Lo “chiếc áo” đã chật
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Bình Định là bảo tàng loại 2 theo sự phân loại của hệ thống bảo tàng cả nước, với hơn 10.000 hiện vật các loại. Với số lượng hiện vật đồ sộ như vậy đã đặt ra một bài toán khó là làm sao bảo quản thật tốt và phát huy tối đa giá trị của mỗi hiện vật.
Nhận thức rõ điều đó, lãnh đạo Bảo tàng trong những năm qua đã có nhiều giải pháp để làm tốt vấn đề này như xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn có tay nghề; đầu tư trang thiết bị bảo quản như quạt thông gió, giá, tủ để hiện vật…Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, công tác bảo quản gìn giữ hiện vật của bảo tàng cũng gặp không ít khó khăn.
Thứ nhất là yếu tố ngoại cảnh, đó là bảo tàng đóng trên địa bàn gần biển, nên hơi mặn của biển rất dễ ăn mòn các hiện vật bằng kim loại, gây ra hiện tượng hoen rỉ khiến cho hiện vật rất dễ bị xuống cấp. Thứ hai, yếu tố nội tại cũng có nhiều hạn chế như diện tích kho tàng để chứa hiện vật chật hẹp, trong khi số lượng hiện vật sưu tầm hằng năm ngày một tăng lên, đặc biệt là qua các cuộc khai quật khảo cổ học. Trong mấy năm gần đây số lượng hiện vật sưu tầm được khá nhiều, đó là hiện vật các ngành nghề truyền thống, hiện vật võ cổ truyền, hiện vật công cụ sản xuất truyền thống của người Việt… Với số lượng hiện vật ngày càng tăng nhưng diện tích kho lưu trữ của bảo tàng lại quá chật, chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của công tác bảo quản hiện vật.
Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án nâng cấp hệ thống trưng bày và nhà kho bảo tàng nhằm thiết thực hướng tới các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và của tỉnh trong năm 2015, đặc biệt là hướng đến kỷ niệm 40 năm giải phóng Bình Định (31.3.1975 - 31.3.2015). Tuy nhiên, về dài hạn thì cần phải có một cơ chế chính sách thích hợp để mở rộng hơn nữa diện tích nhà kho cũng như diện tích trưng bày, nhằm bảo quản và phát huy tối đa giá trị của các hiện vật bảo tàng cả trong hiện tại và tương lai. Có như vậy Bảo tàng Bình Định mới luôn là một điểm đến văn hóa thu hút đối với những du khách muốn tìm hiểu di sản văn hóa trên vùng đất Võ.
NGUYỄN VIẾT TUẤN