Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo cháy rừng
Hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 9, thời tiết ở tỉnh ta thường chuyển sang khô hanh, nắng nóng kéo dài (lúc cao điểm, nhiệt độ từ 39 đến 400C). Ðây chính là nguyên nhân khiến cho thảm thực bì khô dẫn tới nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao.
Theo cảnh báo của ngành chức năng, hiện nhiều địa phương trong tỉnh đang ở cấp dự báo cháy rừng nguy hiểm. Nếu để xảy ra các đám cháy rừng thì mức độ cháy lan tràn rất nhanh, rất khó kiểm soát, gây nhiều thiệt hại đến môi trường sinh thái...
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, diện tích đất lâm nghiệp và đất có rừng trên địa bàn tỉnh khá lớn, với diện tích 297.832 ha đất có rừng; trong đó, rừng tự nhiên 202.611 ha, rừng trồng 95.220 ha. Do diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn, trải rộng ở nhiều địa phương; ở các khu vực có rừng, giao thông đi lại khó khăn do địa hình phức tạp, phương tiện chữa cháy rừng còn thô sơ… nên nguy cơ cháy rừng là một nỗi lo lớn vào mỗi mùa hanh khô.
Vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên mùa khô đã diễn ra khá gay gắt và kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao. Tại tỉnh ta, trong năm 2012, toàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 132,59 ha rừng, chủ yếu là rừng trồng bạch đàn, keo, phi lao tại các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Vân Canh, Hoài Ân, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn… Từ đầu mùa khô đến nay, tuy chưa xảy ra các vụ cháy rừng lớn nhưng lẻ tẻ tại một số địa phương đã xảy ra các đám cháy rừng nhỏ. Nhờ được phát hiện kịp thời, triển khai tích cực công tác chữa cháy nên đã khống chế kịp thời các đám cháy rừng xảy ra.
Nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng là do người dân thiếu ý thức trong việc phát dọn, đốt thực bì để chuẩn bị cho vụ trồng rừng khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, do không kiểm soát được ngọn lửa nên đã gây cháy lan ra các khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, tình trạng người dân đốt rừng làm rẫy trái phép, đốt lửa săn bắt tổ ong... cũng là nguyên nhân gây ra cháy rừng.
Nạn cháy rừng để lại hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng có một thực tế rất đáng quan tâm là một bộ phận không nhỏ người dân còn thiếu ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp, ngành, chính quyền địa phương đối với công tác này cũng dẫn đến nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Để công tác phòng cháy chữa cháy rừng có hiệu quả, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về hiểm họa cháy rừng đến mỗi người dân, đến từng khu dân cư, nhất là những khu vực có rừng; cần chủ động phòng chống cháy rừng với các phương án cụ thể.
GIA KHƯƠNG