Triển khai dịch vụ sức khỏe sinh sản ở TTYT An Lão, Vân Canh:
Còn nhiều bất cập
Mức thu dung bệnh nhân hằng năm tại khoa Sản của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vân Canh và An Lão đều rất thấp. Các dịch vụ chăm sóc sản khoa toàn diện, có thể mổ đẻ và truyền máu được triển khai rất hạn chế. Ðó là những khó khăn không thể một sớm một chiều giải quyết tận gốc.
Không bác sĩ, máy đắp chiếu
Chiều 6.5, chúng tôi có mặt tại khoa Ngoại - Sản, TTYT huyện An Lão; cả khoa chỉ có vỏn vẹn 3 sản phụ. Bà Đinh Thị On, ở thôn 2, xã An Vinh, đưa con gái đi sinh con đầu lòng, cho biết: “Ở đây được cái thoáng mát, không lo thiếu giường, lại được nhân viên y tế chăm sóc kỹ”.
Theo thống kê của TTYT huyện An Lão, năm 2011 Trung tâm thực hiện được 317 ca sinh, đến năm 2012 chỉ còn 290 ca. Từ đầu năm 2013 đến đầu tháng 5, có 98 ca sinh tại đây, giảm 14 ca so với cùng kỳ. “Khoa có 20 giường, trong đó có 10 giường dành cho sản, nhưng mức thu dung cao nhất chỉ khoảng 6 ca (thường vào dịp cuối năm), còn bình thường chỉ 2-3 ca. Với 3 nữ hộ sinh, lượng bệnh nhân không nhiều nên công việc của chúng tôi cũng không quá căng thẳng”, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Nhị cho biết.
Tại TTYT huyện Vân Canh, số ca sinh không giảm mạnh, nhưng vẫn “đều đều thấp”. Trong quý 1 năm 2013, có 111 sinh tại TTYT huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái có 109 ca. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc TTYT huyện, một trong những nguyên nhân khiến số ca sinh tại Trung tâm vẫn thấp là tỉ lệ người sinh con tại nhà còn cao (gần 20%). Bên cạnh đó, kết quả công tác tuyên truyền, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng thiếu hụt nhân lực. Hiện tại, dù có giường bệnh nội trú, nhưng cả TTYT huyện An Lão và Vân Canh đều không có… bác sĩ chuyên khoa Sản. Không có người làm nên máy móc, thiết bị phần nhiều phải “đắp chiếu”. “Chúng tôi có nhiều trang thiết bị, như đèn chiếu vàng da, máy hút nhớt, máy theo dõi tim thai, hệ thống đèn sưởi sơ sinh, 2 bộ dụng cụ mổ… Tuy nhiên, không có bác sĩ mổ đẻ, lượng sản phụ đến sinh cũng ít ỏi, nên không phát huy hết hiệu quả của máy móc, thiết bị”, ông Nguyễn Ngọc Phát, điều dưỡng trưởng của khoa Ngoại - Sản, TTYT An Lão, cho hay.
Cần đảm bảo nhân lực, chất lượng dịch vụ
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, TTYT huyện Vân Canh, hiện có 1 bác sĩ học chuyên khoa 1 sản, khoảng tháng 6 tới sẽ hoàn thành khóa học. Sau khi bác sĩ này được thực hành thêm ở BVĐK tỉnh, đến cuối năm nay, Trung tâm sẽ mở lại dịch vụ sinh mổ.
Trong khi đó, TTYT huyện An Lão đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho nhân lực chuyên khoa Sản, đồng thời đề nghị các bệnh viện tuyến tỉnh điều động bác sĩ luân phiên về giúp đơn vị. “Về lâu dài, chúng tôi sẽ có phương án tuyển dụng bác sĩ, cử người đi đào tạo chuyên khoa Sản để giải quyết tận gốc khó khăn này”, bác sĩ Phan Hữu Nhơn, Phó Giám đốc TTYT huyện An Lão, cho biết.
Để thực hiện tốt dịch vụ sức khỏe sinh sản ở TTYT Vân Canh, An Lão, ngoài đảm bảo nhân lực, thiết bị, việc quan trọng cần làm là “đả thông” tư tưởng cho người dân. Ở huyện Vân Canh, việc nâng cao ý thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản có ý nghĩa rất quan trọng. Công tác tuyên truyền phải hướng đến từng đối tượng cụ thể.
Với TTYT huyện An Lão, vấn đề đặt ra là phải tạo niềm tin cho người dân từ chính chất lượng dịch vụ. “Đời sống kinh tế được cải thiện, người dân An Lão quan tâm hơn đến sức khỏe sinh sản. Khám trước sinh cho kết quả bình thường, nhưng nhiều sản phụ vẫn quyết định xuống BVĐK khu vực Bồng Sơn sinh, chấp nhận chi phí cao hơn. Hơn nữa, thời gian gần đây, các trường hợp tai biến sản khoa xuất hiện nhiều nên gây hoang mang. Người dân ở An Hòa, An Tân chủ yếu xuống BVĐK khu vực Bồng Sơn để sinh, người dân các xã miền núi mới sinh tại Trung tâm Y tế huyện. Để “giữ chân” được sản phụ, quan trọng nhất là bản thân đơn vị cố gắng nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo niềm tin cho người dân”, bác sĩ Lê Kim Hùng, bác sĩ điều trị duy nhất của khoa Ngoại - Sản, được tăng cường từ khoa Hồi sức cấp cứu, bày tỏ.
NGUYỄN VĂN TRANG