ở Hà Nội, cho biết: “Được nhân viên khách sạn Hải Âu ở Quy Nhơn giới thiệu, vợ chồng tôi đã đi Chợ Gò đầu năm, nhiều cảm xúc từ cảnh mua bán đậm chất dân dã mà ở thủ đô hiếm khi thấy được…”.
Múa Chăm trong Đêm hội tháp Đôi.
Tại hoa viên Trường Úc trong khu vực Chợ Gò, Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước đã tổ chức biểu diễn ca nhạc, diễn tuồng, múa võ, hò bả trạo hấp dẫn người xem. “Món quà” mà Ban tổ chức hội chợ gửi đến người về dự hội năm nay là sự góp mặt biểu diễn của Thiện Nhân, Quán quân Giọng hát Việt Nhí năm 2014. Lần đầu tiên hát trước đông đảo bà con quê mình ở Chợ Gò, Thiện Nhân thể hiện ca khúc “Quê hương tôi”. Tiếng của Thiện Nhân tạo được sự đồng cảm cho người nghe trong buổi sáng đầu năm mới: “Quê hương tôi xanh biếc mượt mà. Bao ngọt ngào dòng sông tuổi thơ. Gió mơn man trên đồng lúa vàng. Cây trái nhiều mùa mưa mùa nắng. Quê hương tôi biết bao nhiêu ký ức lại về…”.
Quy Nhơn có Hội đánh bài chòi, thi múa lân
Tối mùng 2 Tết, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức. Chương trình Đêm hội tháp Đôi do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn phối hợp với Đoàn Ca kịch Bài chòi thực hiện với những tiết mục hát múa hấp dẫn…
CLB Minh Phước Đường biểu diễn trong Liên hoan Lân, Sư, Rồng.
Cũng trong đêm mùng 2 Tết, Hội đánh bài chòi cổ dân gian được tổ chức tại quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Nghệ nhân Minh Đức tâm sự: “Từ Phù Cát vào Quy Nhơn phục vụ người dân vui xuân, tôi cảm thấy vui khi có nhiều người đến tham gia trò chơi dân gian độc đáo của ông bà để lại”. Nhiều người dân và du khách ban đầu còn hơi lạ lẫm, nhưng dần dần bị cuốn hút vào trò chơi hấp dẫn này. Ông Nguyễn Văn Hùng (65 tuổi) tâm sự: “Tôi là người Bình Định đi xa đã lâu, nay trở về quê hương ăn Tết. Giữa không gian đô thị đẹp và hiện đại ở Quy Nhơn, lại được ngồi lên chòi chơi bài chòi giống như ngày xưa tôi còn nhỏ… nên cảm thấy xúc động”. Hội đánh bài chòi còn tiếp tục diễn ra liên tục vào những ngày xuân, lôi cuốn thêm nhiều người đến với trò chơi giải trí đậm sắc màu văn hóa truyền thống ngày xuân.
Tối mùng 4 Tết (22.2), không gian rộng lớn của quảng trường Trung tâm tỉnh vang vọng tiếng trống lân rộn rã. Liên hoan Lân, Sư, Rồng lần thứ III do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tổ chức, đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống trong những ngày Tết. Liên hoan năm nay thu hút 6 CLB lân sư rồng ở các phường trên địa bàn thành phố tham gia. Ông Bùi Việt Thanh, Trưởng Ban giám khảo Liên hoan, nhận xét: “Các đội lân năm nay đều có sự đầu tư khá đồng đều, thể hiện được trình độ kỹ thuật, cách dàn dựng tiết mục tạo sự lôi cuốn người xem....”. Với chất lượng biểu diễn tốt, CLB lân sư rồng Trung Anh Đường đoạt giải Nhất; CLB lân sư rồng Minh Phước Đường và phường Lê Lợi cùng đoạt giải Nhì; CLB lân sư rồng các phường Quang Trung, Thị Nại, Nguyễn Văn Cừ cùng đoạt giải Ba.
Võ sĩ Nguyễn Văn Thế (Tây Sơn - bên trái) đối đầu võ sĩ Nguyễn Ngọc Thắng (Gia Lai) trong trận đầu tiên của Hội thi đấu Võ cổ truyền huyện Tây Sơn năm nay.
Tìm về truyền thống hào hùng
Chiều mùng 4 Tết (22.2), tại Bảo tàng Quang Trung , Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 226 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 – 2015) và đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt Khu Đền thờ Tây Sơn tam kiệt.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định: “Di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt là sự ghi nhận và động viên lớn lao đối với Đảng bộ và nhân dân Bình Định trong việc giữ gìn, phát huy phong trào Tây Sơn nói chung, khu di tích Bảo tàng Quang Trung nói riêng”.
Tối 22.2 (mùng 4 Tết), tại sân vận động huyện Tây Sơn, Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn phối hợp với Hội võ thuật huyện đã tổ chức khai mạc Hội thi đối kháng võ cổ truyền năm 2015. Hội thi năm nay diễn ra trong 3 đêm (mùng 4 - 6 Tết) với sự tham gia của hơn 50 võ sĩ thuộc đội tuyển võ cổ truyền, kickboxing các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai… Ngay từ sáng mùng 5 Tết, mọi người đã bắt đầu đổ về Bảo tàng Quang Trung trẩy hội. Anh Trần Văn Cẩm, quê ở xã Phước Quang (Tuy Phước), chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi cùng gia đình đi hội Đống Đa. Nhà cách đây hơi xa nên tôi tranh thủ đến sớm để các con được vui chơi, đồng thời hiểu thêm về truyền thống lịch sử của dân tộc, quê hương Tây Sơn - Bình Định…”.
Trong khuôn viên của Bảo tàng Quang Trung sáng qua đã có nhiều hoạt động sôi nổi như kéo co, đẩy gậy, hội thi gói bánh ít truyền thống, hội đánh bài chòi cổ, thi múa rồng... thu hút đông đảo người dân đến xem. Anh Nguyễn Văn Minh, nhà ở Cam Ranh, Khánh Hòa, tâm sự: “Nghe tiếng lễ hội Đống Đa đã lâu rồi, nhưng giờ mới có điều kiện để lần đầu tiên về vui hội. Tôi đã từng đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy lễ hội nào nô nức, nhộn nhịp đến vậy. Nhất định Tết năm sau tôi sẽ đưa gia đình về Tây Sơn dự hội…”.
HOÀI THU – HỒNG PHÚC