Nhiều lễ hội lớn chính thức khai hội
Ngày 24.2 (mùng 6 tháng Giêng, Ất Mùi), tại sân chùa Thiên Trù, huyện Mỹ Đức, hàng vạn người dân cùng các tăng ni, phật tử đã tổ chức lễ khai hội chùa Hương năm 2015. Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý danh thắng Hương Tích, năm 2015 là năm đầu tiên áp dụng hình thức miễn phí thắng cảnh 3 ngày đầu năm mới, vì thế lượng khách trong những ngày này tăng đột biến so với mọi năm.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 24.2 đã có khoảng hơn 15 vạn du khách về với chùa Hương. Theo ghi nhận của phóng viên thì năm nay toàn bộ thuyền, đò chở khách được sơn lại một màu xanh khiến không gian của suối Yến trở nên mềm mại và mát mắt hơn. Song tiếc thay sự tái xuất có phần dày đặc của những chiếc ca-nô máy trên dòng suối thơ mộng này là một điểm trừ của ban tổ chức. Mấy năm trước ban tổ chức đã ra lệnh cấm không cho các phương tiện có gắn động cơ được lưu thông trên suối Yến (trừ một số phương tiện phục vụ cho các đơn vị an ninh, trật tự, ban tổ chức...) nhưng không biết vì lẽ gì mà các “hung thần” ấy lại xuất hiện và di chuyển thường xuyên trong khu vực này.
Ngày 24.2, tại chùa Bái Đính, Ninh Bình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh đã đánh trống khai hội và cùng với nhân dân, du khách dâng hương, tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ có các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Phần hội có các trò chơi dân gian và chương trình nghệ thuật đặc sắc tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng đế và lễ tế cờ của vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận…
Cùng ngày, tại khu Di tích lịch sử đền Sóc, Phù Linh - Sóc Sơn Hà Nội đã diễn ra lễ khai hội và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đền Sóc, thờ Thánh Gióng - một trong “tứ bất tử” của văn hóa dân gian Việt Nam, trên địa phận xã Phù Linh (Sóc Sơn) gồm 7 công trình kiến tạo, mỗi công trình có giá trị lịch sử và nghệ thuật riêng. Phần lễ của hội đền Sóc được mở đầu bằng lễ dâng hương, sau đó là lễ rước truyền thống của 8 đoàn rước thuộc các thôn, xã lân cận. Nghi thức chính tại lễ hội là rước kiệu hoa tre (được kết từ hàng trăm hoa tre bằng cách cắm vào thân một cây chuối cao làm trụ). Đây là một vật mang tính biểu trưng, tượng trưng cho cây gậy tre của Thánh Gióng đánh giặc khi xưa.
Theo Mai An (SGGP)